Tình nguyện hiến đất làm đường
Năm 2021, lần đầu tiên tỉnh Thái Bình phát động phong trào thi đua “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh”. Trong thời gian ngắn, phong trào này được triển khai rộng rãi đến tất cả đơn vị, địa phương, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó góp phần tạo mặt bằng sạch trong thu hút đầu tư. Điển hình, huyện Quỳnh Phụ đã có nhiều cách làm sáng tạo, tạo được đồng thuận trong nhân dân, rút ngắn thời gian thực hiện dự án và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Gia đình Nguyễn Văn Cường (73 tuổi, thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ) là một trong những hộ Công giáo tiêu biểu tự nguyện góp nhiều diện tích đất phục vụ triển khai Dự án đường ĐH.78 đi qua xã. Ông Cường cho biết, ngay sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, ông đã thống nhất cùng các thành viên trong gia đình và tự nguyện góp hơn 200 m2 đất ở. Ông đã chủ động tháo dỡ tường bao, cổng dậu và các công trình trên đất, bàn giao mặt bằng cho chính quyền và đơn vị thi công thực hiện Dự án.
Nhờ những đóng góp của ông Cường và nhiều hộ dân khác trên địa bàn, tuyến đường ĐH 78 đã sớm được hoàn thành, giúp giao thông thuận lợi, diện mạo nông thôn mới xã Quỳnh Ngọc thêm khang trang, sạch đẹp.
Xã Nam Hải - một trong những địa phương có đông đồng bào Công giáo của huyện Tiền Hải, phong trào hiến đất làm đường cũng được người dân nơi đây đồng tình hưởng ứng. Ông Phạm Văn Nuôi, trùm giáo xứ Kính Danh (xã Nam Hải) cho biết, tuyến đường cứu hộ, cứu nạn qua địa bàn xã dài 1,7 km có tuyến nhánh đi qua khu vực nhà thờ Giáo xứ Kính Danh. Để phục vụ dự án tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, Giáo xứ đã quyết định tháo dỡ toàn bộ tường bao khuôn viên thánh đường dài 114 m mới xây dựng cách đây 2 năm, hiến gần 500 m2 đất trị giá hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, Giáo xứ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc xã tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo góp của, góp sức để tuyến đường sớm được hoàn thành. Nhờ công tác vận động tốt, đồng bào Công giáo đã hiểu chủ trương và đồng thuận, dịch chuyển cổng dậu, tự nguyện hiến đất mở đường với diện tích gần 300 m2 đất thổ cư.
Ông Ngô Thế Lân, Phó Chủ tịch HĐND xã Nam Hải cho biết, với phương châm “Kính chúa yêu nước”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, mỗi người dân địa phương đã góp công, góp sức vì lợi ích chung của cộng đồng, sẵn sàng hiến đất, mở đường, chung tay phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đến nay, xã đã hoàn thành 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao; phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Chức sắc tôn giáo - nòng cốt trong công tác tuyên truyền
Xã Vân Trường (huyện Tiền Hải) có gần 10.000 nhân khẩu, trong đó 53% là đồng bào Công giáo. Những năm qua, người dân lương - giáo tại đây luôn đoàn kết, gắn bó, chung tay phát triển kinh tế, giữ vững an ninh địa bàn. Đặc biệt, với vai trò là Chính xứ Bác Trạch, Quản hạt khu Bắc Tiền Hải (gồm 9 xã), linh mục Vũ Văn Hướng đã có nhiều việc làm thiết thực, đóng góp hiệu quả vào các hoạt động xã hội tại địa phương.
Vào các dịp lễ, tết, linh mục Hướng luôn đi đầu phát động trong giáo xứ ủng hộ người có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt tôn giáo; trực tiếp trao những món quà ý nghĩa, động viên cả về vật chất và tinh thần, giúp những người nghèo có động lực vươn lên trong cuộc sống. Tháng 8/2022 linh mục Vũ Văn Hướng đã kêu gọi đồng bào Công giáo Giáo xứ Bác Trạch chung tay đóng góp, ủng hộ xây mới 1 ngôi nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, với tổng số tiền ủng hộ 200 triệu đồng. Ngoài ra, linh mục còn đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Ông Nguyễn Quang Tân, Chủ tịch UBND xã Vân Trường cho biết, linh mục Vũ Văn Hướng là người có tiếng nói, uy tín với đồng bào Công giáo địa phương. Trong mọi phong trào, linh mục luôn đồng hành, nhiệt tình tham gia, tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Bình, trên địa bàn hiện có 3 tôn giáo đang hoạt động, trong đó đạo Công giáo có khoảng 120 nghìn người, 113 giáo xứ, 231 giáo họ, 2 Giám mục, hơn 600 linh mục và tu sỹ. Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào có đạo; phát huy vai trò nòng cốt của các chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đến nay, toàn tỉnh có 112 người Công giáo tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; 531 người tham gia Ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội; 1 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 314 đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã; 106 người làm trưởng thôn, 46 người làm trưởng ban Công tác Mặt trận, 322 người tham gia tổ hòa giải ở các cấp; 762 đảng viên là người Công giáo.
Bà Đặng Thị Chiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình cho biết, thời gian qua, phong trào thi đua xây dựng “Xứ họ đạo 4 gương mẫu” trong đồng bào Công giáo luôn được quan tâm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng. Phong trào đã góp phần quan trọng động viên đồng bào có đạo phát huy truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn. Giai đoạn 2019 - 2024, trên địa bàn có 1.357 lượt xứ, họ đạo được công nhận “Xứ, họ đạo gương mẫu”.
Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Thái Bình tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; đồng thời, nâng cao chất lượng phong trào thi đua xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” trong đồng bào Phật giáo và “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu” trong đồng bào Công giáo gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.