So với sản lượng năm 2015, sản lượng trái cây phục vụ cho thị trường Tết năm 2017 giảm từ 20% - 30%. Năm 2015, năng suất quýt hồng đạt từ 40 - 45 tấn/ha, nhưng năm 2016, ước tính chỉ đạt từ 30 - 35 tấn/ha.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, hiện toàn huyện có hơn 4.000 ha trồng cây ăn trái có múi các loại, trong đó quýt hồng là cây chủ lực của địa phương với diện tích hơn 816 ha, tập trung ở các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành,... Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung phân tích, nguyên nhân dẫn đến việc sản lượng quýt hồng giảm so với các năm trước là do, nhiệt độ đầu năm tăng cao từ 38 - 39 độ C, ẩm độ có thời điểm sụt giảm dưới 60%, chính nhiệt độ cao và ẩm độ thấp làm tỷ lệ đậu quả non giảm, kèm theo đó là lượng quả non rụng lúc đầu vụ nhiều.
Người dân chăm sóc vụ quýt hồng phục vụ thị trường Tết Đinh Dậu 2017. |
Hơn 15 năm có kinh nghiệm trồng quýt hồng, ông Lưu Văn Ràng, ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cho biết, chưa có năm nào người dân trồng quýt hồng khó như năm nay. Thời tiết thất thường, mưa liên tục không chỉ làm cho sản lượng trái sụt giảm mà chất lượng cũng không như mong muốn. Thêm vào đó, nhiều loại côn trùng, sâu hại xuất hiện như, bọ đục trái, bướm trắng... gây ra hiện tượng quýt sắp thu hoạch rụng rất nhiều. Ước tính, tính đến thời điểm hiện tại, hơn 9 ha của ông Lê Văn Ràng đã thiệt hại trên 3,5 tấn quýt do loài sâu hại này.
Theo ông Huỳnh Văn Tồn , người dân trồng quýt hồng cần thay đổi tập quán canh tác sản xuất truyền thống, chuyển đổi và áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng cường các biện pháp sinh học để ứng phó trước những diễn biến bất ngờ của việc biến đổi khí hậu; đồng thời, thường xuyên vệ sinh cắt tỉa vườn tạo sự thông thoáng, hạn chế mầm bệnh. Mặt khác, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng khuyến cáo người dân cần quan tâm và đẩy mạnh sản xuất theo mô hình VietGAP để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.