Ngay từ những năm quay lại xâm chiếm các tỉnh Tây Bắc, trên cao nguyên Nà Sản, thực dân Pháp đã cho xây dựng sân bay vận tải, làm cầu hàng không vận chuyển để tiếp tế lương thực và các phương tiện chiến tranh phục vụ cho việc chiếm đóng, cai trị của chúng ở đây. Khi tình hình diễn biến của chiến sự không có lợi, bị thất bại trước những đợt tấn công của quân và dân ta, thực dân Pháp đã rút chạy về Nà Sản, tập trung xây dựng nơi đây trở thành một trong những "Tập đoàn cứ điểm" mạnh và kiên cố nhất thời điểm đó.
Tập đoàn cứ điểm Nà Sản được xây dựng chủ yếu thuộc địa phận xã Chiềng Mung, phân bố trên diện tích 10km2 được bao quanh bởi hai dãy núi Pú Hồng và bản Vạy. Ở giữa là khu trung tâm nằm trong thung lũng trải rộng có sở chỉ huy, sân bay vận tải, hệ thống kho chứa lương thực, vũ khí... Tập đoàn này được xây dựng theo mô hình như một vòng cung khép kín, có 17 cứ điểm liên hoàn. Các dãy núi có độ cao trung bình khoảng 750m, trong đó có núi Pú Hồng cao trên 1.000m.
Chiến dịch Tây Bắc bắt đầu từ ngày 14/10/1952 và kết thúc vào ngày 10/12/1952. Trong đợt 1 và đợt 2, ta đã giành thắng lợi to lớn, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của chúng. Thấy nguy cơ bị bao vây, tiêu diệt, địch đã rút về co cụm ở Tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Với quyết tâm giải phóng Tây Bắc của quân và dân ta, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định mở đợt 3 chiến dịch tiến công tập đoàn cứ điểm ở Nà Sản. Các trận đánh ở Nà Sản đã diễn ra rất cam go ác liệt, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh anh dũng dưới hỏa lực mạnh của địch. Trước tình hình không thuận lợi, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã quyết định chuyển sang bao vây, cô lập quân Pháp tại đây cho đến khi họ rút lui khỏi Nà Sản vào đầu năm 1953. Chiến dịch tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã giải phóng được Sơn La - cửa ngõ của Tây Bắc thoát khỏi sự thống trị của thực dân Pháp, đồng thời là bước tập duyệt cho cuộc tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ giải phóng hoàn toàn miền Bắc sau này.
Ngôi nhà của cựu chiến binh Tạ Thành Mai, nguyên là Tiểu đoàn trưởng căn cứ không quân Nà Sản, Sư đoàn 371, Quân chủng phòng không - không quân; nguyên giám đốc Sân bay Nà Sản thời kỳ 1993 - 2010 nằm ngay gần khu vực sân bay Nà Sản. Là những người lính thế hệ sau, được giao trọng trách quản lý, bảo vệ khu vực này sau khi kết thúc chiến tranh, ông và các đồng đội đã mang hết sức mình để cùng khôi phục, xây dựng quê hương.
Ông Tạ Thành Mai chia sẻ: “Trước đây, nhân dân địa phương cùng với các lực lượng cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ đã làm nên chiến thắng ở Tây Bắc. Sau khi giải phóng, Đảng, Nhà nước đã cho thành lập một số nông trường, đặc biệt ở Sơn La là khu vực Nà Sản, Mai Sơn. Đồng bào các dân tộc nơi đây đã cần cù sáng tạo trong công cuộc xây dựng đất nước, cùng với cả nước đã tập trung khôi phục phát triển kinh tế. Đến hôm nay, cao nguyên Nà Sản đã trở thành một trong những vùng phát triển của tỉnh Sơn La”.
Ngày nay, Tập đoàn cứ điểm Nà Sản nay chỉ còn là địa danh lịch sử, nhưng nơi đây mãi là chứng tích những năm tháng oanh liệt của quân và dân ta. Năm 1998, Tập đoàn cứ điểm Nà Sản được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Vùng đất lịch sử nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Những hố bom, ụ pháo năm xưa được thay thế bằng những công trình khang trang, những ngôi nhà kiên cố, cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no.
Ông Lò Văn Hung, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn cho hay: “tôi sinh ra và lớn lên tại bản Cưởm, nay là thôn Đoàn Kết, xã Chiềng Mung. Trước kia thời Pháp thuộc, bản ông nằm trong vùng bị chiếm đóng, nhân dân rất khốn khổ, đói nghèo. Tôi vẫn được nghe ông cha kể lại về thời kỳ chiến tranh ác liệt chống thực dân của quân và dân ta. Từ ngày giải phóng đến nay, nhờ có Đảng, Chính phủ quan tâm, đầu tư nên nhân dân được ổn định, no ấm, yên tâm xây dựng quê hương, đất nước”.
Cao nguyên Nà Sản hôm nay đã được phủ kín bởi những đồi cà phê, vườn cây ăn quả xanh bạt ngàn. Hiện khu vực này có hơn 8.000 ha đất nông nghiệp, trong đó, có trên 3.500 ha cây ăn quả các loại, tổng giá trị thu về hàng trăm tỷ đồng. Các sản phẩm nông sản nơi đây từ sản xuất truyền thống từng bước được ứng dụng công nghệ cao, kết hợp quy trình chăm sóc theo quy chuẩn VietGAP, mang lại nhiều hiệu quả cho bà con nông dân.
Hơn 30 năm gắn bó với cao nguyên Nà Sản, nhận thấy đây là mảnh đất tiềm năng để phát triển cây ăn quả, Ông Nguyễn Đình Tuấn, quê gốc Hưng Yên đã liên kết nhân dân địa phương thành lập Hợp tác xã Đoàn Kết, xã Chiềng Mung. Ông đã trồng gần 50 ha cây ăn quả thế mạnh như nhãn, thanh long, nho... đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Đình Tuấn cho biết: “Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, chất đất, nguồn nước, nên các loại cây từ cà phê, thanh long, nhãn, hay cây ăn quả khác đều phát triển tốt, ăn rất ngon. Như gia đình tôi trồng nho, so với nhiều nơi khác, thì tôi thấy nho trồng ở Sơn La có vị đậm, ngon hơn rất nhiều. Tới đây tôi sẽ tiếp tục trồng thử nghiệm thêm 5.000m2 giống nho mới là nho sữa (nho mẫu đơn Hàn Quốc)”.
Về chiến lược phát triển kinh tế, huyện Mai Sơn xác định hình thành 3 cụm kinh tế gắn với lợi thế, tiềm năng phát triển. Trong đó, cao nguyên Nà Sản - vùng kinh tế dọc quốc lộ 6, với vai trò vị trí trung tâm kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của toàn huyện. Nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh gắn với các cơ sở công nghiệp chế biến.
Ông Hà Văn Thong, Chủ tịch UBND xã Chiềng Mung thông tin, Chiềng Mung là xã nằm gọn trên cao nguyên Nà Sản. Những năm gần đây, diện mạo của xã đã có rất nhiều đổi thay, bà con tích cực sản xuất, thâm canh, tăng vụ, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, 750 ha cà phê, 600 ha cây ăn quả, đặc biệt là nhãn, xoài, thanh long... Đáng chú ý, người dân trên cao nguyên Nà Sản rất phấn khởi vì hệ thống thủy lợi Nà Sản đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đảm bảo cấp nước tưới tự chảy cho 1.450 ha đất canh tác và cấp nước sinh hoạt cho trên 10.000 người dân. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu/người/năm. Thời gian tới, các cáp chính quyền sẽ tiếp tục tuyên truyền các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.