Di tích hang Thẩm Púa - điểm đặt Sở chỉ huy đầu tiên

Hang Thẩm Púa nằm dưới chân núi đá vôi Pú Hồng Cáy, thuộc địa phận Bản Pó, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên (trước kia thuộc xã Búng Lao, tỉnh Lai Châu cũ) là địa điểm đặt Sở chỉ huy đầu tiên của chiến dịch Trần Đình (bí danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ), do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng tư lệnh. Tại đây, ngày 14/1/1954 đã diễn ra Hội nghị quan trọng quyết định cho Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu” của quân và dân ta.  

Vượt quãng đường chừng 60 km, theo hướng quốc lộ 279 đi Tuần Giáo, những nóc nhà ngói đỏ của người dân xã Chiềng Đông dần hiện ra trước mắt. Tiếp tục men theo con đường nhỏ dài khoảng 3 km và lội qua một con suối… hút vào mắt là những ngoạn cảnh hang động mà thiên nhiên đã ban tặng cho hang Thẩm Púa vô cùng tráng lệ. Sau lớp cây rậm rạp dài cả chục mét, cửa hang hiện ra như một vòm đá lớn, với chiều cao khoảng 10 m, còn nguyên nét hoang sơ mà tạo hóa đã dựng lên... 

Hang Thẩm Púa.


Từ đây sẽ thấy được toàn cảnh thung lũng phía dưới trải dài một màu xanh mướt với gần 2.000m2 phủ kín ngô, lúa... Cách đó không xa là con suối Nậm Hua uốn lượn tạo một cảm giác bình yên, tươi mát như muốn xóa đi cái không khí oi bức của những ngày đầu hè.

Thẩm Púa có vẻ đẹp tự nhiên và còn khá nguyên vẹn, lòng hang rộng, càng đi vào sâu bên trong càng gặp nhiều phiến đá to, phẳng như mặt bàn phủ đầy rêu phong, rồi những vách đá, trần đá, măng đá, nhũ đá... tuyệt đẹp. Tất cả đã tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thơ mộng và hùng vĩ.  

Hang Thẩm Púa được chọn làm Sở chỉ huy đầu tiên của Chiến dịch Điện Biên Phủ vì có địa thế an toàn, bên cạnh hang là một bãi đất bằng phẳng, rộng hơn 10ha, thuận lợi cho việc chỉ đạo chiến dịch ở miền núi. Nơi đây có nhiều hang động lại có khung cảnh đẹp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ghi lại trong hồi ức về Điện Biên Phủ: “Tôi cảm thấy quang cảnh ở đây rất đẹp, tôi ít khi làm thơ, nhưng cảm thấy cảnh đẹp này thật nên thơ. Chúng tôi lại sắp chiến đấu chính là để cho đất nước đêm nào cũng đẹp như đêm nay…”. 

Tại đây, ngày 14/1/1954, mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến trên sa bàn lớn bằng cát. Tham dự có các cán bộ cao cấp, trung cấp của những Đại đoàn tham gia chiến đấu. Cũng tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao nhiệm vụ cho các đơn vị: Đại đoàn 308 đánh vào Tập đoàn cứ điểm từ hướng Tây, xuyên qua những vị trí nằm trên cánh đồng, chọc thẳng tới Sở chỉ huy của Đờ Cát.

Các Đại đoàn 312, 316 có nhiệm vụ đột kích từ hướng Đông - nơi có những cao điểm trọng yếu của địch. Gần tới ngày nổ súng tiến công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy chiến dịch đã được chuyển về hang Huổi He ở Km62 gần bản Nà Tấu và ngày nổ súng được quyết định vào 17 giờ ngày 25/1/1954… 

Trong dịp kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/1999), Bảo tàng Điện Biên kết hợp với Phòng Văn hóa Thông tin Thể thao huyện Tuần Giáo kiểm tra, khảo sát hang Thẩm Púa và đã thu được hơn 100 di vật gồm công cụ lao động bằng đá cuội công cụ chặt thô hình hạnh nhân được ghè đẽo một đầu… Tất cả những hiện vật đó đều chứng tỏ rằng nơi đây là nơi cư trú của người Việt từ thủa xa xưa, vùng đất này luôn gắn liền với lịch sử tồn tại và phát triển, cũng như lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 

Tuy nhiên, khách du lịch và ngay cả đối với nhiều người dân Điện Biên cũng ít đặt chân đến đây. Anh Đinh Công Chức, du khách ở Hà Nội cho biết: "Vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cùng một nhóm bạn đã được lên tham quan những điểm di tích như: Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, Hầm Đờ Cát, Đồi Độc lập, Sân bay Mường Thanh…

Sau 10 năm trở lại mảnh đất Điện Biên, lần này tôi đã quyết định đến khám phá nơi đặt Sở chỉ huy đầu tiên của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi thực sự bị vẻ đẹp hoang sơ của nơi này cuốn hút. Nhưng để đến được đây, tôi thấy đường vào hơi khó khăn, ngoài tấm bia chỉ dẫn ở đầu đường quốc lộ, suốt dọc hành trình về sau không có thêm một biển báo hướng dẫn nào nữa. Phía trong hang lại chưa có hệ thống điện chiếu sáng để có thể chiêm ngưỡng được nhiều cảnh đẹp hơn".  

Theo ông Lò Văn Thích - Chủ tịch UBND xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo: Trước đây, hang Thẩm Púa thuộc xã Chiềng Sinh, nhưng từ tháng 7/2013, xã Chiềng Sinh được chia tách, nên hiện nay hang nằm trên địa bàn xã Chiềng Đông. Trải qua thời gian, di tích trở nên hoang sơ do sự thay đổi của cuộc sống hiện tại, sự ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và cả ý thức của con người.  

Về vấn đề này, bà Vũ Thị Tuyết Nga – Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cho biết: Hang Thẩm Púa là di tích thành phần thuộc quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ (đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2009). Theo quyết định 591 ngày 3/5/2002 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) thì di tích này là một trong 23 điểm di tích khác được phê duyệt phúc tra điều chỉnh quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử Điện Biên Phủ.  

Theo đó, di tích hang Thẩm Púa đến nay đã được đo đạc lại diện tích, thống kê những hạng mục cần tôn tạo và cắm mốc, đặt bia di tích lịch sử. Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đang gấp rút hoàn thành bản lý lịch và xây dựng hồ sơ khoa học của di tích. Bảo tàng cũng đã có văn bản trình lên UBND tỉnh xem xét cấp kinh phí trùng tu, tôn tạo, gìn giữ, cũng như tuyên truyền quảng bá để Thẩm Púa trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn và ý nghĩa đối với du khách mỗi khi đến với mảnh đất Điện Biên anh hùng.


  Tuấn Anh  

Hoàn thành tuyến đường vào mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hoàn thành tuyến đường vào mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau một thời gian khẩn trương thi công, việc rải thảm bê tông nhựa 800m cuối cùng tuyến đường nối Quốc lộ 1A vào mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa-Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch đã hoàn thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN