Những vụ việc đau lòng
Mới đây ngày 12/3, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh một người đàn ông đánh đập dã man một bé trai ở thành phố Đồng Xoài, Bình Phước. Trong clip, người đàn ông dùng chân đá, đạp và tay đánh vào người, mặt cháu bé. Dù bé trai kêu khóc thảm thiết xin tha, nhưng người này vẫn đánh bé rất dã man. Sau đó, cháu bé đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước. Công an thành phố Đồng Xoài đã bắt khẩn cấp Lê Đức Thắng - cha dượng của bé trai để điều tra. Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên cháu bé bị Thắng đánh, dù đã được vợ can ngăn.
Trước đó, tháng 10/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, trú tại huyện Thạch Thất) mức án tử hình về tội giết người, 4 năm tù về tội cố ý gây thương tích, tổng hợp hình phạt là tử hình; bồi thường cho gia đình bị hại gần 470 triệu đồng. Huyên là người đã hành hạ, đóng 10 chiếc đinh vào đầu bé Đ.N.A. (3 tuổi), con gái chị Nguyễn Thị L. (27 tuổi, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội) - người tình chung sống với y.
Hẳn dư luận vẫn chưa quên vụ bé gái V.A 8 tuổi, bị mẹ kế và cha ruột bạo hành man rợ thời gian dài, dẫn đến tử vong tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (cha ruột nạn nhân) bị phạt 8 năm tù về hai tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm”. Nguyễn Võ Quỳnh Trang - mẹ kế bị tuyên án tử hình, đồng thời Hội đồng xét xử bác toàn bộ kháng cáo của luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo Trang. Bởi lẽ, Nguyễn Võ Quỳnh Trang đã nhiều lần đánh đập, hành hạ dã man con gái riêng của Thái. Còn Thái nhiều lần chứng kiến nhưng không can ngăn, thậm chí còn cùng Trang hành hạ con mình. Khi cháu bé tử vong, Thái còn tìm cách xóa dữ liệu camera để che đậy hành vi dã man của của mình và người tình.
Trên đây chỉ là một trong số vụ việc bị phát hiện và lên án nhưng thực tế, có thể số trẻ bị xâm hại, bạo lực còn nhiều hơn. Trong số đó, không ít trẻ bị bạo hành nhiều lần, lặp đi lặp lại, kéo dài nhiều tháng, năm, có sự chứng kiến của người xung quanh nhưng dường như ít người quyết liệt lên tiếng, can thiệp, thông báo cho cơ quan chức năng. Có những sự việc trẻ bị bạo hành bởi chính người thân, cha mẹ, hàng xóm hoặc bạn bè, thậm chí là thầy, cô giáo. Việc trẻ bị bạo hành kéo dài mà không có sự can thiệp kịp thời đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng buồn khi các em bị tổn thương sức khỏe, tinh thần nghiêm trọng, lệch lạc về nhận thức, mắc bệnh tâm lý, thậm chí có những trẻ nhận cái chết thương tâm.
Đúng như Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam nhận định: Dù đã có nhiều giải pháp nhưng tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn ẩn khuất đâu đó, công tác bảo vệ trẻ em gặp rất nhiều khó khăn.
Pháp luật đã có quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi bạo hành trẻ em về thể chất, tinh thần. Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm gây tổn hại tinh thần trẻ ở mức độ nhẹ. Với hành vi bạo hành gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, điều quan trọng không chỉ là xử lý vi phạm khi đã xảy ra mà là ngăn chặn bạo hành, chấm dứt những hậu quả xấu với trẻ em do bị bạo hành.
Hành động vì thế hệ tương lai
Theo Cục Trẻ em, năm 2023, Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 323.615 cuộc gọi đến (giảm 44.829 cuộc so với năm 2022) và tiếp nhận 1.313 lượt thông báo qua ứng dụng app và Zalo.
Cùng với đó, Cục hỗ trợ, can thiệp 688 ca bạo lực trẻ em, chiếm 55,89% tổng số ca hỗ trợ, can thiệp, trong đó có những trường hợp trẻ em bị bạo lực ở mức độ rất nghiêm trọng. Trẻ em bị bạo lực trong gia đình giảm so với năm 2022 tuy nhiên vẫn lên tới 67,71% (giảm 9,22% so với năm 2022).
Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ tháng 7/2023. Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2023-NĐ-CP ngày 1/11/2023 quy định chi tiết một số điều về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đây cũng là cơ sở để tăng cường nhận thức và vai trò của gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực trẻ em tại gia đình.
Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần kích hoạt lại hệ thống phản ánh trực tiếp các vụ việc có dấu hiệu bạo lực trong và ngoài gia đình. Mặt khác, cũng cần có chế tài đối với những cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm khi xử lý thông tin các vụ việc liên quan tới bạo hành trẻ em. Với trẻ em, cần tăng cường giáo dục ngay từ bậc mầm non về cách thức tố giác khi bị xâm hại, bạo lực.
Để ngăn chặn tình trạng bạo lực trẻ em, các cơ quan liên quan vẫn cần thiết phải truyền thông, nâng cao nhận thức của xã hội, trách nhiệm, năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là với cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cộng đồng và bản thân trẻ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa hệ thống pháp luật đủ mạnh để răn đe, áp dụng để việc thực thi quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em được thực hiện nghiêm túc và công minh, tạo ra môi trường xã hội không chấp nhận bất kỳ hành vi bạo lực nào đối với trẻ em. Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo. Chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Đặc biệt, cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
Việc truyền thông phải góp phần khẳng định mạnh mẽ thông điệp: Bạo lực trẻ em là không thể chấp nhận được nhưng có thể ngăn chặn được; hãy lên tiếng để trẻ em không phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bạo lực gây ra.
Bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bạo lực là một trách nhiệm quan trọng của toàn xã hội để xây dựng một môi trường an toàn, yêu thương và đầy đủ cơ hội cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai.