Nhiều vụ khiếu kiện về môi trường kéo dài vì người dân bức xúc trước nạn ô nhiễm mà không được giải quyết thỏa đáng. Học tập những mô hình tốt từ các quốc gia sẽ giúp Việt Nam xây dựng được chính sách hiệu quả nhằm giải quyết các tranh chấp môi trường.
Bài 1: Vòng luẩn quẩn khiếu kiện
Không được xử lý thỏa đáng, những vụ kiện tụng, xung đột của người dân vì môi trường sống ô nhiễm đôi khi phát sinh thành các phản ứng quá khích.
Trung tuần tháng 8/2013, nhiều đơn thư của người dân phường Bách Quang, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên được gửi tới các cơ quan báo chí, về việc: Nhà máy kẽm điện phân (Công ty TNHH một thành viên kim loại màu Thái Nguyên) đã xả ra môi trường sống của cư dân nơi đây những loại hóa chất kịch độc.
Nhà máy hoạt động gây khói bụi trong KCN Biên Hòa 1. Ảnh:Tràng Dương - TTXVN |
Trước đó, người dân Chương Lương, phường Bách Quang cũng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương (xã, phường), thị xã Sông Công và một số cơ quan Trung ương, về việc cây trồng, vật nuôi của họ bị thiệt hại, sức khỏe con người bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường.
Bế tắc cách giải quyết
“Tỷ lệ đơn thư khiếu nại của người dân tại phường Bách Quang (Thái Nguyên) khá cao, trung bình mỗi người dân viết tới 10 đơn khiếu nại” - ông Lê Minh Đức, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết. Ông Đức là thành viên nhóm nghiên cứu “Đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường khu công nghiệp nhìn từ góc độ cộng đồng”, thực hiện tại một số địa phương thuộc TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thái Nguyên, Hưng Yên và Đà Nẵng.
Tình trạng xung đột kéo dài, lòng vòng, thậm chí rất gay gắt vì môi trường ô nhiễm không chỉ riêng tại Thái Nguyên. Tại các địa phương khác, qua khảo sát, thực trạng này cũng khá trầm trọng.
Tại TP Hồ Chí Minh, dân không dưới 10 lần kéo ra Nhà máy thuộc da Hưng Thái (KCN Vĩnh Lộc, Bà Điểm, Hóc Môn). Nhà máy này đã từng bị di dời vì ô nhiễm, nhưng đến nơi mới vẫn tiếp tục gây ô nhiễm.
Bản chất các cuộc tranh chấp môi trường là mâu thuẫn giữa người dân với các doanh nghiệp gây ô nhiễm, còn chính quyền cơ sở là bên trung gian. Điều đáng nói là chính quyền cơ sở không có năng lực để giải quyết các vấn đề mà người dân phản ánh nên việc xử lý cứ kéo dài. Tại cả 5 địa phương dự án điều tra, dân dù không muốn khiếu kiện vượt cấp nhưng vì chờ mãi không được giải quyết nên phải khiếu nại dần lên các cấp cao hơn. Tại Thanh Trì (Hà Nội), nơi đoàn nghiên cứu lấy mẫu thử, chính quyền địa phương thú thực: Chúng tôi không có năng lực lấy mẫu (để kiểm nghiệm thành phần ô nhiễm), không có kiến thức về môi trường nên dù muốn cũng không thể giúp dân. Khi người dân đưa đơn kiến nghị, địa phương đành tiếp nhận đơn, rồi... cùng chờ.
Kể cả những nơi đã xác định được nguồn ô nhiễm, nhưng vì lý do tương tự nên cũng không thể kết luận ngay, nói gì tới giải quyết. Dân chờ lâu thì... mỏi, bức xúc, lại kiện tiếp. Chuỗi phản ứng cứ lặp lại.
Nhận diện bất cập
Bên cạnh việc chính quyền không đủ năng lực thẩm định, thì việc người dân mất niềm tin ở các kết quả xét nghiệm cũng là một trong các lý do khiến xung đột ngày càng gay gắt.
“Người dân không đánh giá ô nhiềm theo chỉ số BOD, COD, mà họ khẳng định ô nhiễm khi thấy mùi hôi thối, khó thở, khói bụi mù mịt, nước sông chuyển màu đen, gà vịt chết, cây vàng lá” - ông Đức cho biết. Trong khi đó, nơi tiếp nhận đơn thì “chưa thấy gì”, thậm chí bảo “không có”. Kết quả khảo sát tại KCN Vĩnh Lộc (Bà Điểm, Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), 96% người dân cho rằng có ô nhiễm, muốn báo động, nhưng Sở TN - MT lại kết luận là... các chỉ số đạt tiêu chuẩn. Tại những nơi khác, dù ô nhiễm khiến cây vàng lá, người khó thở, ngứa ngáy, gà vịt chết hàng loạt, nước sông chuyển mùi hôi thối... song không ai có kết luận gì. Tại Hưng Yên, trong vụ kênh Bần ô nhiễm, người dân chỉ “nghe nói” có hai lần phòng TNMT về lấy mẫu, không biết thực tế thế nào. Do vậy, kết quả khảo sát khiến dân nghi ngờ, tự lấy mẫu, tự đưa đi đánh giá.
Thậm chí, người dân không có thông tin về những vụ ô nhiễm trên nơi họ sống, kể cả đơn thư họ kiện, đi tới đâu cũng không biết.
Điều đáng nói, “Đa phần dân chưa hài lòng với cách giải quyết”, ông Lê Minh Đức kết luận. Đó là do những hạn chế hiện nay trong đánh giá ô nhiễm và xác định thiệt hại. Vụ người dân phường Bắc Quang (Thái Nguyên) kiện gây ô nhiễm bị kéo dài, một phần là do đền bù thiệt hại chưa thỏa đáng.
“Kịch bản” của những vụ kiện tụng môi trường kéo dài thường là: Ô nhiễm không do cơ quan chức năng phát hiện, mà chủ yếu do dân tự phát hiện. Sau khi khiếu nại, thấy tình trạng không được cải thiện gì thì bức xúc bị đẩy lên cao, dân gây sức ép. Thường khi đó cơ quan chuyên môn (cán bộ môi trường, lực lượng cảnh sát môi trường) mới vào cuộc, kiểm tra và công nhận ô nhiễm. Điều đó tạo tiền lệ: Người dân cho rằng tụ tập gây sức ép lên chính quyền là cách tốt nhất để được can thiệp - nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp rút ra kết luận từ các vụ khiếu kiện.
“Dường như chính quyền địa phương cấp cơ sở chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giải quyết tranh chấp môi trường, chủ yếu giải quyết tức thì nhằm mục tiêu ổn định trật tự xã hội. Chính vì vậy, dân đã có những phản ứng, đơn giản nhất là vượt cấp, có những hành động manh động, bao vây, uy hiếp doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường” - ông Hoàng Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp nhấn mạnh.
Thùy Hương
Bài 2: Cần một tòa án môi trường