Ngay khi con vừa được nghỉ hè, chị Hải Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) đã lên lịch trình học tập khá dày đặc cho cô con gái năm nay lên lớp 9. Thời khóa biểu mùa hè của Nhung, con gái chị Hà chỉ khác biệt một chút so với trong năm học. Thay vì phải dậy sớm từ 6 giờ để kịp giờ đến trường, nghỉ hè, Nhung được thức dậy muộn hơn vào lúc 7 – 8 giờ. Thời gian còn lại trong ngày, Nhung kín lịch với các lớp học thêm Văn, Toán, Anh theo sắp xếp của mẹ.
Chị Hà cho biết, tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội ngày càng khắc nghiệt, con chị chỉ còn 1 năm để bước vào kỳ thi khốc liệt này. Vì thế, mùa hè năm nay là dịp để chị “tăng tốc” cho con, giúp con trang bị thêm kiến thức cho năm học cuối cấp.
“Thấy lịch học dày, con bé cũng tỏ vẻ khó chịu. Nhưng tôi động viên con là cố gắng hết năm nay, sang năm đỗ vào lớp 10, sau đó con muốn nghỉ hè thế nào cũng được...”, chị Hà nói.
Còn chị Hữu Duyên (Đội Cấn, Hà Nội) có con năm nay lên lớp 5 trường tiểu học Thống Nhất (Ba Đình, Hà Nội). Chị Duyên cũng cho con học thêm các môn văn hoá từ dịp hè từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7 để có thể thi vào lớp 6 đầu cấp sang năm. “Một số trường điểm có thi một số môn đầu vào nên để con học trường tốt, chúng tôi không còn cách nào khác phải cho đi học thêm. Nhất là môn ngoại ngữ. Đây cũng là bước tạo nền để thi THPT vì thông tin gần đây thi vào đầu cấp lớp 10 quá căng thẳng”, chị Hữu Duyên chia sẻ.
Trong khi đó, chị Diệu Linh (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) lại chọn hình thức cho con học lớp bơi với mong muốn "xoá mù" bơi cho con năm nay lên lớp 4. "Tôi có tham khảo tài liệu thấy môn bơi có ích cho tăng chiều cao. Bên cạnh đó cho bạn học thêm lớp tiếng Anh dành cho trẻ em. Trẻ em ở đô thị không cho đi học ở một lớp nào đó rất dễ ở nhà chơi game. Do đó, mong muốn các khu đô thị có nhiều chỗ chơi và tổ chức các hoạt động vui chơi hơn nữa cho trẻ em", chị Diệu Linh chia sẻ.
Theo Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành), 9 tháng học tập ở trường trẻ đã phải đối diện nhiều áp lực, nếu mùa hè cũng không được vui chơi, giải trí, lại phải liên tục đi học thêm, trẻ sẽ cảm thấy chán nản, mất động lực học tập. Tuy nhiên, để trẻ quá tự do trong mùa hè, bỏ bê hẳn việc học thì cũng không tốt, trẻ khó bắt nhịp lại khi năm học mới bắt đầu. Do đó, cha mẹ cần thảo luận với trẻ để “thiết kế” một mùa hè bổ ích, lý thú, hài hòa giữa việc học tập và vui chơi.
Cha mẹ không nên sắp xếp thời khóa biểu mùa hè của con theo ý mình, vì sẽ khiến con cảm thấy bị áp đặt. Hãy hỏi xem con mong muốn gì trong mùa hè, mục tiêu của con vào mùa hè này là như thế nào. Điều này giúp con cảm thấy được tôn trọng, được quyền đưa ý kiến và lựa chọn. Sau đó, cha mẹ tư vấn, giúp con lập “kế hoạch mùa hè” với một lịch trình hợp lý nhất, đảm bảo con vẫn có thời gian nghỉ ngơi, trải nghiệm các hoạt động vui chơi, vẫn có thời gian học nhẹ nhàng không áp lực để duy trì thói quen học tập.
Việc học không nên chỉ là học các môn như Văn, Toán, Ngoại ngữ mà có thể là học vẽ, múa, nhảy, đàn, hát… "Mỗi đứa trẻ đều có rất nhiều tài năng ẩn chứa bên trong. Nếu cha mẹ chỉ hỏi là con có đam mê gì không thì có thể con chưa định hình được hoặc định hình chưa đúng lắm. Mùa hè là thời điểm thích hợp để cha mẹ cho con trực tiếp trải nghiệm những điều đó, giúp con học thêm những kỹ năng mới, gia tăng sự tự tin và kích hoạt tài năng bên trong con. Bên cạnh đó, cha mẹ nên khuyến khích con chơi các môn thể thao", cô Nguyễn Thị Lanh chia sẻ.
Dịp nghỉ hè, cha mẹ cũng nên dành thời gian để kết nối, thấu hiểu con hơn. Cả gia đình có thể cùng nhau đi bộ, du lịch, cắm trại… vừa là cơ hội để con trải nghiệm, khám phá thế giới xung quanh, vừa gắn kết tình cảm gia đình giữa cha mẹ và con cái.
Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng: Dịp hè, phụ huynh nên tổ chức cho trẻ em tham gia các lớp học kỹ năng, chẳng hạn như các lớp bơi, phòng chống đuối nước. Từ ngày 22 - 23/7, Cục Trẻ em và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Ngày hội gia đình phòng chống đuối nước” để đa dạng hình thức tuyên truyền về các hoạt động kỹ năng, nhất là kỹ năng phòng chống đuối nước.