Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước. Hiện nay các làng vẫn còn giữ và phát huy được thế mạnh nghề của mình. Đó là một nét văn hóa rất đặc trưng của Hà Nội và là một tiềm năng để phát triển thành một loại hình du lịch riêng có khả năng thu hút nhiều khách du lịch.
Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng
Hà Nội hiện có 1.300 làng có nghề truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng bao bọc lấy kinh thành Thăng Long từ bao đời nay. Đây được đánh giá là mảnh đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên du lịch làng nghề Hà Nội hiện nay còn mang tính tự phát, thiếu sức hút đối với khách du lịch.
Du lịch làng nghề vẫn là tiềm năng
Đi từ trung tâm Hà Nội, theo quốc lộ 1A về hướng nam khoảng 20km là làng thêu Quất Động, làng may Trạnh Xá, cách đó không xa là làng Duyên Thái, Chuyên Mỹ điêu luyện về nghề sơn mài, khảm trai; làng Nhân Hiền giỏi nghề điêu khắc đá. Dịch sang một chút là làng cổ Nhị Khê có nghề mộc và tiện gỗ, rồi làng Vác làm quạt giấy, lồng chim; làng Chuông làm nón; làng mây tre đan Phú Vinh; làng giò chả Ước Lễ; làng bún Liên Bạt. Các làng nghề nối nhau san sát, có khi chỉ cách nhau một cánh đồng, một dòng sông nhỏ.
Khách du lịch tham quan làng gốm Bát Tràng. Ảnh: Quỳnh Như |
Một làng nghề lâu đời của Hà Nội được hình thành từ thời Lý, hiện là điểm du lịch khá đông khách trên tuyến sông Hồng là làng cổ gốm sứ Bát Tràng. Gốm Bát Tràng được biết đến và nổi tiếng từ xa xưa với việc chế tạo ra các loại men gốm đẹp và những công đoạn tạo dáng. Nhiều thợ gốm với kinh nghiệm gia truyền lâu đời đã chế tác ra nhiều sản phẩm gốm độc đáo cả về dáng, họa tiết trang trí và men, đặc biệt là men đồng đen, men cổ hoặc dát lá đồng mỏng trên họa tiết nổi của chân đèn men nâu… mang lại nét đặc trưng riêng cho thương hiệu làng nghề gốm Bát Tràng.
Làng lụa Vạn Phúc cùng các làng dệt Hòa Xá, Phùng Xá, Tân Lập, La Khê đã làm nên tuổi lụa Hà Đông được ưa chuộng trong nước và nước ngoài... Nhắc tới Vạn Phúc không thể không nhắc tới những mẫu lụa nổi tiếng xa gần như lụa Vân, lụa Sa, lụa Hoa, gấm, lanh... những mẫu lụa này đã trở thành nét đặc trưng rất đáng tự hào của người dân nơi đây.
Mỗi làng nghề ẩn chứa những giá trị văn hóa và truyền thống khác nhau đã tạo nên muôn hình muôn vẻ các làng nghề ngoại thành Hà Nội với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo phát triển hưng thịnh bao đời nay.
Bà Lê Kiều Anh- Công ty Thương mại và Du lịch Á Long:
Phải kết hợp giữa người tổ chức tour và chính làng nghề
“Chúng tôi cũng rất muốn có những tour du lịch chuyên biệt về làng nghề Hà Nội. Tuy nhiên hiện nay điều kiện để tổ chức chưa có. Ngay tại làng nghề cũng chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất để chúng tôi xây dựng tour chuyên biệt. Hệ thống làng nghề Hà Nội muốn được du khách biết tới trước mắt cần đưa kèm vào các tour du lịch Hà Nội đang có hiện nay. Bên cạnh đó, phía tổ chức tour cũng cần có sự liên kết với chính làng nghề để xây dựng tour có chiều sâu hơn”.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình- Viện Nghiên cứu xã hội học:
Phải tạo được đặc thù riêng trong các sản phẩm làng nghề
Một thực trạng hiện nay là các sản phẩm làng nghề chưa thể hiện được nét nổi bật đặc trưng của mình. Điều kiện để thu hút khách quan tâm tới hầu hết các làng nghề là mỗi làng nghề tạo được bản sắc riêng thể hiện trên mỗi sản phẩm. Có như vậy, khách du lịch mới tìm thấy sự thú vị, ấn tượng riêng khi đi qua mỗi làng nghề. Đấy cũng là điều kiện tiên quyết để làng nghề tạo được dấu ấn trong lòng khách du lịch, và đón khách quay lại nhiều lần”.
Anh Hoàng Giang- Khách tham quan:
Cần có những chiến lược quảng bá cho các làng nghề
Tôi đã từng đi thăm nhiều làng nghề ở Hà Nội, tôi thấy đây là một thế mạnh để làm du lịch. Nhiều làng nghề thực sự nổi bật với các sản phẩm truyền thống mang tính văn hóa dân tộc và thẩm mỹ cao. Tuy nhiên hiện nay khách du lịch chưa thực sự khám phá được hết các làng nghề này. Người làm du lịch cần có các chiến lược quảng bá sản phẩm, thương hiệu làng nghề giới thiệu đến du khách mới có thể đưa du lịch làng nghề phát triển thành loại hình du lịch riêng. |
Với số lượng làng nghề phong phú cùng với những nét đặc trưng riêng của mỗi làng nghề đã trở thành lợi thế cho du lịch Hà Nội.
Trong khi đó, xu thế phát triển du lịch hiện nay là theo chiều sâu, nhu cầu của khách muốn tìm hiểu và tham quan làng nghề ngày càng cao. Đây vừa là điều kiện tốt để hướng cho làng nghề làm du lịch, vừa là cơ hội cho các sản phẩm làng nghề được quảng bá rộng rãi và mở rộng thị trường cho các sản phẩm truyền thống. Ông Trương Minh Tiến- PGĐ Sở VH,TT &DL Hà Nội cho biết: “Những năm gần đây, lượng khách du lịch tới Hà Nội tăng mạnh, trong đó nhu cầu tới tham quan làng nghề của khách rất cao. Họ thích thú với các sản phẩm mang tính đặc trưng của văn hóa Việt Nam trên các sản phẩm của làng nghề, từ biểu tượng khuê Văn Các, hay biểu tượng trống đồng, rồng phượng… Đây là một động lực để giữ chân khách”.
Tuy nhiên một thực tế là các tour du lịch làng nghề hiện nay chưa được khai thác triệt để cả về nội dung và hình thức, mới chỉ dừng lại ở tham quan và tới xem làng. Khách du lịch chưa chọn đến thăm làng nghề Hà Nội như một tour thực sự. Lý do là vì những người làm du lịch chưa tổ chức được một hệ thống du lịch tổng hợp để khai thác cho xứng tầm với tiềm năng của nó?
Điều cần thiết để khách du lịch ấn tượng và níu được chân họ là phải làm sao cho họ không chỉ tới chiêm ngưỡng các sản phẩm của làng nghề mà họ còn hiểu được sản phẩm của làng, hiểu được các giá trị văn hóa và lịch sử trên mỗi sản phẩm đó. Thực tế các tour đang tổ chức hiện nay, chỉ có khách tự quan sát, tự tìm hiểu và hỏi các nghệ nhân họ mới hiểu được. Trước khi khách đến tham quan, họ rất cần được cung cấp trước một lượng kiến thức nhất định về nơi họ cần đến, về con người, lịch sử, văn hóa của làng, và đặc trưng mỗi sản phẩm cụ thể nhưng các tour chưa làm tốt điều này.
Theo đánh giá chung của khách du lịch, hiện nay dịch vụ du lịch đi kèm ở hầu hết các làng nghề truyền thống xung quanh ngoại thành Hà Nội chưa thực sự xứng tầm mặc dù bản thân nó là một điểm du lịch. Cơ sở hạ tầng chưa thực sự được chú trọng đầu tư để tạo nền tảng cho du lịch. Có những làng nghề rất có tiềm năng để phát triển du lịch nhưng ít được biết tới. Lý do là chúng ta chưa có chiến lược xây dựng, quảng bá hình ảnh làng nghề nên khách du lịch có nhu cầu nhưng lại chưa biết đến các làng nghề ngoại thành Hà Nội. Chưa nói tới các làng nghề nằm xa trung tâm, ngay cả 2 làng nghề nổi tiếng như làng Lụa Vạn Phúc hay làng gốm Bát Tràng cũng chưa thực sự đầy đủ cơ sở hạ tầng, dịch vụ đảm bảo để làm du lịch.
Để làng nghề làm du lịch
“Cần phải có sự đầu tư cả về sơ sở hạ tầng và con người thì mới có thể đưa du lịch làng nghề trở thành một mảng du lịch có tính chuyên nghiệp”, ông Trương Minh Tiến- PGĐ Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết.
Làng nghề muốn làm được du lịch phải đảm bảo hệ thống giao thông tốt, đường đi trong làng phải thuận tiện, phải có bến bãi gửi xe cho khách. Khi làng nghề trở thành làng làm du lịch sẽ cần rất nhiều yếu tố phải đáp ứng được và phải chuyên nghiệp hơn.
Bên cạnh nâng cấp các dịch vụ tại làng nghề để phục vụ du khách, việc xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng ngay trong làng cũng rất cần thiết. Khách du lịch đi tham quan cả ngày không thể để họ sử dụng nhờ nhà vệ sinh của dân. Hay việc đảm bảo an ninh trật tự tại làng nghề cũng cần phải có biện pháp hợp lý.
Mặt khác, muốn làng nghề hấp dẫn khách cần phải tạo được điểm nhấn. Cụ thể, làng nghề nào cũng có những nghệ nhân giỏi, có thể chọn những nơi nghệ nhân này tham gia tổ chức trình diễn nghề. Bên cạnh đó đội ngũ thuyết minh tại làng nghề phải được xây dựng từ chính những người thợ của làng đó. Đó có thể là người của làng biết nghề, hay chính nghệ nhân sẽ vừa làm vừa giới thiệu về từng sản phẩm. Có như vậy mới giới thiệu sâu được về văn hóa, đời sống cũng như lịch sử của làng và giá trị của từng sản phẩm.
Muốn làm được điều này, theo ông Tiến: “Chúng ta phải điều hòa được lợi ích giữa các nhóm như: lợi ích của địa phương và của những người tham gia tổ chức. Nhưng vướng mắc hiện nay của chúng ta là chưa điều hòa được lợi ích đó. Đối với nghệ nhân đón tiếp khách cũng cần tạo cho họ một chút lợi nhuận, không phải ở chuyện bán sản phẩm mà phải được tham gia vào phân phối lợi nhuận từ đoàn khách du lịch. Phải điều hòa lợi ích giữa người đón tiếp khách với người làm công tác thuyết minh. Nếu không thỏa mãn những lợi ích đó thì sẽ khó làm được”.
Bên cạnh đó, điều kiện quyết định đến việc phát triển du lịch làng nghề là cần nhân rộng du lịch làng nghề và nâng cấp sản phẩm làng nghề, tạo ra được các loại sản phẩm cao cấp, có đặc thù riêng và mang đậm văn hóa truyền thống. Làng nghề có phát triển bền vững thì du lịch làng nghề mới lên ngôi.
Tạ Nguyên