Chỉ riêng 2 ngày 5 và 6/10, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Đồng Nai đã phát hiện 3 vụ giết mổ gia súc lậu tại xã Gia Tân 1, Gia Tân 3, Gia Kiệm (huyện Thống Nhất). Theo đó, rạng sáng 6/10, đoàn liên ngành bất ngờ kiểm tra căn nhà ở ấp Võ Dõng, xã Gia Kiệm do ông Trần Thanh Hoàng làm chủ và bắt quả tang ông này đang tổ chức giết mổ một số con lợn trên nền nhà dơ bẩn.
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường cơ sở giết mổ lợn có dấu hiệu lở mồm long móng ở Đồng Nai. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN |
Không chỉ vậy, tại thời điểm đó, trong chuồng còn có 48 con lợn khác cũng đang chờ giết mổ. Toàn bộ số lợn này đều không có nguồn gốc và không được xác nhận kiểm dịch. Đây là lần thứ 5 trong 1 năm qua, ông Trần Thanh Hoàng bị bắt quả tang về hành vi giết mổ lậu. Và như những lần trước, lần này ông Hoàng cũng ký vào biên bản, chấp nhận nộp phạt 7 triệu đồng, hứa không tiếp tục tái phạm.
Lý giải việc giết mổ lợn trái phép, ông Trần Thanh Hoàng khẳng định lợn của ông dù không kiểm dịch, không rõ nguồn gốc nhưng chắc chắn là lợn sạch. Khi giết mổ trên nền nhà ông cố gắng giữ vệ sinh. Sở dĩ ông không đưa lợn vào lò giết mổ tập trung là vì đường xa.
Cùng đó, ngày 6/10, cơ quan chức năng Đồng Nai phát hiện bà Lê Thị Lan (ấp Dốc Mơ 1, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) giết mổ 3 con lợn trên nền nhà không đảm bảo vệ sinh. Trong chuồng nhà bàn Lan còn có hơn 10 con lợn chờ giết mổ. Khi bị ngành chức năng lập biên bản, xử phạt 7 triệu đồng, bà Lan chấp hành nhưng vẫn ấm ức. Bà lập luận rằng, lò mổ của gia đình mình dù trái phép nhưng vẫn sạch, được bạn hàng đánh giá cao.
Thực tế cho thấy, ở Đồng Nai việc giết mổ lậu được tổ chức theo nhiều cách tinh vi, bàn bản để qua mặt ngành chức năng. Mỗi đêm, chủ lò trái phép mang một vài con lợn đến lò giết mổ tập trung để giết mổ và lăn dấu kiểm dịch. Số thịt này sẽ được trộn lẫn với những con lợn đã được giết mổ lậu ở nhà. Thịt lậu nhờ đó được hợp thức hóa và mang ra bán đàng hoàng ở chợ.
Theo chủ các lò mổ lậu, khi giết mổ một con lợn trái phép, họ chỉ bỏ chi phí khoảng 30.000 đồng (tiền điện, nước, thuê người), ngoài ra họ còn được giữ lại toàn bộ nội tạng. Nếu đưa ra lò tập trung, giá giết mổ mỗi con lợn là 65.000 đồng, nội tạng không được mang về (lò mổ tập trung giữ lại).
Ông Trần Quang Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Gia Tân 1 cho biết, trên địa bàn xã có rất nhiều hộ nuôi lợn, chính quyền địa phương đã thành lập đoàn kiểm tra nhưng không phát hiện tình trạng giết mổ lậu. Điều này do các lò mổ hoạt động tinh vi, không cố định địa điểm, thời gian, mỗi khi đoàn đi kiểm tra là chủ lò đóng cửa. Hiện mức phạt hành vi giết mổ trái phép không cao, chưa đủ sức răn đe.
Còn theo ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, tỉnh hiện có đàn lợn lớn nhất nước với khoảng 1,7 triệu con. Các địa phương trong tỉnh đều khẳng định đã xóa được tình trạng giết mổ lậu nhưng thực tế vấn đề này đang diễn ra nhức nhối. Trong tỉnh còn hàng chục lò mổ trái phép tại huyện Thống Nhất, Trảng Bom và thành phố Biên Hòa. Bên cạnh giết mổ lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, nhiều lò mổ lậu ở Đồng Nai còn giết mổ cả lợn chết (trước khi đưa vào), lợn mắc dịch bệnh.
Ông Báu cho rằng, giết mổ lậu diễn ra phức tạp do người kinh doanh chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Giá lợn xuống thấp, để giảm lỗ, nhiều hộ chăn nuôi tự giết mổ tại nhà mang ra chợ bán. Song nguyên nhân chính vẫn là các địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình. Chính quyền cơ sở gần dân, nắm địa bàn, giết mổ trái phép xảy ra mà họ không phát hiện được là vô lý.
Theo ông Phan Minh Báu, với quyết tâm xóa trình trạng giết mổ gia súc trái phép, Đồng Nai đã đưa ra quy định, địa phương nào để xảy ra giết mổ lậu, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Dù đã có chế tài nhưng một số nơi vẫn lơ là, chưa quyết liệt vào cuộc để loại bỏ giết mổ lậu. Thời gian tới, cùng với việc nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở, Đồng Nai sẽ đẩy mạnh xây dựng, sắp xếp lò giết mổ tập trung. Tuy nhiên, cơ quan Trung ương cần xem xét, đưa ra mức xử lý phù hợp hơn với hành vi giết mổ lậu, nhất là những trường hợp liên tục tái phạm.