Đi theo làn đường, nét văn hóa giao thông

Dù vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi, nhưng việc "phân làn, tách dòng phương tiện" diễn ra trong 3 năm qua (từ 2011 đến nay) cũng đã góp phần giảm tải về giao thông cho Hà Nội, nhất là trong thực tế còn nhiều bất cập hiện nay của hạ tầng giao thông Thủ đô.


Một chủ trương đúng


Bắt đầu từ năm 2011, thông qua các dự án thí điểm do cơ quan Hợp tác quốc tế JICA - Nhật Bản tài trợ, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo liên ngành Giao thông Vận tải - Công an thành phố, nghiên cứu, triển khai phân luồng, tách dòng phương tiện tại 10 tuyến đường trên địa bàn. Và sau 3 năm triển khai, thói quen "đi theo làn đường" đã bắt đầu được hình thành trong văn hóa giao thông Thủ đô.

Phân làn đường đã góp phần giảm thiểu các xung đột giao thông.


Theo đánh giá của Liên ngành Giao thông Vận tải - Công an thành phố, trên 10 tuyến phân làn, ý thức của người tham gia giao thông đã có chuyển biến, dần tạo thói quen đi đúng làn đường. Tình hình tai nạn giao thông trên các tuyến phân làn, tách dòng phương tiện đã giảm. Đặc biệt trên tuyến 1B, trong 2 năm qua đã không xảy ra tai nạn giao thông gây chết người. Tuyến cầu Vĩnh Tuy, đường Giải Phóng, cũng hầu như không xảy ra vụ va chạm nghiêm trọng nào giữa ô tô và xe máy. Có thể thấy, việc phân làn đường đã góp phần giảm thiểu các xung đột giao thông trên tuyến.


Đánh giá về hiệu quả của hoạt động phân làn, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định: Với điều kiện giao thông của thành phố như hiện nay, nếu không phân làn sẽ rất lộn xộn, phương tiện đi trộn lẫn vào nhau, dễ gây xung đột, ùn tắc giao thông. Việc phân làn phương tiện trên tuyến phố đủ điều kiện đã góp phần khắc phục được điều này.


Tuy nhiên cũng theo các cơ quan chức năng, để việc phân làn, tách dòng thật sự đi vào cuộc sống sẽ cần phải có một thời gian "ngấm" nữa với người tham gia giao thông. Trên thực tế, hiện vẫn vẫn còn một số trường hợp cố tình không tuân thủ quy định về làn đường. Đặc biệt, sau khi không còn sự giám sát của chính quyền địa phương và việc tăng cường kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng như giai đoạn đầu tiên, thì tình trạng lộn xộn trên các tuyến phân làn thời gian gần đây lại có dấu hiệu gia tăng. Tình trạng ùn ứ lại tiếp tục tái diễn vào những giờ cao điểm. Thậm chí, một số trường hợp phương tiện còn húc đổ biển báo, dải phân cách. Điều này đã khiến một số người lo ngại về hiệu quả của dự án, cho rằng thành phố chi tiền tỷ để đổi lấy sự thất bại.


Tiếp tục duy trì và mở rộng


Thời gian qua, Liên ngành Giao thông Vận tải - Công an thành phố đã tổng hợp ý kiến đóng góp, cũng như xem xét nhu cầu thực tế phương tiện và hạ tầng giao thông của thành phố, làm cơ sở để điều chỉnh cho phù hợp.


Trong 3 năm qua, Hà Nội đã lựa chọn 10 tuyến phố đủ điều kiện về hạ tầng để tổ chức phân làn. Cụ thể, năm 2011 đã phân làn tại 5 tuyến phố: Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt; Xã Đàn; Giải Phóng (đoạn từ Pháp Vân - Lê Duẩn); phố Huế - Hàng Bài; Bà Triệu (đoạn từ Tràng Thi đến Nguyễn Du) và phân luồng riêng cho ô tô lưu thông trên tuyến đường quốc lộ 1B và xe máy trên tuyến đường quốc lộ 1A. Từ năm 2012 - 2013 mở rộng phân làn thêm 4 tuyến phố Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư; cầu Vĩnh Tuy; tuyến quốc lộ 5 và tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài. Đây là những tuyến phố chính có mật độ giao thông lớn, phương tiện giao thông đa dạng, đường rộng và ít điểm giao cắt, phù hợp để tổ chức phân làn.

Thực tế, khi mới triển khai, mặc dù hệ thống biển báo, dải phân cách, cột biển đã được sơn, dán giấy phản quang nhưng một số người do thiếu quan sát (đặc biệt là ô tô tải) vẫn va quệt làm xoay lệch biển báo, nghiêng đổ cột. Để khắc phục, Sở Giao thông Vận tải đã cho lắp mũi thuyền bằng vật liệu composite có dán giấy phản quang, nhằm giúp phương tiện dễ dàng nhận thấy vào ban đêm. Bên cạnh đó, để hạn chế thương vong cho người khi va chạm vào dải phân cách, Sở đang nghiên cứu sử dụng dải phân cách mềm đàn hồi, một loại dải phân cách đã được sử dụng tại nhiều nước trong khu vực vì tính thẩm mỹ cao, không gây thiệt hại cho người và phương tiện để áp dụng trên các tuyến phân làn.


Với sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố, thời gian tới, liên ngành Giao thông Vận tải - Công an thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, hội thảo và kiên trì thực hiện công tác phân làn; tiếp tục rà soát, xây dựng phương án phân làn trên các tuyến phố có hạ tầng thuận lợi, nhằm đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng giao thông.


Tuy nhiên, qua thực tế triển khai ở Hà Nội, hiệu quả của giải pháp phân làn phương tiện vẫn chưa được như mong muốn, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của một số người tham gia giao thông còn hạn chế. Để giải pháp này phát huy hiệu quả, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cần nhân rộng việc phân làn không chỉ ở Hà Nội, mà trên địa bàn cả nước, trước mắt là các tỉnh, thành phố giáp ranh Thủ đô để khái niệm “phân làn phương tiện” không còn xa lạ đối với người tham gia giao thông và dần trở thành một thói quen, tạo ý thức đi theo làn đường, chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ, từng bước xây dựng “Văn hóa giao thông” cho người dân Thủ đô và cả nước.

 

Ông Takagi Michimasa, Tư vấn trưởng dự án Trahud II: Tăng cường tuyên truyền

Việc thay đổi thói quen tham gia giao thông của người dân không phải việc dễ dàng mà cần nỗ lực lâu dài, liên tục. Cần phải tuyên truyền để người dân hiểu tính cấp thiết của việc phân làn đường theo loại phương tiện, đồng thời tổ chức cưỡng chế xử phạt đối với người vi phạm. Cũng cần khẳng định, không thể xóa bỏ hoàn toàn nguy cơ phát sinh xung đột tại các tuyến phân làn, xung đột sẽ giảm ở một số vị trí nhưng cũng có thể sẽ phát sinh ở vị trí khác. Song, so sánh mức độ nguy hiểm của việc giữ nguyên giao thông hỗn hợp và phân làn giao thông khi người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh việc phân làn thì hiệu quả phòng ngừa tai nạn giao thông khá cao, nhất là trong những khung giờ có lượng người thạm gia giao thông ít hoặc tại các khu vực ngoại thành mà phương tiện chạy với tốc độ lớn. Cần kiên trì áp dụng thường xuyên, liên tục để hình thành thói quen đi đúng làn đường cho người dân, kể cả những nơi không có dải phân cách.

 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội: Tập trung vào đối tượng thanh niên

Bên cạnh việc chấp hành ý thức giao thông của nhiều bạn trẻ khá tốt vẫn còn một số bộ phận chưa chấp hành đúng quy định. Đoàn thanh niên đẩy mạnh tuyên truyền bên cạnh việc tổ chức đội thanh niên hỗ trợ hướng dẫn giao thông tại các “điểm nóng” về an toàn giao thông. Hiện Thành đoàn Hà Nội đang áp dụng thí điểm mô hình đội thanh niên hướng dẫn với 120 hội viên là các thanh niên xuất ngũ tham gia điều tiết giao thông và tuyên truyền an toàn giao thông, với mức hỗ trợ 30.000 đồng/ngày.

Ông Thanh, lái xe hãng taxi: Quan trọng là ý thức của người tham gia giao thông

Tôi thấy ý thức chấp hành quy định về phân làn của người dân còn quá tồi. Phân làn là cần thiết, nhưng chỉ được thời gian đầu nề nếp. Cần phải tuyên truyền rộng rãi và xử lý nghiêm thì mới hiệu quả được.

Tuyết Mai - Xuân Minh

Gấp rút xây dựng các trạm cấp cứu tai nạn giao thông
Gấp rút xây dựng các trạm cấp cứu tai nạn giao thông

Công tác sơ cấp cứu tai nạn đường bộ hiện nay đang gặp nhiều bất cập, khiến tỷ lệ nạn nhân tử vong từ các vụ tai nạn giao thông (TNGT) tăng cao do không được sơ cấp cứu kịp thời. Do đó, việc xây dựng các trạm “cứu tinh” tai nạn là yêu cầu bức thiết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN