Định hướng nghiên cứu cho lĩnh vực tự động hóa

Mặc dù lĩnh vực tự động hóa được Nhà nước quan tâm đầu tư để hướng tới làm chủ công nghệ trong lĩnh vực này, nhưng đến nay kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Nhờ ứng dụng kết quả của dự án nghiên cứu “Hệ thống tự động hóa cho các nhà trồng thông minh” vào sản xuất, hơn 2.000 m2 hoa lan Hồ điệp tại nhà trồng của Viện Ứng dụng công nghệ (Mỹ Hào, Hưng Yên), đã cho hiệu quả cao, với doanh thu tăng lên hơn 50%. Với hệ thống tự động chăm sóc, kiểm soát độ ẩm, sâu bệnh, trộn phân bón... công nghệ này được đánh giá là hiện đại ngang với nước ngoài, trong khi giá thành chỉ bằng một nửa.

Ths. Nguyễn Văn Cường, chủ nhiệm dự án, cho biết: Kết quả nghiên cứu này đã giúp Việt Nam làm chủ công nghệ tự động trong các nhà trồng thông minh, không còn phải phụ thuộc vào việc nhập ngoại như trước đây.

Để phát triển ngành tự động hóa, cần có hướng phát triển nghiên cứu nền tảng. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Hay như đề tài nghiên cứu “Máy X - quang kỹ thuật số đa năng công nghệ cảm biến bản phẳng” do kỹ sư Nguyễn Trường Giang làm chủ nhiệm, được đưa vào hoạt động hiệu quả tại một số bệnh viện, cơ sở y tế như: Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định)... Máy có ưu điểm trả kết quả nhanh, chất lượng hình ảnh cao, trong khi giá thành chỉ bằng 50% so với giá nhập ngoại.

Tuy nhiên, 2 đề tài trên mới chỉ là những “điểm sáng” lẻ tẻ của lĩnh vực tự động hóa. Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù đã có đầu tư “mạnh tay” và đạt những thành công nhất định ở một số đề tài nghiên cứu, nhưng lĩnh vực tự động hóa vẫn “mạnh ai nấy làm”.

Theo GS. Nguyễn Phùng Quang, Đại học Bách khoa Hà Nội: Hướng đi của ngành tự động hóa hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc nhập các thiết bị chính từ nước ngoài và lắp ráp, chỉ chú trọng đến tiêu chí miễn làm sao có những sản phẩm giá thành rẻ hơn nhập ngoại. Với mục đích này, tuy có những sản phẩm rẻ hơn, nhưng cơ bản vẫn phải phụ thuộc nước ngoài trong việc phải nhập các phần tử cơ sở như: Động cơ điện, các bộ điều khiển, linh kiện bán dẫn, các thiết bị biến đổi chuẩn... trong khi đây mới là những yếu tố cốt lõi làm nền tảng cho tự động hóa.

Đơn cử như bộ điều khiển CNC, là thiết bị ứng dụng rộng rãi không chỉ trong công nghệ chế tạo máy trong cả lĩnh vực điện tử và nhiều ngành công nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có định hướng đẩy mạnh các nghiên cứu liên quan đến thiết bị CNC để có thể chủ động sản xuất, mà mới chỉ dừng lại ở việc nhập khẩu và tích hợp các thiết bị này trong các nghiên cứu. Kể cả các linh kiện bán dẫn, các thiết bị biến đổi chuẩn cũng trong tình trạng tương tự mặc dù nhu cầu ứng dụng hiện nay rất lớn.

“Việc thiếu công nghệ, sản phẩm cốt lõi sẽ dẫn đến thiếu đồng bộ cho sự phát triển của ngành tự động hóa. Lý do chính là chúng ta chưa đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực này. Nếu các nhà khoa học cứ lăn xả vào nghiên cứu mà thiếu định hướng, chiến lược thì cũng khó lòng làm chủ được các công nghệ”, Ths. Trịnh Đình Đề, Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết.

Cũng theo ông Đề, để xây dựng nền tảng vững chắc cho ngành tự động hóa, rất cần thiết phải có hội đồng khoa học riêng và chuyên sâu để tạo điều kiện thúc đẩy các nghiên cứu cơ bản.

“Cần phải xác định hướng nghiên cứu các phần tử cơ sở làm nền tảng chứ không chỉ tăng số lượng đề tài nghiên cứu. Để làm được điều này cần phải xây dựng được danh mục các phần tử cơ sở cụ thể, xác định quy mô nghiên cứu, trên cơ sở đó xây dựng danh mục đề tài nghiên cứu cụ thể”, GS. Quang đề xuất.

Còn theo TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Chủ nhiệm chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí, tự động hóa” KC.03/11 - 15 cho biết: “Để nâng cao hiệu quả, thời gian tới, việc xây dựng các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu phải căn cứ trên nhu cầu về công nghệ, máy móc, thiết bị cụ thể của các ngành, xác định độ lớn thị trường cho các công nghệ, máy, thiết bị yêu cầu; xác định rõ các vấn đề về công nghệ, máy, thiết bị cần nội địa hóa. Đồng thời phải xây dựng các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu trong đó có giải pháp về làm chủ công nghệ. Bộ KH&CN sẽ căn cứ trên các nhu cầu đó để tuyển chọn các đề tài và cấp kinh phí thực hiện”.
TTN
Nông trại hoàn toàn tự động hóa đầu tiên trên thế giới
Nông trại hoàn toàn tự động hóa đầu tiên trên thế giới

Công ty Spread (Nhật Bản) cho ra mắt nông trại tự động hóa hoàn toàn đầu tiên trên thế giới, với việc những người máy (robot) tham gia hầu hết các công đoạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN