Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Vì thế việc lây lan nhanh chóng và khó kiểm soát, đặc biệt hậu quả kinh tế mà đại dịch để lại trên toàn cầu rất nặng nề. Hai năm qua, nhiều quốc gia đều thực hiện các biện pháp đóng cửa biên giới, trường học và ban bố tình trạng khẩn cấp ở nhiều khu vực nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, những nỗ lực phòng vệ sớm này không thể thành công khi virus SARS-CoV-2 đã lây lan rộng trên khắp thế giới và mỗi quốc gia luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xuất hiện, bùng nổ gây áp lực cho hệ thống y tế.
Theo Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, hội thảo này là cơ hội để các nhà khoa học cùng nhau trao đổi ý kiến, thảo luận kinh nghiệm sống chung với COVID-19 từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Qua đó những bài học, kinh nghiệm thành công, chưa thành công của mỗi nước, vùng lãnh thổ sẽ được chắt lọc, từ đó đưa ra những kiến nghị phù hợp nhất cho Chính phủ các nước trong việc hoạch định, thực thi chính sách sống chung với COVID-19 an toàn và hiệu quả nhất.
Hội thảo diễn ra 4 phiên: Đại dịch COVID-19 và tình hình sống chung với COVID-19 của các quốc gia và vùng lãnh thổ; các vấn đề về kinh tế, tài chính, chuỗi sản xuất và cung ứng; các vấn đề về an sinh xã hội, lao động, du lịch; các vấn đề văn hóa, xã hội, hợp tác quốc tế.
Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh mới nổi của Nhật Bản và Việt Nam, Tiến sĩ Phí Hồng Minh, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á cho biết, Nhật Bản và Việt Nam là hai quốc gia láng giềng có mật độ giao lưu, giao thương rất lớn, đã trải qua những thời gian khó khăn nhất với các biện pháp đóng cửa, giãn cách xã hội làm gián đoạn hoạt động giao lưu, giao thương trên khắp thế giới.
Nhật Bản đã thực hiện cách tiếp cận làm dịu, sớm học cách sống chung với COVID-19 với chiến lược ứng phó dựa trên 3 trụ cột cơ bản: phát hiện sớm và ứng phó sớm theo cụm; tăng cường hệ thống y tế để có đủ điều kiện chăm sóc các bệnh nhân nặng; hướng tới điều chỉnh hành vi người dân, lối sống mới trong điều kiện bình thường mới để góp phần ngăn chặn đà lây lan và kiểm soát tốt dịch bệnh. Tại Việt Nam, những điều chỉnh mới hướng tới thích ứng an toàn, linh hoạt, chống dịch hiệu quả có nhiều nội dung tiếp cận với mô hình ứng phó của Nhật Bản, đặc biệt là cách tiếp cận khoanh cụm cách ly ở mức hẹp nhất, nhanh nhất có thể, tập trung củng cố vai trò hệ thống y tế cơ sở.
Đánh giá về việc mở rộng thị trường thương mại điện tử do sự lây lan của đại dịch COVID-19, Giáo sư Satoh Koichiroh, Đại học Senshu, Nhật Bản cho rằng, trong năm 2020, để đối phó với sự lây lan của dịch bệnh, người dân được yêu cầu hạn chế ra ngoài, việc sử dụng thương mại điện tử được khuyến khích và quy mô thị trường thương mại điện tử tiêu dùng đã mở rộng đáng kể. Lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, những mặt hàng như: thực phẩm, đồ uống có cồn, thiết bị gia dụng, thiết bị nghe nhìn, máy tính, quần áo… chiếm một tỷ lệ lớn. Năm 2021, mặc dù việc di chuyển bên ngoài của người tiêu dùng đã dần hồi phục trở lại, quy mô thị trường thương mại điện tử trên lĩnh vực kinh doanh hàng hóa vẫn tiếp tục tăng lên, cho thấy việc ứng dụng thương mại điện tử đang thành thói quen của người tiêu dùng.
Bàn về chính sách an sinh xã hội của Hàn Quốc trong ứng phó với đại dịch COVID-19, Tiến sĩ Dương Quang Hiệp, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết, cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống an sinh xã hội của Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác. Để đối phó với những thách thức mới này, Chính phủ Hàn Quốc đã có những chính sách an sinh xã hội linh hoạt, chủ động ứng phó trước các diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của đại dịch, là kiểu mẫu điển hình trong việc điều chỉnh, cải thiện chính sách thích ứng trước đại dịch toàn cầu. Các chính sách an sinh xã hội của Hàn Quốc được xem xét trên 3 nhóm nội dung chính gồm: các chính sách về bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội, hỗ trợ y tế; các chính sách an sinh xã hội liên quan đến thị trường lao động, việc làm; các chính sách thích ứng, tăng cường trên nền tảng trực tuyến cho hệ thống an sinh xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất một số hàm ý chính sách và kinh nghiệm cần tham khảo cho Việt Nam nhằm xử lý tốt hơn với các tình huống dịch bệnh có thể có trong tương lai, trong đó nhấn mạnh đến một số vấn đề như: ứng phó với đại dịch COVID-19 một cách đúng đắn, kịp thời, các chính sách an sinh xã hội cần phải quyết liệt, nhanh chóng và đến được với từng nhóm xã hội; quan tâm, hỗ trợ chính sách bảo trợ xã hội, đặc biệt là trong chăm sóc y tế và đời sống cho người già, người neo đơn… Đồng thời, công tác hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, xúc tiến việc ăn cho người lao động bị thất nghiệp sau đại dịch cần được chú trọng, góp phần tạo công ăn việc làm, người lao động sớm ổn định cuộc sống; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo trong thu thập thông tin dịch bệnh.