Đưa nhanh gói hỗ trợ đến với người nghèo

Triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội đợt 2, các địa phương ở TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương tiến hành lập danh sách và chi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hiện toàn thành phố đang thực hiện giãn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg nhưng nhiều địa phương đã linh động, bằng nhiều giải pháp chi hỗ trợ kịp thời cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nhất là trong thời gian cao điểm Thành phố cùng cả nước phòng, chống dịch.
      
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no"

Chú thích ảnh
Bên cạnh việc chi hỗ trợ theo chính sách, Ủy ban MTTQ phường 9, Quận 3, còn trao nhiều phần quà gồm nhu yếu phẩm thiết yếu cho người yếu thế, hộ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, thủ tục chi hỗ trợ đợt này đơn giản, nhanh gọn hơn nhằm tạo thuận lợi cho các trường hợp thụ hưởng. Nhiều địa phương chọn giải pháp chi hỗ trợ cho người lao động tự do, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch COVID-19 thông qua tài khoản ngân hàng hoặc tại phường, xã, thị trấn.

Ghi nhận tại nhiều quận, huyện và thành phố Thủ Đức cho thấy, tùy theo tình hình dịch bệnh và điều kiện giãn cách xã hội, các địa phương linh động đến nhà, trao tận tay cho từng trường hợp để gói chính sách an sinh xã hội của Thành phố kịp thời đến với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn mà vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
      
Tại Quận 5, gia đình ông Đoàn Văn Bội, ngụ tại Phường 8 là một trong những hộ khó khăn đầu tiên được lãnh đạo Quận đến tận nhà thăm hỏi, tặng quà và trao hỗ trợ ban đầu. Vợ chồng ông Bội đã không cầm được những giọt nước mắt, vui mừng vì trong suốt thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh, ông không chạy được xe ôm truyền thống để mưu sinh và chăm lo cho người vợ bệnh tật.
      
Xúc động trước sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, vợ chồng ông Bội cho biết: “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Việc hỗ trợ, chăm lo kịp thời của chính quyền trong thời điểm này thật sự rất quý, đáng trân trọng, giúp cho người nghèo có thêm nghị lực để cùng nhau vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn này.
      
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Lưu cùng nhiều người dân lao động tự do, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Phường 8 (Quận 5) cũng được nhận 1,5 triệu đồng cùng 5 kg gạo. Không giấu được sự cảm động, bà Lưu cảm ơn sự quan tâm tận tình từ Tổ trưởng tổ dân phố, Ban điều hành khu phố đến chính quyền các cấp đã hỗ trợ người nghèo, người lao động tự do trang trải cuộc sống, có thêm động lực, niềm tin thành phố sẽ sớm chiến thắng dịch COVID-19.
      
Song, có lẽ hạnh phúc nhất là các gia đình bán vé số dạo ở xóm trọ Phường 1, Quận 3, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức hay dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, Quận 1 đã may mắn nhận được hỗ trợ từ chính quyền địa phương cùng nhiều phần quà của các nhà hảo tâm trong thời điểm dịch bệnh, khó khăn. Do phần lớn người bán vé số dạo nơi đây đều có tuổi đời cao, đến từ các tỉnh miền Tây, miền Trung mưu sinh cuộc sống nên số tiền hỗ trợ sẽ được dành dụm để trang trải tiền nhà trọ trong những ngày tháng nghỉ bán, mỗi người cũng tự tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày bằng các suất cơm từ thiện.
      
Theo ông Ngô Văn Tiến cùng nhiều đồng hương quê Phú Yên ở trọ tại phường Cầu Kho, ngày thường mỗi người bán được 180 - 250 tờ vé số, lãi 1.000 đồng/tờ. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại vé số ế ẩm, người bán giỏi cả ngày lẫn đêm cũng chỉ được hơn 100 tờ. “Cách đây ít hôm (ngày 9/7), đại lý thông báo thu hồi hết vé số ngừng bán do dịch bệnh khiến cuộc sống càng thêm chật vật. Cũng may được hỗ trợ gạo, rau nên nấu được bữa cơm qua ngày”, ông Tiến chia sẻ.
      
Cùng hoàn cảnh khó khăn, anh Phan Lưu Trí cùng nhiều anh em chạy xe ôm truyền thống ở xóm nghèo Trần Văn Đang, Quận 3 rất vui khi được Tổ trưởng tổ dân phố đến hỏi thăm từng trường hợp và đưa vào danh sách cần được hỗ trợ trong đợt này. Anh Trí cho biết, mong mỏi lớn nhất của những người nghèo là các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, quận, huyện hỗ trợ đúng người, đúng thời điểm.
      
“Điều này, không chỉ giúp giải quyết cuộc sống mưu sinh hàng ngày, những khó khăn trước mắt mà còn giúp cho mọi người chấp hành tốt giãn cách xã hội, thêm tin tưởng công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố cùng cả nước sẽ sớm thành công”, anh Trí tin tưởng.
      
Thống kê các trường hợp là đối tượng yếu thế, lao động tự do (người bán vé số, buôn bán nhỏ không cố định, xe ôm truyền thống…) của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn thành phố có khoảng 230.000 trường hợp được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người trong đợt này. Ngoài ra, có 80.000 trường hợp lao động mất việc được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người; các hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn trong việc thực hiện Chỉ thị số 16 (đợt đầu tháng 5/2021) tại quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (Quận 12) và các khu phong toả khác được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ.
      
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, hiện 21 quận huyện và thành phố Thủ Đức đã tiến hành chi trả gói hỗ trợ cho hơn 60.000/230.000 trường hợp là lao động tự do (đạt hơn 17%) với số tiền hơn 90 tỷ đồng. Trong đó, gần 20.000 người bán vé số không có điểm bán cố định (bán dạo) đã nhận được kinh phí hỗ trợ từ địa phương.
      
Linh hoạt hỗ trợ sớm cho người nghèo, lao động tự do

Chú thích ảnh
Bà Trương Minh Kiều, Quyền Chủ tịch UBND Quận 5 tặng quà và trao hỗ trợ cho hộ gia đình ông Lục Cường Phương, ngụ tại phường 8, Quận 5. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là thời điểm toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều quận, huyện đã chủ động, linh hoạt chi hỗ trợ cho người lao động tự do, người có hoàn cảnh khó khăn. Ngay cả khi kinh phí chưa kịp chuyển về, nhiều địa phương đã chủ động tạm ứng, trích từ các nguồn có sẵn để kịp thời chi hỗ trợ cho người nghèo, người lao động tự do.
      
Ghi nhận tại thành phố Thủ Đức, địa phương có đông dân cư, nhiều lao động tự do, cán bộ cơ sở khu phố, tổ dân phố gặp không ít khó khăn do đã đến từng nhà lập hồ sơ, kê khai danh sách người được hỗ trợ, bảo đảm quy định về phòng, chống dịch và giãn cách xã hội. Ông Phan Thành Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hiệp Bình Chánh (thành phố Thủ Đức) cho biết: Phường đã triển khai đến 9 khu phố về việc này. Với quy trình làm hết sức chặt chẽ, chi trả đúng, đủ, không bỏ sót đối tượng nào, dự kiến lần đầu địa phương sẽ chi hỗ trợ cho 3.000 trường hợp là lao động tự do.
      
Thấu hiểu những khó khăn của người nghèo, người lao động tự do, lãnh đạo phường Thảo Điền (thành phố Thủ Đức) đã linh hoạt, chủ động ứng tiền hỗ trợ, giúp người dân ổn định cuộc sống. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Khu phố 1, phường Thảo Điền, trên tinh thần khẩn trương, hiệu quả, hỗ trợ kịp thời, chính quyền địa phương cùng Ban điều hành khu phố, tổ dân phố đã đến từng nhà thăm hỏi, động viên và trao số tiền hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể...
      
Là địa phương đi đầu, làm tốt việc chi hỗ trợ người nghèo, người lao động tự do, bà Trương Minh Kiều, quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5 chia sẻ: Quận đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm tốt nhất, nhanh nhất có thể trong quá trình thực hiện, phù hợp với các thủ tục hành chính hiện hành. Tại đầu mối các phường, xã, khu phố, tổ dân phố cần linh động, sáng tạo, đảm bảo đúng đối tượng và an toàn phòng dịch trong quá trình khảo sát, lập danh sách và trao hỗ trợ cho trợ người nghèo, người lao động tự do. Ngoài gói hỗ trợ của Nhà nước, trong dịp này đã vận động ủng hộ được hơn 30 tấn gạo nên ngoài việc hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người (theo quy định) còn tặng thêm 5 kg gạo cho mỗi trường hợp. 
      
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Bình Thạnh cho biết, hiện các phường đã hoàn tất hướng dẫn, lập sách và tiến hành chi hỗ trợ cho người dân đã hoàn tất thủ tục. Hồ sơ duyệt chi hỗ trợ đợt này chủ yếu là lao động tự do, những người bán vé số, buôn bán nhỏ lẻ, phụ hồ… nhất là các trường hợp cư trú tại địa phương, dễ xác nhận. Trước mắt, cán bộ phường đến tận nhà để chi tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng/lần nhằm hạn chế người tập trung tại trụ sở phường. Riêng các trường hợp như người lao động ngừng việc, hoãn việc… sẽ chi chậm hơn vì cần thời gian để chủ doanh nghiệp lập danh sách và các bên liên quan hoàn tất hồ sơ.
      
Ghi nhận tại quận Bình Thạnh, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do được nhận hỗ trợ lần này cho biết, đây là số tiền không nhỏ và thật sự cần thiết, nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội, dịch bệnh nhiều khó khăn. Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh đã tạm ứng từ ngân sách cho mỗi phường 500 triệu đồng để địa phương chủ động trong việc chi hỗ trợ, góp phần đẩy nhanh tiến độ, chi hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng trong khi chờ kinh phí từ thành phố chuyển về.

Bà Trần Huỳnh Nga, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Phú Nhuận xác nhận có hơn 9.000 trường hợp là công nhân của các doanh nghiệp, lao động tự do, tiểu thương của các chợ truyền thống thuộc diện hỗ trợ đợt này. Để trách bỏ sót, công tâm, khách quan công khai, ngay từ đầu, tại mỗi phường đã thành lập hội đồng xét duyệt bao gồm các thành viên có chức năng và đại diện khu phố, tổ dân phố để xét duyệt sau khi lập danh sách. Đến nay, hơn 2.800 lao động tự do đã nhận được hỗ trợ trong đợt đầu tiên.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện tại, Quận 12 đã triển khai thực hiện gói hỗ trợ của thành phố đạt 105%. Lý giải về điều này, lãnh đạo Quận 12 cho biết, thống kê ban đầu chỉ có khoảng 4.500 người lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, quá trình lập danh sách thực tế cập nhật bổ sung tăng thêm 200 trường hợp, tổng số tiền dự chi hỗ trợ đợt này là hơn 7 tỷ đồng.
      
Tham gia giám sát việc chi hỗ trợ gói an sinh xã hội theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Phan Kiều Thanh Hương ghi nhận sự nhạy bén, linh hoạt, khẩn trương của các sở, ngành và địa phương. Đồng hành cùng chương trình này, Mặt trận Tổ quốc đã chi 3,9 tỷ đồng để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu (300.000 đồng/phần) cho người yếu thế, hộ khó khăn, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội toàn thành phố.
      
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, thống kê ban đầu từ 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức cho thấy, toàn thành phố có khoảng 34.000 người làm xe ôm truyền thống (không tính xe công nghệ) và xe xích lô chở khách. Hiện nhiều người trong số này đã nhận được khoản hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày tương tự người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc do dịch COVID-19, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, gói an sinh xã hội hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lần này giảm thủ tục và thời gian rất nhiều so với năm 2020. Trong đó, người lao động tự do (không có giao kết hợp đồng lao động) không cần xuất trình giấy xác nhận chưa nhận hỗ trợ tại địa phương nơi cư trú mà chỉ cần tạm trú tại thành phố là được chi hỗ trợ.

Theo ông Hoan, dù trong 6 nhóm đối tượng là lao động tự do không nêu cụ thể trường hợp xe ôm truyền thống. Tuy nhiên, đặc thù xe ôm truyền thống vẫn thuộc ngành nghề “lao động tự làm” nên họ vẫn được xét hỗ trợ, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm lập danh sách để hỗ trợ nếu đủ điều kiện. Trong thời gian giãn cách xã hội, những người này cơ bản bị mất việc làm, thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu và đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
      
Về tiến độ triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ và linh hoạt, liên tục, không ngừng nghỉ trong các ngày, kể cả ngày cuối tuần. Toàn Thành phố phải hoàn tất việc hỗ trợ đối với 230.000 người lao động tự do trước ngày 15/7, đồng thời phải đảm bảo an toàn phòng dịch trong quá trình thực hiện.
      
Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh, đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị của Thành phố mà còn là một chính sách xã hội nhân văn, đặc biệt là góp phần quan trọng thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng dịch vừa bảo đảm phát triển kinh tế.

Bài và ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
Thêm 4 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Đồng Tháp, Long An
Thêm 4 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Đồng Tháp, Long An

Việt Nam vừa công bố thêm 4 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Đồng Tháp, Long An; đều có bệnh nền nặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN