Địa phương cần tăng kinh phí cho phòng, chống dịch

TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề triển khai công tác phòng, chống, dịch TCM trong thời gian tới.

´Trên thực tế, đa số các địa phương thực hiện việc chống dịch theo kiểu “chỉ vào cuộc khi dịch bùng phát”, đó có phải là nguyên nhân chính khiến dịch TCM diễn biến phức tạp suốt 2 năm nay không, thưa ông?

Dịch TCM diễn biến phức tạp là do nhiều yếu tố.

Về mặt khách quan, đây là bệnh rất dễ lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, người lành mang trùng hoặc đồ dùng nhiễm khuẩn. Không có vắcxin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Hơn nữa, tỷ lệ người lành mang trùng cao tới 71% trong các ổ dịch, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần. Tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp. Điều kiện sống của người dân ở nhiều nơi còn thấp, chưa đảm bảo về nước sạch, vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh hợp chuẩn... sạch sẽ.

Điều trị bệnh tay-chân-miệng cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Long-TTXVN


Về mặt chủ quan, là do nhiều người, nhiều cấp lãnh đạo chưa thực sự chú trọng công tác phòng bệnh. Đặc biệt một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng chống dịch; công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng chưa sâu rộng. Nhiều địa phương chưa chủ động trong công tác phòng dịch, chỉ khi dịch lan rộng mới "cuống" lên.

Thực tế từ vụ dịch năm 2011 cho thấy kinh phí cho công tác phòng dịch tại một số địa phương rất hạn hẹp. Vậy nên không có kinh phí cho truyền thông, thiếu tiền đầu tư trang thiết bị cho công tác điều trị, thậm chí đến kinh phí để mua hóa chất để phòng, chống dịch cũng vô cùng hạn hẹp… Như tỉnh Ninh Thuận, sau khi xảy ra 2 ca tử vong năm 2011 thì tỉnh này mới công bố dịch. Qua kiểm tra, thì đến tháng 11, tỉnh mới được UBND tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Sau đó, Bộ Y tế đã rất nỗ lực, hỗ trợ khẩn cấp cho Ninh Thuận 7 tỷ đồng để địa phương này triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Vậy nên, để chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan, thì ngoài nỗ lực của ngành y tế thôi chưa đủ, các tỉnh cần chủ động kế hoạch, đánh giá tình hình dịch, khi có dấu hiệu phải phát hiện sớm, khoanh vùng và xử lý triệt để, đặc biệt các địa phương cần đầu tư kinh phí đặc biệt cho công tác y tế dự phòng, chú trọng tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.

´Tại sao năm nay dịch TCM lại gia tăng tại miền Bắc? Dịch bệnh này có nguy cơ bùng phát tại Hà Nội không, thưa ông?

Theo tôi, nguy cơ dịch bệnh TCM bùng phát tại Hà Nội là rất lớn. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 617 trường hợp mắc, không có ca tử vong.
Về câu hỏi “tại sao năm nay dịch TCM lại gia tăng tại miền Bắc” thì rất khó có thể trả lời ngay. Việc dịch bệnh lây lan và diễn biến phức tạp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Do đó, cần phải có thời gian để nghiên cứu.

´Công tác phòng, chống dịch của ngành y tế thời gian tới có gì khác so với năm 2011 không, thưa ông?

Hiện nay 12 đoàn công tác mà Bộ Y tế thành lập đã đi kiểm tra giám sát được khoảng 20 địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp nhất: Hải Phòng, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cà Mau...

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo việc tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh. Ngoài việc phát sóng các chương trình truyền hình vào giờ cao điểm, tới đây các chuyên mục về phòng, chống bệnh dịch trên trang tin của báo địa phương cũng sẽ được mở. Đặc biệt, các tờ rơi sẽ được in và phát đến tận những gia đình có con nhỏ dưới 3 tuổi trên phạm vi toàn quốc...

Đối với công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện rà soát lại các trang thiết bị, phục vụ công tác cấp cứu, điều trị. Kịp thời đề xuất với UBND tỉnh cấp kinh phí mua thêm máy thở, bơm kim tiêm tự động, máy truyền tự động... đảm bảo đáp ứng nhu cầu điều trị của nhân dân, giảm tối đa tỷ lệ tử vong.

´Nhưng làm thế nào để tránh tình trạng các địa phương “trốn” công bố dịch, thưa ông?

Về việc công bố dịch, ngày 18/8/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1439/CĐ-TTg trong đó yêu cầu Chủ tịch ỦBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định các điều kiện để thực hiện việc công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm đúng thời điểm. Vì thế, việc công bố dịch chủ yếu thuộc thẩm quyền của từng tỉnh và phụ thuộc vào tình hình dịch, khả năng khống chế dịch bệnh tại từng địa phương.

Đối với ngành y tế, dù các tỉnh có công bố dịch hay không thì chúng tôi vẫn tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Hoàn toàn không hề có chuyện ngành y tế cố tình giấu dịch. Thực chất, việc các tỉnh công bố dịch còn có lợi cho ngành y tế vì khi đã công bố dịch, chính quyền phải đầu tư nhiều hơn cho y tế.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên

Dịch Tay chân miệng bùng phát dữ dội - Dịch lan rộng ra cả nước
Dịch Tay chân miệng bùng phát dữ dội - Dịch lan rộng ra cả nước

Dịch tay chân miệng đã xuất hiện tại 60/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, dịch bệnh này đang có xu hướng lan rộng ra các tỉnh miền Bắc, nơi hàng năm thường ghi nhận rất ít ca bệnh tay chân miệng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN