Dịch tay chân miệng đã xuất hiện tại 60/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, dịch bệnh này đang có xu hướng lan rộng ra các tỉnh miền Bắc, nơi hàng năm thường ghi nhận rất ít ca bệnh tay chân miệng.
“Nóng” ở miền Nam và miền Trung
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong 6 tuần đầu năm 2012, cả nước phát hiện 6.328 ca bệnh tay chân miệng (TCM) và 9 ca tử vong, tăng 7,1 lần so với cùng kỳ năm 2011. Nhưng chỉ trong 3 tuần gần đây, đã có thêm 3 ca tử vong, số ca mắc mới cũng tăng mạnh với khoảng 6.000 ca, tức là tăng gần gấp đôi so với 6 tuần trước đó.
Bệnh viện Nhi TƯ (Bộ Y tế) mỗi ngày tiếp nhận khám, điều trị khoảng 100 ca bệnh tay chân miệng, trong đó 10 - 20 ca phải nhập viện. |
Từ đầu năm đến nay, khu vực miền Nam vẫn là nơi có số mắc cao nhất cả nước với 6.463 ca, tương đương 50% tổng số ca mắc trên toàn quốc (đây cũng là khu vực có số mắc TCM và tử vong cao nhất cả nước trong năm 2011). Một số tỉnh, thành phố nằm trong top 10 địa phương có tỉ lệ mắc/100.000 dân cao nhất cả nước gồm: Đồng Tháp (44), Hậu Giang (36,3), Cà Mau (31,3)…
Riêng TP Hồ Chí Minh tuy chưa bị xếp vào top này nhưng vẫn luôn được coi là điểm nóng của dịch với khoảng hơn 1.000 ca TCM, trung bình khoảng 400 ca mắc mỗi tháng. “TP Hồ Chí Minh còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh, nhất là khi các vùng lân cận thành phố đã có nhiều ca mắc bệnh. So sánh cùng kỳ năm 2011, bệnh TCM tại TP Hồ Chí Minh đã tăng 14% và dự kiến có thể lên đến 30 - 40% trong năm nay”, ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Theo BS Trần Thanh Thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang: Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có trên 200 ca, tăng khoảng 2 lần so cùng kỳ năm trước. Điều đáng lo là số trẻ bị bệnh TCM đến khám và điều trị tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang ngày càng tăng cao.
Tại tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 12/3, toàn tỉnh đã có gần 660 ca mắc bệnh TCM, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2011, trong đó có 1 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh TCM tại miền Trung cũng tương tự. Tỉnh Bình Định đã phát hiện gần 400 ca TCM (chỉ sau Đà Nẵng và Khánh Hòa). Ông Lê Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang nhận định: “Bệnh TCM tại Bình Định có thể bùng phát mạnh từ nay đến tháng 5. Đỉnh dịch có thể từ tháng 9 - 11. Như vậy, số ca mắc bệnh TCM tại Bình Định sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới”.
“Tăng tốc” ở miền Bắc
Theo thống kê của ngành y tế, từ đầu năm đến nay, Hải Phòng luôn là địa phương đứng đầu cả nước về số ca mắc mới bệnh TCM được ghi nhận hằng tháng. Tính đến ngày 13/3, Hải Phòng đã có 1.670 ca, chiếm khoảng 60% tổng số ca bệnh của toàn miền Bắc. Tính trung bình mỗi ngày Hải Phòng có thêm 80-100 ca TCM mới.
Một đại diện Sở Y tế thành phố Hải Phòng cho biết, đến nay dịch TCM đã xuất hiện tại 14/15 quận, huyện. Dịch bệnh có xu hướng lan ra khu vực ngoại thành, tập trung ở các huyện An Lão, Kiến Thụy, Thủy Nguyên và quận Dương Kinh.
Còn tại tỉnh Lào Cai, đến ngày 14/3, tỉnh Lào Cai có trên 300 ca tại 43/164 xã, phường ở 8/9 huyện, thành phố, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối tháng 2/2012. Địa bàn bùng phát mạnh nhất là thành phố Lào Cai với trên 100 ca, trong đó 1 ca tử vong tại huyện Bảo Thắng. Hiện bệnh đã lây lan sang các huyện Bảo Yên, Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa và Mường Khương…
Lâu nay, dịch TCM thường tập trung ở miền Nam, có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3- 5 và từ tháng 9 -12 hàng năm. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, dịch bệnh này lại bất ngờ tăng đột biến tại miền Bắc. Đơn cử, trong năm 2011, cả miền Bắc chỉ ghi nhận có 17.116 ca/112.370 ca, tương đương 15,2% tổng số ca mắc trên toàn quốc. Nhưng từ đầu năm đến nay, miền Bắc đã có 3.711ca/12.442 ca, tương đương 29,8%. Điều đáng lo lắng là số ca mắc vẫn tăng với cấp số nhân tại nhiều, tỉnh, thành phía Bắc, tại Hải Dương, nếu trong tháng 1 chỉ có 8 ca TCM, thì tháng 2 là 85 ca, và riêng từ ngày 1- 9/3 đã ghi nhận thêm 160 ca mắc mới; tại Hòa Bình cũng tương tự, tháng 1 có 48 ca, tháng 2 là 96 ca, và riêng tuần đầu của tháng 3 đã có thêm 46 ca mắc mới…
Diễn biến dịch bệnh TCM ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc cho thấy dịch bệnh này đang có xu hướng “lan rộng ở miền Bắc”. Nguy cơ gia tăng số mắc và số ca tử vong trong thời gian tới đã hiển hiện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này các chuyên gia dịch tễ vẫn đang đau đầu, tìm lời giải cho câu hỏi: “Tại sao dịch bệnh lại kéo dài liên tục suốt 2 năm?”, “Vì sao, năm nay dịch bệnh này lại diễn biến phức tạp tại miền Bắc?”.