Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn tại vùng biển Vịnh Hạ Long tối 19/7.
Nỗi đau còn đó
Anh Đ. A.T, trú tại phường Phú Diễn, Hà Nội kể lại cùng nhóm bạn 12 người xuống Hạ Long (Quảng Ninh) chơi cuối tuần. Ban đầu nhóm không định lên tàu tham quan Vịnh Hạ Long, chỉ xuống ăn uống, tắm biển. Sau bữa trưa 19/7, cả nhóm ra bến tàu gần cầu Bãi Cháy chơi. Thấy trời trong xanh, và được mời nhiệt tình, anh và cả nhóm đổi ý mua vé lên tàu Vịnh Xanh 58 thăm quan. Cả nhóm ngồi hết khoang dưới, anh T. chọn ghế cuối tàu...
Gần 13 giờ, tàu rời bến sau khoảng 20 phút ổn định, chở 49 người, trong đó có nhiều trẻ em. Theo hành trình tuyến 2 Vịnh Hạ Long, tàu sẽ lần lượt đưa khách thăm các hòn Chó Đá, Đỉnh Hương, Gà Chọi, vào hang Sửng Sốt, hang Luồn, đảo Ti Tốp và trở về bến cảng chiều cùng ngày.
Anh T. là người may mắn được cứu vớt hiện đang nằm điều trị tại bệnh viện kể lại: Khi rời bến khoảng 4 km, gần đến hang Đầu Gỗ, cơn dông bất ngờ ập tới. Bầu trời chuyển từ nắng gắt, xanh thẳm sang tối sầm. Tàu chao đảo theo từng cơn sóng, nghiêng ngả. Sóng, gió ngày càng mạnh, mưa xối xả khiến trời mù mịt. Anh T. cúi xuống dưới gầm ghế lấy áo phao mặc vào, những hành khách khác cũng làm tương tự. Chưa đầy 10 phút kể từ khi cơn dông ập tới, tàu tròng trành và bị gió quật lật úp chỉ trong vài giây. Tất cả hành khách và thuyền viên rơi xuống biển. Lúc đó gần 14 giờ...
Hành khách hoảng loạn la hét, anh T. và nhiều người vùng vẫy trong khoảng không duy nhất ở mỏm tàu. Hít một hơi dài, anh lặn xuống tìm đường thoát ra ngoài, nhưng thất bại, vì nhiều cửa kính bị kéo kín. Ngoi lên trong khoang tàu đang chìm dần, anh lấy sức lặn xuống lần hai. "Ngó xung quanh, tôi thấy một khoảng sáng nên bơi lại và may mắn thoát ra ngoài...", anh T. kể lại trong nỗi sợ hãi...
Thăm hỏi, động viên các nạn nhân sau vụ việc đáng tiếc xảy ra
Sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 114/CĐ-TTg chỉ đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Xây dựng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng khắc phục hậu quả và gửi lời thăm hỏi ân cần, chu đáo tới người bị nạn và chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình các nạn nhân tử vong; đồng thời, chỉ đạo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng Công an, Quân đội và tỉnh Quảng Ninh kịp thời khắc phục hậu quả tai nạn nêu trên. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện đang hoạt động gần khu vực tàu bị nạn khẩn trương tìm kiếm cứu nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tổ chức giải quyết tốt hậu quả, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn. Điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải, tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các hạn chế bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động.
Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổ chức theo dõi công tác tìm kiếm cứu nạn, kịp thời điều phối, huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ triển khai công tác cứu nạn theo đề nghị của các Bộ, địa phương theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Cũng trong đêm 19/7, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả vụ tai nạn, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn, thông báo cho tàu, thuyền và ngư dân đang đánh bắt hải sản tại khu vực tàu bị nạn tăng cường quan sát, phối hợp tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.
Các lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn người dân sau vụ chìm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Chiều 20/7, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp báo để thông tin chính thức về vụ lật tàu du lịch QN-7105 trên Vịnh Hạ Long vào chiều 19/7. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công cho biết: Toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh đã và đang nỗ lực hết sức với quyết tâm cao nhất nhằm cứu nạn, cứu hộ, xác minh nguyên nhân và giảm thiểu thiệt hại.
Chia sẻ với nỗi đau, mất mát to lớn của các gia đình nạn nhân, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp gặp gỡ các gia đình để động viên và cam kết hỗ trợ tối đa về vật chất, cũng như tinh thần cho các gia đình, cá nhân không may gặp nạn, bao gồm cả việc đỡ đầu cho các cháu nhỏ để các cháu có điều kiện học tập.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, công tác cứu hộ, cứu nạn đã được triển khai một cách khẩn trương và quy mô lớn. Các lực lượng của quân đội, công an như: Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Quân khu 3 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh… đã thành lập Ban Chỉ huy tiền phương, huy động gần 1.000 người cùng hàng trăm phương tiện tham gia công tác cứu hộ, ngư dân thông thạo luồng lạch cũng được huy động phối hợp tìm kiếm người mất tích.
Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đặc công Hải quân 126 và thợ lặn cùng các đơn vị kỹ thuật cao như Viettel đã triển khai máy bay không người lái, Binh đoàn 18 huy động lực lượng chuyên sâu, tạo thành một mạng lưới tìm kiếm trên diện rộng. Hiện công tác chỉ huy và triển khai lực lượng vẫn đang được duy trì tìm kiếm người mất tích trong bối cảnh cơn bão số 3 Wipha đang tiến gần, việc tranh thủ thời gian trước khi bão vào càng trở nên cấp bách.
Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đã cứu sống 10 người, tìm thấy và bàn giao 35 thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự. Công tác khám nghiệm, xác định danh tính được tiến hành khẩn trương, chính xác. Cơ quan chức năng đang tập trung điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng.
Về hỗ trợ nạn nhân và chăm sóc y tế, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Bùi Mạnh Hùng cho biết, ngành Y tế đã huy động 12 đội cấp cứu cùng 31 xe cứu thương túc trực tại các bến phà, Hải đội 2 để tiếp nhận nạn nhân. Trong số 10 người được cứu sống, 9 người đã được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 1 người điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy. Các trường hợp chủ yếu bị thương phần mềm, choáng váng do sốc tâm lý, sặc nước và hiện sức khỏe đã ổn định.
Một cháu bé cùng một nữ du khách đã được chuyển về Hà Nội để gia đình thuận tiện cho việc chăm sóc, điều trị. Toàn bộ viện phí, chi phí vận chuyển và chăm sóc cho các nạn nhân đều được miễn phí. Hệ thống y tế tỉnh đang tích cực hỗ trợ, theo dõi và điều trị các trường hợp còn lại, đảm bảo các nạn nhân được chăm sóc tốt nhất.
Công tác tìm kiếm những người mất tích vẫn đang được tiến hành khẩn trương với sự tham gia của đông đảo lực lượng, hy vọng sẽ sớm có thêm thông tin về các nạn nhân còn lại...