Huyện Lai Vung là một trong những địa phương trồng chuyên canh các loại cây có múi nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp; trong đó, quýt hồng là loại đặc sản của vùng đất này. Có thể nói, nhờ việc trồng cây có múi như quýt đường, quýt hồng... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, giúp nhiều hộ vươn lên khá giả. Thế nhưng, hiện do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng loạt diện tích trồng quýt bỗng dưng chết rũ, khiến "thủ phủ quýt hồng" của vùng đất sen hồng thu hẹp dần.
Nhìn những gốc quýt vừa bị đốn hạ trơ gốc, ông Võ Văn Quang, ngụ xã Tân Phước xót xa bất lực trước 4.000 m2 đất vừa mới trồng quýt đường độ 1,5 năm bị thiệt hại gần 60%. Ông Quang cho biết, cây đang chuẩn bị cho trái đầu vụ, nhưng lúc xử lý cây ra đọt non, "lá non không chuyển qua lụa xanh mà chuyển qua vàng, từ từ rụng lá từ lá gốc rồi chết.
Cũng có thâm niên trồng cam, quýt khá lâu nhưng bà Huỳnh Thị Bé Ngọc, ở ấp Hoà Định, xã Vĩnh Thới cho biết, bà đã đổ bao công sức, tiền bạc nhưng vườn nhà bà cũng thiệt hại 50%. Tự nhiên lá cây chuyển sang màu vàng, mua thuốc để trị thì cũng giảm, tuy nhiên khi cây ra đọt lá thứ 2 thì cũng lại ngả vàng. Bà Ngọc lắc đầu ngao ngán, "thấy cây có biểu hiện bệnh là xử lý ngay. Đến giờ thật sự không biết là dịch bệnh gì nữa".
Bà Ngọc cho biết thêm, ban đầu bệnh chỉ xuất hiện trên một vài cây, rồi nhiều dần. Khi cây đã mắc bệnh này thì không giữ trái được. Bà đành phải đốn hết các cây bị hư hại để thay thế cây con.
Trước hiện tượng lạ, ngay từ những ngày đầu tháng 4/2018, huyện Lai Vung đã mời nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu thành lập Tổ điều tra khảo sát và nghiên cứu hiện tượng chết cây hàng loạt, đặc biệt là cây quýt hồng. Qua khảo sát thực tế về tình hình sử dụng phân bón năng suất, mật độ trồng, phân tích mẫu đất,...
GS.TS Trần Văn Hâu, Trường Đại học Cần Thơ thông tin, do nhà vườn sau nhiều năm lên liếp (luống) bón quá ít hoặc không bón phân hữu cơ, nhưng lại lạm dụng quá nhiều phân đạm. Chính điều này đã làm rễ non yếu, giảm sức chống chịu trong điều kiện độ pH đất thấp. Đất bồi liếp chủ yếu là từ đất ruộng nên khả năng thoát nước kém, nên càng bồi dày càng gây ngộp rễ.
Trong khi đó, từ 70 - 100% vườn được khảo sát tại huyện Lai Vung đều có tuyến trùng, mật số gần 1.000 con đã thành trùng hoặc ấu trùng trong 100g đất; từ 70 - 100% vườn cũng hiện hữu nấm Phytophthora nicotianae, Fusarium solani. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra "cái chết không kịp trối" trên cây có múi tại Lai Vung.
Một nguyên nhân khác là do nông dân chủ yếu canh tác bằng phương thức truyền thống, kể cả việc chọn và nhân giống bằng phương thức chiết cành từ các cây bố mẹ tại vườn. Vấn đề lựa chọn giống theo cách này ẩn chứa nhiều mầm mống gây bệnh trên các cây con vì sức kháng bệnh trên các cây bố mẹ không còn cao.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, Đồng Tháp cho biết, hiện nay toàn huyện Lai Vung có trên 4.000 ha vườn cây có múi, gồm quýt đường, quýt hồng, cam, bưởi các loại. Hiện tượng cây có múi; trong đó, có quýt hồng chết hàng loạt này đã xuất hiện vào năm 2017 nhưng bùng phát nhiều vào năm 2018. Theo thống kê đã có khoảng 260 ha bị ảnh hưởng do dịch bệnh này.
Để khắc phục ảnh hưởng cũng như phục hồi lại các diện tích bị thiệt hại, ông Nghĩa cho biết, địa phương sẽ tiếp tục mời các nhà khoa học để nghiên cứu, các hộ nông dân sản xuất giỏi tại các vườn phát triển tốt để chia sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt, huyện sẽ phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam để tìm nguồn cây giống sạch bệnh để tái sản xuất. Huyện sẽ giao cho Hợp tác xã nông sản sạch Vĩnh Thới sản xuất thí điểm mô hình trồng quýt trong nhà lưới để hướng tới sản phẩm đạt theo chuẩn GAP.