Đỗ quyên cành thô và vân sam là cây di sản Việt Nam

Ngày 5/11, tại thị trấn Sa Pa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam, Đặng Huy Huỳnh đã trao Bằng công nhận “Cây di sản Việt Nam” cho Ban giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên. Hai nhóm cây được Hội bảo vệ thiên nhiên Việt Nam và Vườn quốc gia Hoàng Liên công nhận cây di sản là cây đỗ quyên cành thô và cây vân sam (sam lạnh).

Vườn Quốc gia Hoàng Liên đón Bằng công nhận cây Di sản Việt Nam.


Theo kết quả khảo sát, điều tra của các nhà khoa học Việt Nam, khu vực xung quanh đỉnh núi Fansipan (Phan Xi Păng) cao 3.143 mét nằm trên dãy Hoàng Liên hùng vĩ và trong Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) có quần thể cây đỗ quyên cành thô, với 56 cá thể, cây cao từ 11- 15 mét, khoảng 250 tuổi, diện tích khoảng 1.000 mét vuông, trên độ cao 2.700 mét so với mực nước biển. Tại đây, còn có tới 36 loài hoa đỗ quyên mọc tự nhiên, trong đó hầu hết đều cho hoa rất đẹp với các màu đỏ, hồng, vàng, trắng, tím... Nơi đây được mệnh danh là “Vương quốc hoa đỗ quyên của Việt Nam” vì trên độ cao 2000 - 3000 mét so với mặt nước biển có những cây đỗ quyên đại thụ hàng trăm năm tuổi, thân to, nở hoa vào dịp cuối xuân đầu hè hằng năm. Đây là nguồn gen đặc biệt quý hiếm về các loài hoa đỗ quyên mọc tự nhiên ở Việt Nam đang được Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) bảo vệ nghiêm ngặt, nghiên cứu nhân giống để bảo tồn nguồn gen quý đối với một số loài hoa đặc hữu.


Cũng tại đây, có loại cây vân sam mọc ở độ cao 2.700 mét so với mực nước biển, với 26 cá thể, cây cao từ 18-20m, có đường kính gốc từ 50-80 cm, khoảng 300 tuổi, phân bố trong vùng lõi Vườn quốc gia với diện tích khoảng 1.000 mét vuông. Loại cây này được ghi trong sách đỏ Việt Nam và đang được Quỹ quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Chương trình Đông Dương khuyến cáo cần có biện pháp bảo tồn, nhân giống vì đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao.


Vườn quốc gia Hoàng Liên là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam, nằm ở độ cao từ 1.000 đến 3.000m so với mặt biển, phía Tây Bắc dãy núi Hoàng Liên, trong đó có đỉnh Fansipan cao nhất Đông Dương (3.143m). Tổng diện tích phần lõi của Vườn là 28.509 ha; trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chiếm 11.875ha, phân khu phục hồi sinh thái chiếm 17.900ha; vùng đệm của vườn có tổng diện tích là 38.724ha. Thực vật tại Vườn quốc gia Hoàng Liên có 2.024 loài thuộc 200 họ; trong đó có 66 loài trong sách đỏ Việt Nam, 32 loài quý hiếm, 11 loài có nguy cơ tuyệt chủng như bách xanh, thiết sam, thông tre, thông đỏ… Số lượng các loài thực vật đặc hữu chiếm tới 25% các loài thực vật đặc hữu tại Việt Nam, khiến Vườn quốc gia Hoàng Liên sở hữu kho tàng gen cây rừng quý hiếm bậc nhất trong các vườn quốc gia Việt Nam.


Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên, việc hai nhóm cây đỗ quyên và cây vân sam tại Vườn quốc gia Hoàng Liên được công nhận cây di sản Việt Nam sẽ làm phong phú và hấp dẫn thêm các điểm tham quan du lịch đối với du khách.


Văn Toán

Thêm 3 cây đa được công nhận cây Di sản
Thêm 3 cây đa được công nhận cây Di sản

Trong khuôn khổ của Chương trình "Tuần văn hóa Thể thao Du lịch Mường Lò năm 2014" với chủ đề "Mường Lò hương sắc mùa thu", sáng 17/10, UBND thị xã Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận 3 cây đa tía là cây Di sản Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN