Để người mẹ đơn thân không đơn độc

So với hai - ba chục năm trước, cái nhìn với những người mẹ đơn thân giờ đã thoáng hơn, bớt thành kiến hơn rất nhiều. Nhưng đời sống của những gia đình của người mẹ đơn thân vẫn tiếp tục khó khăn, đặc biệt là ở nông thôn. Có lẽ, xã hội cần có nhiều hỗ trợ hơn với những người mẹ ấy.

Những mảnh đời đơn lẻ

Chị Nguyễn Thị Tiếp (47 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) trông già hơn những người phụ nữ cùng tuổi. Cách đây ngót nghét ba chục năm, chị dời quân ngũ với cái thai 6 tháng. Gia đình không thông cảm. “Mẹ cho là tôi hư hỏng, mắng chửi nhiều. Tôi khổ tâm quá cãi lại. Thế rồi cụ đánh đuổi rồi dọa đuổi khỏi nhà”, chị cho biết.

Những năm tiếp theo của chị thật vất vả và thiếu thốn tình cảm. Thương con, chị Tiếp không đi bước nữa tuy cũng có nhiều “mối” ngỏ lời. Xin mảnh đất, chị gieo trồng và làm lụng nuôi con. Chị sống lầm lũi và ngại giao tiếp bởi ngại tiếng với xóm làng. Đến mẹ mình còn nghĩ mình hư hỏng nữa là.

Nhưng rồi, một ngày, chị thay đổi: “Tôi thấy mình phải thay đổi, phải sống không để người ta coi thường. Phải nuôi con ăn học thành người. Nếu con mình ăn học thành tài thì hàng xóm cũng không chê cười. Tôi không muốn bị khinh rẻ”.

Không rơi vào hoàn cảnh như chị Tiếp nhưng chị Hòa (25 tuổi, Ý Yên, Nam Định) cũng một mình nuôi con. “Vợ chồng em nhờ người giới thiệu mà quen nhau. Về ở với nhau, anh ấy bắt nạt em quá thể. Chỉ cần không hài lòng là chửi bới, đánh đập. Em khổ quá nhưng bỏ về nhà mẹ đẻ, mẹ đẻ không cho về. Cụ sợ mang tiếng không biết dạy con”, chị Hòa tâm sự. Giờ ly hôn xong, chị lên Hà Nội, thuê nhà trong một làng nhỏ. Hàng ngày chị quảy quang gánh đi bán bánh trôi, bánh chay và xôi chè. Đứa nhỏ giờ cũng 5 tuổi loẹt quẹt theo mẹ đi bán hàng, hoặc chơi ở nhà trọ một mình. Mới đây, mẹ chị nhắn tin bảo chị cứ mang con về để bà trông cho mà đi làm ăn trên Hà Nội.

TS xã hội học Trịnh Hòa Bình cho biết: “Số phụ nữ đơn thân nuôi con trong xã hội Việt Nam hiện không nhỏ. Có những hoàn cảnh đặc biệt éo le. Người lấy chồng không tình yêu, bị gia đình chồng bạc đãi phải ra tòa. Người do nghèo quá mà bị ép gả cho người chồng có bệnh não bẩm sinh. Họ, không hề kém sức, ít nhan sắc hay đức hạnh. Có điều, họ sinh ra trong những hoàn cảnh khó khăn, phải đối mặt với nhiều quan điểm lạc hậu”.

Gánh nặng tinh thần, kinh tế

Trong một hội thảo về gia đình, TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Gia đình và giới cho biết: “Rất nhiều phụ nữ hiện đang bị bạo hành nhưng không dám lên tiếng. Họ im lặng một phần vì nghĩ nếu để lộ ra sẽ xấu chàng hổ ai. Thêm nữa, họ cũng sợ nếu căng quá, dẫn đến bỏ nhau thì sẽ rơi vào cảnh không nơi nương tựa. Nhưng sự nín nhịn này cũng chẳng mang lại hạnh phúc cho họ”.

Trên thực tế, gánh nặng kinh tế với các bà mẹ đơn thân không hề nhỏ. Cũng theo ông Minh, sau khi ra tòa, rất nhiều “đấng trượng phu” đã không hề xử đẹp khi không thường xuyên chu cấp, hoặc chu cấp ít cho con cái. Chưa kể, do quá muốn ly hôn nên nhiều bà mẹ thậm chí còn không yêu cầu gì về tiền nong sau khi chia tay. Bên cạnh đó, còn nhiều mẹ đơn thân khác như góa bụa hay không có chồng mà có con - với họ, tiền chu cấp của gia đình chồng là điều không nghĩ tới.

Mẹ đơn thân may túi ngủ, nuôi mèo để sinh nhai.

Bên cạnh đó, một bác sỹ tâm lý cũng cho biết, khảo sát cho thấy tỉ lệ bà mẹ đơn thân bị mắc bệnh tâm thần hoặc có biểu hiện nặng nề về tâm lý chiếm tới 1/4. Trong khi tỉ lệ này ở các bà mẹ bình thường chỉ 1/8. Mặt khác, các bà mẹ đơn thân cũng nhận được dịch vụ sức khỏe kém hơn so với các bà mẹ bình thường, có gia đình đầy đủ. Các bà mẹ đơn thân, do đó chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần.

Thêm hỗ trợ tín dụng, an sinh

Chính vì những thiệt thòi nêu trên, các bà mẹ đơn thân rất cần sự hỗ trợ của gia đình, xã hội. Những hỗ trợ đó sẽ càng quý giá và bền vững hơn nếu được quy định thành chính sách.

Chị Nguyễn Thị Quý (35 tuổi, Sóc Sơn) đã về ở với một người mà không đăng ký kết hôn. “Khi biết mình có thai tôi đến bệnh viện định bỏ nhưng anh đã cản tôi. Tình yêu ấm áp đó kéo dài cho đến năm 2004, khi con gái chúng tôi vừa tròn 5 tuổi thì anh mất vì tai nạn giao thông”, chị bồi hồi nhớ lại. Đứa bé khi ra đời, bố mẹ không đăng ký kết hôn nên chẳng có chế độ trợ cấp gì. Chị phải chạy chợ để kiếm thêm tiền nuôi con. Một thời gian sau, hai ông bà nội nhận cháu và chị. Số tiền ông bà trợ giúp phần nào như một khoản “an sinh” cho mẹ con chị.

Nhưng không phải lúc nào, và mẹ đơn thân nào, cũng có được sự hỗ trợ như vậy. Cùng làng với chị Quý, chị Đàm Thị Hạt (36 tuổi, Sóc Sơn) trở thành mẹ đơn thân sau khi ly hôn với người chồng có bệnh não bẩm sinh. Ngoài làm ruộng, chị Hạt còn buôn bán thêm. Năm 1991, với tiền dư dật, chị xây được nhà gạch. Cuộc sống ổn định nhưng chị chỉ có ước mơ “Những phụ nữ đơn thân được bảo hiểm để yên tâm khi về già, chúng tôi kiếm một tháng được vài trăm nhưng như tôi tháng vừa rồi tiền thuốc hết cả triệu. Tự dưng đau bụng, thế là nội soi, siêu âm hết mấy trăm nghìn đồng”.

Cũng chính Sóc Sơn là nơi có dự án hỗ trợ tín dụng cho phụ nữ đơn thân. Chị Nguyễn Thị Tiếp giờ đã tham gia quản lý Hợp tác xã đơn thân. Mẹ chị sau thời gian mắng con gái hư hỏng, giờ đã hiểu và thương chị hơn. Con gái chị cũng đã lớn, có cuộc sống ổn định. Cô đi lấy chồng, có con gái 3 tuổi, tuần nào cũng về thăm mẹ.

Một người cũng được vay vốn làm ăn từ dự án là mẹ đơn thân Dương Thị Lê, 29 tuổi. Chị vốn lấy chồng không có tình yêu. “Có hôm mẹ chồng chửi tôi từ 8 giờ tối đến 12 giờ đêm, bắt tôi ngồi nghe”. Cô ly hôn, về nhà mẹ đẻ khi mang thai đứa con đầu được 6 tháng. Không có tiền, chồng không đóng góp tiền nuôi con theo phán xét của tòa án. Lại còn lên nhà đánh mẹ và anh chị em cô. Cuộc sống của Lê đã thay đổi. Cô vay tiền, mua máy khâu để may túi ngủ, và làm thêm 5 sào ruộng. Chị nói: “Bình thường tôi không dám ra ngoài, sợ họ hỏi cuộc sống riêng tư, động đến nỗi đau của mình. Song tham gia dự án, các chị chỉ bàn về công việc nên tôi rất thích”.

Một mô hình hỗ trợ phụ nữ đơn thân, góa bụa khác là CLB Nghĩa tình ở xã Kim Tiến, Kim Bôi (Hòa Bình). Tại đây, các chị được vay vốn với lãi suất thấp (0,6%) từ kênh của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Với mỗi suất vay từ 2 - 5 triệu đồng, các chị đã đầu tư phát triển chăn nuôi, chủ yếu là nuôi bò, lợn, gà, đồng vốn vay tiếp tục phát huy hiệu quả. Câu lạc bộ còn vận động mỗi thành viên góp 10.000 đồng/tháng, tạo vốn vay luân phiên cho các trường hợp phụ nữ đơn thân gặp khó khăn, mỗi lượt được vay 500.000 đồng. Nhờ đó, các chị được vay đầu tư mua gà giống, lợn giống...

Có lẽ, chỉ với cách đẩy mạnh những hoạt động đoàn thể, xã hội như vậy, phụ nữ đơn thân mới đỡ thiệt thòi để có thể nuôi dạy con tốt và sống hạnh phúc hơn.

Cầm Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN