“Đừng giảm giá bia, hãy nhận người khuyết tật vào làm”

Một ngày nọ, anh Diego - một kiến trúc sư người Tây Ban Nha, đồng thời là ông chủ của doanh nghiệp thời trang Chula (tại Hà Nội) và các nhân viên vào một nhà hàng liên hoan. Chủ nhà hàng trố mắt khi thấy mấy chục con người từ chủ đến nhân viên giao tiếp bằng ngôn ngữ cử chỉ. Khi biết được đây là doanh nghiệp chủ yếu tuyển nhân viên khuyết tật, ông chủ này hào phóng nói: “Chúng tôi sẽ giảm giá bia cho các bạn”. Nghe xong, anh Diego cười, xua tay: “Cảm ơn! Nhưng đừng giảm giá bia. Hãy nhận người khuyết tật vào làm!”. Lời nói hài hước, cũng là đề nghị ấy thật chân thành, vì thốt ra từ một người có kinh nghiệm sử dụng lao động khuyết tật.

Đầu bếp của nhà hàng Donkey Bakery là hai chàng trai khuyết tật nghe và nói. Ảnh: Mạnh Minh


Thực tế của các doanh nghiệp khác đã cho thấy, người khuyết tật làm việc đầy nghị lực, cần mẫn và sáng tạo. Doanh nghiệp được lợi nhiều khi tuyển họ.

Thấu hiểu và thích nghi

Lưu Thị Miền là cô gái 20 tuổi bị khiếm thính quê ở Giao Thủy (Nam Định) đã làm việc tại Chula được 3 năm. Với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng, được hỗ trợ tiền đi lại và tạo điều kiện về ăn ở, Miền tiết kiệm được hơn 1 triệu/tháng để gửi về quê đỡ đần bố mẹ.

Ở Chula, hiện nay có tới 80% nhân viên như Lưu Thị Miền đang làm việc. Chula là doanh nghiệp về thời trang tại Hà Nội, thành lập năm 2006, do hai vợ chồng người Tây Ban Nha là ông Diego Cortizas và bà Laura Fontán làm chủ. Trong số 56 nhân viên đang làm việc tại đây, có 49 người khuyết tật. Người khuyết tật đảm nhiệm mọi vị trí công việc ở đây từ thêu, đến may, quản lý, thiết kế web, bán hàng... Ông Diego Cortizas chia sẻ: “Quyết định tuyển người khuyết tật vào làm đến với chúng tôi rất tình cờ. Trước khi thành lập công ty, chúng tôi đã biết một số công ty tuyển dụng người khiếm thính. Chúng tôi quyết định thử. Hiện nay, chúng tôi rất hài lòng về quyết định này”.

Sẽ khó khăn khi sử dụng đội ngũ nhân viên đa số là người khuyết tật nhưng ông Diego cho biết “đó là vấn đề rất nhỏ” và “vấn đề khuyết tật không có gì là xa lạ với chúng tôi” vì trong gia đình Diego cũng có người thân bị khuyết tật. Để khắc phục những khó khăn khi giao tiếp, tại Chula, từ chủ đến các nhân viên đều học ngôn ngữ ký hiệu.

Cùng với Chula, tiệm bánh kiêm nhà hàng ăn uống Donky Bakery cũng là một doanh nghiệp được nhận giải thưởng “Dải băng xanh” - giải thưởng của Hội đồng tư vấn việc làm cho người khuyết tật trao đầu năm 2011. Tại đây có 20 người khuyết tật đang làm việc. Bếp trưởng là anh Nguyễn Văn Hợp, một người khiếm thính quê ở Sơn La. Nhân viên của nhà hàng chủ yếu là khiếm thính, có một nhân viên khiếm thị là người trực điện thoại nhận các cuộc gọi từ khách hàng. Ông Mark, chủ hiệu bánh tự nhận mình là “chú lừa lớn” và gọi thân mật những nhân viên của mình là “đàn lừa con chăm chỉ”.
Có một điều đặc biệt ở Donky Bakery cũng như ở Chula, để nhận người khuyết tật vào làm, chính những ông chủ đã học các ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhân viên.

Điều đặc biệt nữa là ông Mark cũng như ông Diego không tuyển người khuyết tật như một việc từ thiện. Họ thực sự công nhận hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân viên của mình.

Công việc và môi trường làm việc thân thiện đã không những đem lại thu nhập mà còn đem lại những niềm vui cho người khuyết tật, vì họ cảm thấy mình được làm việc và sáng tạo. Chính vì thế, các nhân viên rất gắn bó với công ty và chăm chỉ làm việc. Lưu Thị Miền cho biết cô rất hài lòng khi làm việc ở đây vì công việc đòi hỏi sự sáng tạo, rất phù hợp với sở thích của cô. Và quan trọng hơn, Miền cho biết “được làm việc với những người khiếm thính giống mình, thấy rất vui và hết mặc cảm”.

Niềm vui thể hiện trong ánh mắt Miền, trong ánh mắt của Hợp và rất nhiều nhân viên khuyết tật khác đang làm việc tại đây. Khi hỏi họ có mong muốn chuyển công việc khác không, ai cũng xua tay lắc đầu. Người phiên dịch giải thích cho chúng tôi: “Các bạn ấy rất hài lòng rồi. Và chỉ mong công ty luôn có nhiều khách hàng để được làm việc nhiều hơn”.

Cùng với Chula Fashion và Donky Bakery, còn nhiều doanh nghiệp cũng được tuyên dương vì có nhiều đóng góp tích cực trong việc sử dụng người lao động khuyết tật vào làm. Đó là: Công ty CP than Hà Tu (Quảng Ninh), Công ty CP May Quảng Ninh, Công ty TNHH Masuoka Việt Nam (Hải Phòng), Công ty Donkey Donuts (Hà Nội)...

Tuyển lao động khuyết tật: Doanh nghiệp được lợi

Qua thực tế sử dụng lao động khuyết tật, nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng người khuyết tật có thể làm việc với năng suất tốt và họ còn giúp đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc vì nhiều lý do. Có thể vì chỉ để tuân thủ Luật Lao động của nước sở tại, một số làm chỉ vì họ nghiêm túc thực hiện cam kết không phân biệt đối xử hoặc muốn thực hiện trách nhiệm xã hội.

Theo nhiều doanh nghiệp, xét cả về năng suất, tính an toàn và mức độ chuyên cần, người khuyết tật làm việc ngang bằng hoặc tốt hơn các đồng nghiệp không bị khuyết tật. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Chang Shin - một đối tác của hãng thời trang nổi tiếng thế giới Nike - được biết đến như một mô hình thành công khi sử dụng tới 161 lao động khuyết tật. Từ năm 2001, Chang Shin bắt đầu tuyển người khuyết tật vào làm. “Ban đầu, lãnh đạo rất lo lắng khi người khuyết tật thiếu tự tin và những nhân viên bình thường có vẻ không chắc chắn rằng liệu họ có thể phối hợp làm việc với nhân viên khuyết tật hay không”, ông Oliver Edolsa - Trợ lý giám đốc Chang Shin thừa nhận. Nhưng “qua thời gian, mọi người nhận thấy năng lực của người khuyết tật không hề thấp. Có 2 người đã được thăng chức. Hiện nay, người khuyết tật đã tự tin hơn và các nhân viên không khuyết tật đã ủng hộ họ”, ông Edolsa nói.

Bên cạnh những lợi ích doanh nghiệp có được từ năng lực làm việc của người khuyết tật, doanh nghiệp còn nhiều lợi ích khác khi sử dụng đối tượng lao động này. Nghiên cứu đã chỉ ra lao động khuyết tật thường trụ lâu dài với công việc hơn - đây là một cái lợi cho doanh nghiệp. Thực tế tại Công ty Chang Shin, “tỷ lệ nhảy việc của người khuyết tật là rất thấp so với các nhân viên khác. Tỷ lệ nhân viên nhảy việc hàng năm là 26% nhưng chỉ có 2 người khuyết tật nghỉ việc”, ông Edolsa cho biết.

Một ưu điểm nữa là việc thuê lao động khuyết tật giúp tăng đạo đức nghề nghiệp của nhân viên cơ quan. Từ những phân tích thông tin về tình hình sử dụng lao động khuyết tật, nhiều doanh nghiệp lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức lao động quốc tế cho biết: “Nhiều doanh nghiệp cho biết tính đồng đội và đạo đức của nhân viên được cải thiện khi có người lao động khuyết tật trong đội ngũ nhân viên”.

Theo Giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương: “Qua phân tích lợi ích kinh doanh, người ta đã công nhận rằng khi có cơ hội và được giao việc phù hợp với khả năng, người khuyết tật sẽ là những nhân viên tốt và góp phần mang lại nhiều lợi ích khác cho doanh nghiệp”.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN