Gần 800 hộ dân thành phố Quy Nhơn “khát” nước sạch

Chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 2 km nhưng vì phải đi qua đèo Quy Hòa, nên từ lâu nay gần 800 hộ dân khu vực 1, 2 của phường Ghềnh Ráng luôn cách biệt với người dân khác của thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Người dân nơi đây chưa bao giờ được sử dụng nước máy, vì đường dẫn nước sạch của thành phố không đủ áp lực để đưa nước qua đèo. Còn nước giếng, nguồn nước sinh hoạt duy nhất của bà con, thì lúc có lúc không và bị nhiễm phèn đậm đặc.     

Là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực 2, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Thanh (70 tuổi) đã tự chế ra công cụ lọc nước để dùng hàng ngày. Thiết bị lọc nước tự chế của bà Thanh gồm 2 cái lu đất; một cái lu đặt trên cao, bên trong chứa đầy than và cát, sau khi đổ nước vào lọc, nước sẽ chảy xuống cái lu sạch bên dưới. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Thanh, khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, bên lu nước nhiễm phèn nặng. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN

Cứ 1 tuần bà phải thay lu lọc nước một lần, thế nhưng cách này vẫn không thể cho nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh. Bà Thanh lo ngại: “Nước giếng khi bơm lên bị nhiễm phèn nên có màu vàng cam, đóng màng như mỡ, mùi rất tanh. Sau khi lọc thì nước có trong hơn, nhưng để khoảng 15 phút lại bắt đầu chuyển màu vàng. Do điều kiện khó khăn, không có tiền mua máy lọc nên phải lọc thủ công như thế này, tôi rất lo lắng cho sức khỏe của mọi người trong gia đình”.     

Cùng chung lo lắng trên là ông Trần Phúc Quốc, hàng xóm của bà Thanh. Căn nhà mới xây của ông có một mảng tường loang lổ màu vàng nâu của phèn, do bể nước phía trên thỉnh thoảng tràn xuống. Ông múc từ trong bể ra một ca nước có màu đậm đặc như nước chè và chia sẻ: “Nước bơm lên mang tưới cây thì cây cảnh cũng chết hết, thử hỏi sao người uống được. Chúng tôi cũng là những công dân của thành phố Quy Nhơn mà bao năm nay không có nguồn nước sạch để dùng. Đi tắm còn ngứa ngáy nữa, chứ chưa nói đến chuyện uống”.    

Đã nhiều năm nay phản ánh nguyện vọng được dùng nước sạch của người dân lên các cấp lãnh đạo, ông Phan Văn Sơn, Trưởng Ban công tác Mặt trận Tổ quốc khu vực 2, phường Ghềnh Ráng không khỏi thất vọng khi vấn đề chưa được giải quyết. Ông cho biết, dù người dân đã dùng các cách từ thủ công đến mua máy lọc nước nhưng không thể đảm bảo nước hợp vệ sinh. 2 tuần qua,  trong khu vực liên tiếp có 2 người tử vong do ung thư, khiến  nhiều người dân  thêm lo ngại. Chưa kể, vào mùa khô, các giếng nước khô cạn, người dân trong khu vực phải đi chở từng bình nước sạch về dùng. Bà con khẩn thiết đề nghị các cấp chính quyền sớm lắp đặt hệ thống cấp nước sạch, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế cho khu vực.  

Về lý do không có đường cấp nước sạch đến các khu vực 1, 2 của phường, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng Võ Chí Thiện cho biết: Hiện nay còn tổng cộng 776 hộ dân ở khu vực này thiếu nước sạch, phải dùng nước giếng. Nguyên nhân do khu vực này nằm ở phía bên kia đèo Quy Hòa, nguồn nước của thành phố không đủ áp lực để đưa nước tới. Năm 2013, tỉnh đã dự kiến xây dựng một trạm điều áp để đưa nước qua các khu vực trên, nhưng dự kiến kinh phí là khoảng 17 - 18 tỷ đồng, thiếu vốn nên chưa thể thực hiện. Chính quyền địa phương đã báo cáo và chờ chỉ đạo của các cấp trên về vấn đề này.     
      
Nhóm phóng viên đã liên hệ với ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, song ông Nam từ chối với lý do bận công việc.    
Bài và ảnh: Quốc Dũng
Lo nước sạch cho người dân Ia Pa
Lo nước sạch cho người dân Ia Pa

Dân gian có câu "thóc ở đâu - bồ câu ở đó", thế nhưng ở huyện Ia Pa (Gia Lai) lại khác, "có thóc" nhưng lại không có..."bồ câu". Điều này đã khẳng định, Ia Pa vẫn còn rất nhiều khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn, nhất là ở Khu trung tâm hành chính của huyện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN