'Điểm mặt' các cầu treo nguy hiểm tại Lạng Sơn

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn, hiện trên địa bàn tỉnh có 9 cầu treo nằm rải rác ở các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Đình Lập, Tràng Định và Bình Gia; trong đó có 3 cây cầu đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại.

Tại thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, cầu treo Na Đâu được thi công xây dựng vào năm 1995 và đưa vào sử dụng từ năm 1996, đến nay đã gần 20 năm. Cây cầu là nơi qua lại của hơn 200 hộ dân, cùng hàng trăm giáo viên và học sinh trường trung học cơ sở dân tộc nội trú Hữu Lũng.

Ông Bùi Văn Quý, khu Na Đâu, thị trấn Hữu Lũng cho biết: Hàng chục năm rồi cây cầu chưa được sửa chữa, nâng cấp. Hàng ngày chứng kiến cây cầu cứ dần hoen rỉ, ván lát mục nát rồi gẫy dần, biết là rất nguy hiểm nhưng nếu đi đường vòng rất xa nên chúng tôi vẫn chọn đi đường này.

Hiện cầu treo Na Đâu có nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng và đang trong tình trạng rất nguy hiểm. Toàn bộ hệ cáp chủ đã bị han gỉ, hệ thống cáp đỡ và cáp treo từ mặt đất đến hố neo đã bị đất lấp kín. Các bộ ốp cáp, dầm dọc, dầm ngang, cột lan can, cổng cầu đều han gỉ toàn bộ. Nhiều thanh sắt, hệ thống quang treo đã bị xê dịch, cong vênh, thậm chí bị thủng. Tại bốn vị trí chân cột đã bị gỉ sâu và nhiều chỗ đã thủng, chân cột cổng cầu phía bờ Nam còn bị gỉ ăn mòn tới 1/4 diện tích thanh thép. Toàn bộ ván lát mặt cầu đã vỡ, hỏng, các thanh ghép mặt cầu với dầm dọc đều vỡ và nhiều bu-loong liên kết đã bị bong trật.

Người dân khu Na Đâu đi lại trên cầu. Ảnh: baolangson.vn


Ông Nguyễn Hồng Đức, Phó Bí thư Chi bộ khu Na Đâu cho hay: Từ khi xây dựng đến nay, cây cầu đã qua 2 lần sửa chữa, tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở việc thay ván thân cầu chứ hệ thống trụ đỡ, dây cáp chưa được duy tu, nâng cấp. Khu Na Đâu cũng có cử 1 người làm công tác vệ sinh môi trường, quét dọn hai bên cầu và thay thế những tấm ván bị mất, mục nát nhưng việc thay thế cũng có mức độ, chủ yếu là ván gỗ tạp nên tuổi thọ kém. Nếu cứ để như hiện nay, trong 1, 2 năm tới chúng tôi sẽ phải rào lại, không cho người dân qua cầu nữa vì rất nguy hiểm.

Tại thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, chiếc cầu treo dân sinh bắc qua sông Thương có lưu lượng người qua lại lớn, hơn 30 hộ dân thôn Phổ Sặt (thị trấn Chi Lăng) khi sang thôn Minh Khai (xã Chi Lăng) hàng ngày đều qua lại cây cầu này. Đây là chiếc cầu treo cũ nhất còn được sử dụng tại tỉnh Lạng Sơn.

Cầu do Sư đoàn tăng thiết giáp 407 làm từ năm 1987, sau khi Sư đoàn rút đi, chiếc cầu đã được người dân nhiều lần tu sửa để sử dụng nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Cầu có tổng chiều dài 57m, chiều rộng 1,1m được kết cấu chịu lực khoảng 250kg/1m2. Tuy nhiên, hiện toàn bộ hệ thống cáp chủ đã bị han gỉ nặng, mất khả năng chịu lực, dây cáp giữa cũng đã bị đứt 1 phần, phạm vi tiếp giáp với đất của các đầu cáp đều bị gỉ ăn mòn nặng. Ngoài ra, mặt cầu được lát bằng tre nên đã bị mọt, hư hỏng nặng, bình thường chỉ 1 người dám đi qua.

Cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, cầu treo Tà Chu thuộc xã Hòa Bình, huyện Bình Gia được xây dựng từ năm 2001, phục vụ cho việc đi lại hàng ngày của hàng trăm người dân trong xã và các em học sinh trường Trung học cơ sở xã Hòa Bình. Theo thiết kế, cầu có thể chịu được tải trọng 200kg/m2, mặt cầu làm bằng gỗ. Qua nhiều năm sử dụng, đến nay nhiều hạng mục đã bị xuống cấp. Toàn bộ số cáp chủ đã bị gỉ sét, hệ thanh treo, dầm cầu, cổng cầu và hệ thống liên kết thanh treo đều han gỉ. 4 vị trí chân cột cổng cầu đã bị gỉ ăn mòn nặng, ván cầu bị mục nát, hư hỏng nhiều. Ngoài ra bề mặt các hố neo đều bị cỏ rác lấp, bề mặt các tấm đậy bảo vệ hố neo cũng đã bị đất đá bồi lấp tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.


Cầu treo Tà Chu hiện do UBND xã Hòa Bình, huyện Bình Gia quản lý khai thác, từ khi đưa vào sử dụng đến nay đã được duy tu bảo dưỡng 2 lần vào các năm 2008, 2009. Hiện Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn đã đề nghị UBND huyện Bình Gia chỉ đạo đơn vị quản lý tổ chức bảo dưỡng ngay trong tháng 3 một số hạng mục đã xuống cấp như: làm sạch gỉ sét và bôi mỡ bảo vệ các cáp chủ, vấu neo, tăng đơ, chốt neo; phát quang, khơi thông nước ở hai đầu cầu không để nước tiếp tụ chảy vào cầu; bổ sung thay thế ngay một số tấm ván mặt cầu đã bị khuyết, mục, hỏng....

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài Chính, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trong số 9 chiếc cầu treo trên địa bàn tỉnh, 3 chiếc được xây dựng từ vốn ngân sách là cầu treo Na Đâu, Tà Chu và Bến Trúc (thôn Kép II-Bông, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng). Cầu treo Bến Trúc mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2013 nên còn mới, các hạng mục theo đúng thiết kế, đảm bảo chất lượng. Cầu treo Na Đâu và Tà Chu đã được Sở kiến nghị UBND các huyện cấm người và phương tiện đi lại để sửa chữa, bảo dưỡng.

Đối với các cầu treo còn lại do một số thôn, hộ gia đình, cá nhân đóng góp kinh phí thực hiện, UBND các huyện sẽ tuyên truyền, khuyến cáo đến các hộ gia đình về tình trạng của các cầu treo; đồng thời, cấp kinh phí làm biển báo nguy hiểm tại tất cả các cầu đã xuống cấp.


Hoàng Nam
Ưu tiên làm cầu treo vùng khó khăn
Ưu tiên làm cầu treo vùng khó khăn

Hơn 40% số cầu treo trong cả nước đang bị hư hại, xuống cấp, cần sửa chữa gấp. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách hạn hẹp, ngành giao thông và các địa phương chỉ ưu tiên những vùng khó khăn nhất, những vùng có nhu cầu sử dụng cấp bách nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN