Theo các ý kiến, để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước đang ngày càng cạn kiệt, cần có những đổi mới trong công nghệ cũng như phương thức quản lý.
PGS.TS Ngô Văn Mơ, Phó Cục trưởng Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ): Công nghệ giúp sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả
Việt Nam cần nghiên cứu xu hướng thế giới đang phát triển các công nghệ duy trì và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Hướng thứ nhất tập trung vào phát triển các công nghệ nhằm tái tạo, sử dụng và giảm thiểu việc sử dụng nước ngọt cho tưới, sinh hoạt và sản xuất. Ví dụ như Israel đã sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã giúp tiết kiệm 30 - 60% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống hay công nghệ tái sử dụng nước thải. Tại thành phố Perth, thủ phủ bang Tây Australia đã đưa nước thải qua xử lý vào sử dụng hàng ngày với khối lượng ước tính 20% tổng lượng nước cung ứng cho toàn bộ khu vực... Hướng thứ hai là phát triển các công nghệ có giá thành thấp để tách muối, lọc nước biển thành nước ngọt như tại Israel, mỗi ngày cung cấp 600.000 m3 nước sinh hoạt, đáp ứng 20% tổng nước sinh hoạt cả nước...
Việc khai thác nước ngầm nếu không quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên nước. |
Nước là nguồn tài nguyên vô giá và thiết yếu nhưng không phải là vô tận và ngày càng cạn kiệt. Do đó cần có nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ góp phần sử dụng nước một cách tiết kiệm và hiệu quả phục vụ phát triển đất nước một cách bền vững.
Ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Đổi mới trong quản lý tài nguyên nước
Các giải pháp cấp bách trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước đã được thể chế hóa trong Luật Tài nguyên nước ban hành năm 2012 với nhiều chính sách trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, vấn đề quản lý tài nguyên nước còn gặp nhiều thách thức như nguồn nước ngày càng cạn kiệt và suy thoái trong khi việc khai thác sử dụng và xả thải vào nguồn nước chưa được kiểm soát chặt chẽ; biến đổi khí hậu gia tăng; vấn đề hài hòa lợi ích giữa các dòng sông liên quốc gia...
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc quản lý tài nguyên nước trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, thực hiện quy hoạch tài nguyên nước chung cả nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên nước và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước giữa Trung ương và địa phương. Bộ cũng tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước, xả nước thải... Xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình giữ nước ngọt trong đồng bằng, thiết lập hệ thống cống đầu kênh, nạo vét sông, kênh rạch, xây dựng hồ chứa, tận dụng nguồn nước mưa... Đặc biệt, phối hợp đơn vị liên quan điều chỉnh quy hoạch tổng thể và sản xuất nông nghiệp, lựa chọn giống cây trồng vật nuôi thích nghi với đặc điểm nước của từng vùng. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quản lý nước, đặc biệt là những quốc gia có chung nguồn nước.
PGS.TS Nguyễn Việt An, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, Hội Cấp thoát nước Việt Nam: Tái sử dụng nước mưa để chống ngập úng đô thị
Hiện có nhiều giải pháp thích hợp có thể giảm thiểu sự ngập úng tại đô thị mà người dân có thể tham gia như làm các bể chứa thu nước mưa tại mỗi gia đình, tòa nhà để sử dụng nguồn nước mưa cho sinh hoạt, rửa xe... Còn đối với thành phố, có thể xây dựng các bể chứa ngầm dưới mỗi tòa nhà, khu nhà hay các khu vực công cộng, làm thành hồ điều hòa thu nước mưa. Nước trữ có thể dùng để tưới đường, rửa cây, cứu hỏa... hay thấm xuống bổ sung cho nước ngầm. Đây là giải pháp thích hợp cho đô thị còn đang thiếu nước sạch.
Trên thế giới đã có nhiều nước phát triển mô hình đô thị sinh thái rất thành công và ngày càng phổ biến, trong đó việc thu gom và tái sử dụng nước mưa được lồng ghép hài hòa với các giải pháp quy hoạch đô thị, kiến trúc và kỹ thuật hạ tầng khác. Ví dụ như tại khu chung cư cao cấp Star City ở Hàn Quốc, tại đây 3 bể nước mưa dung tích mỗi bể 1.000 m3 được xây dựng để chứa nước mưa cho mục đích cứu hỏa, tưới cây và xả toilet. Để khuyến khích chủ đầu tư đồng ý với phương án xây dựng bể nước mưa, chính quyền đã cho phép họ tăng số tầng nhà của chung cư để đảm bảo lợi ích cho cả hai bên... Việt Nam nên xem xét học tập và áp dụng những kinh nghiệm này để phát triển đô thị bền vững.