Dịch COVID-19: Bỏ quy định giãn cách đối với sản xuất kinh doanh

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chiều 8/5 Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới. Trong số 288 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được ghi nhận tại nước ta có 148 ca bệnh "xâm nhập" được cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 140 ca do lây nhiễm trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
 Bệnh nhân 130 được trở về nhà sau thời gian điều trị và 14 ngày cách ly sau khi công bố khỏi bệnh tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Đã 22 ngày, kể từ ngày 16/4 đến nay, Việt Nam chưa phát hiện thêm ca bệnh nào do lây nhiễm trong cộng đồng. Cũng trong ngày 8/5 đã có 8 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh gồm: Bệnh nhân số 36 điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Bình Thuận; 7 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 gồm: Bệnh nhân số 130, 162, 209, 212, 226, 243, 260.

Như vậy, Việt Nam đã có 241/288 trường hợp mắc COVID-19 đã khỏi bệnh. 47 bệnh nhân còn lại đang được điều trị, theo dõi sức khỏe tại 6 cơ sở khám, chữa bệnh; trong đó 10 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 4 người có kết quả âm tính 2 lần trở lên. Tổng số có 16.525 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó, 162 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 6.693 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 9.670 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Bỏ quy định giãn cách đối với sản xuất kinh doanh

Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho mở lại và bỏ quy định giãn cách đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ với yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay; riêng đối với các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, quán ăn thì chỉ yêu cầu sát khuẩn tay. Chưa cho mở lại vũ trường, dịch vụ karaoke.

Chú thích ảnh
Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai (Hà Nội) tiến hành dọn dẹp, tổng vệ sinh toàn trường. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương, đặc biệt là ngành y tế đã có nhiều cố gắng thực hiện công tác phòng, chống dịch đạt kết quả tích cực, cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh. Cả nước đã có 22 ngày liên tục không phát hiện thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, các ca nhiễm mới đều trong số người nhập cảnh đã được cách ly, không để lây lan trong cộng đồng. Tất cả các địa phương trên toàn quốc đều ở mức nguy cơ thấp, thậm chí rất thấp lây nhiễm dịch bệnh.

Tuy nhiên, diễn biến dịch trên thế giới vẫn rất phức tạp; số người nhiễm, số người tử vong do dịch bệnh tại nhiều nước vẫn ở mức cao, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải luôn đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, quyết không để dịch bệnh trở lại.

Cả nước đã bước sang giai đoạn mới phòng, chống dịch bệnh đồng thời với khôi phục, phát triển nền kinh tế. Từ các cấp, các ngành cho đến từng người dân, doanh nghiệp đều cần xác lập tình trạng bình thường mới trong các hoạt động kinh tế - xã hội để dần đưa xã hội trở lại bình thường trên tinh thần tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế.

Kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ nước ngoài

Tiếp tục thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ nước ngoài. Tất cả người nhập cảnh đều phải được cách ly tập trung 14 ngày; trừ các trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao thì có biện pháp cách ly phù hợp, chủ doanh nghiệp, cơ quan y tế địa phương chịu trách nhiệm giám sát việc cách ly các trường hợp này, tuyệt đối không để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng.

Chú thích ảnh
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tặng quà gia đình khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN.

Sẵn sàng ứng phó với các trường hợp dương tính tại cộng đồng. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp phải duy trì nhóm phản ứng nhanh, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch hiệu quả.

Ngành y tế các địa phương dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND các địa phương phải tổ chức ứng trực mức 100% bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra. Không để dịch bệnh quay trở lại là nhiệm vụ hàng đầu của ngành y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là tại các khu vực trung tâm, thành phố, đô thị lớn.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng; rửa tay sát khuẩn, bảo đảm vệ sinh cá nhân. Tiếp tục kiện toàn năng lực cho các phòng xét nghiệm xác định COVID-19, chuẩn bị sẵn sàng máy và sinh phẩm, bảo đảm đầy đủ các điều kiện cần thiết phục vụ xét nghiệm.

Theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh và các kỹ thuật, sinh phẩm chẩn đoán trên thế giới và tại Việt Nam để điều chỉnh hoạt động xét nghiệm phù hợp với công tác phòng, chống dịch. Tiếp tục nghiên cứu phác đồ điều trị, xây dựng các hướng dẫn và tập huấn cho y tế cơ sở để thực hiện theo dõi, giám sát sức khỏe cho người dân tại cộng đồng và hướng dẫn xử lý khi có các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, dương tính với COVID-19 hoặc nhiễm dịch bệnh khác (nếu có).

Chuẩn bị sẵn sàng các bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị và các điều kiện cần thiết phục vụ cho điều trị bệnh nhân COVID-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra.

Tăng cường kiểm soát không để dịch xâm nhập qua biên giới

Trước tình hình dịch COVID-19 ở nước ta đã bước đầu được kiểm soát, các biện pháp cách ly xã hội dần được gỡ bỏ. Tuy nhiên, các cán bộ chiến sỹ Biên phòng tỉnh Cao Bằng vẫn đang tập trung quyết tâm không để dịch xâm nhập qua biên giới. Các chốt kiểm soát vẫn duy trì hoạt động 24/24 giờ trong tất cả các ngày, đảm bảo 100% công dân về nước đều được đưa đi cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của tỉnh.  

Chú thích ảnh
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Quốc phòng họp, đánh giá kết quả phòng, chống dịch và công tác đảm bảo cho các đơn vị quân đội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Hiện nay, lượng người lao động từ Trung Quốc trở về qua biên giới của tỉnh Cao Bằng vẫn không giảm. Thêm vào đó, họ chủ yếu trở về vào ban đêm, qua các lối nhỏ biên giới, gây khó khăn cho cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ.

Đại tá Phan Đăng Phượng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng cho biết: Thời gian gần đây, phía Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Do đó, số lượng lao động Việt Nam từ Trung Quốc trở về có xu hướng gia tăng, chủ yếu trở về qua địa bàn huyện Trùng Khánh và Hạ Lang.

Trung bình mỗi ngày có từ 30 đến 40 công dân trở về nước qua các đường biên giới của tỉnh Cao Bằng. Cá biệt có ngày có tới hơn 100 công dân trở về. Từ ngày 4/2 đến 7/5, tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận 4.380 công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về qua biên giới.

Các trường hợp đều được thực hiện cách ly tập trung. Đến nay, 3.202 công dân đã cách ly tập trung đủ 14 ngày theo quy định, đảm bảo sức khỏe rời khỏi khu cách ly, 502 người được chuyển đến khu cách ly tập trung tại các tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Hiện có 676 người đang cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly của tỉnh Cao Bằng.

V.T/Báo Tin tức
Bộ Công Thương sẽ từng bước gỡ khó giúp doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19
Bộ Công Thương sẽ từng bước gỡ khó giúp doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19

Theo kế hoạch, ngày mai 9/5, Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với doanh nghiệp sẽ diễn ra nhằm thể hiện sự đồng hành và chia sẻ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN