Là vùng kinh tế, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước nhưng hàng năm ĐBSCL lại thường xuyên đối mặt với lũ lụt, gây thiệt hại lớn về người và của. Khắc phục thực trạng này, từ rất lâu con người luôn cháy bỏng khát vọng được chung sống hài hòa lợi ích với lũ. Theo thời gian với nhiều nỗ lực, giấc mơ đó đã đến.
Từ những thành công
Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định triển khai chương trình “Xây dựng cụm tuyến dân cư vùng thường xuyên bị ngập lũ các tỉnh ĐBSCL”. Đây được xem là chương trình trọng điểm quốc gia, trực tiếp đảm bảo cho nhân dân vùng lũ có cuộc sống an toàn, không phải di dời khi lũ về. Điều này đã góp phần hạn chế nhiều thiệt hại do lũ gây ra, nhất là thiệt hại về người. Mục tiêu của chương trình là đảm bảo cho các hộ dân vùng lũ được sống an toàn, từng bước ổn định và tiến tới phát triển bền vững. Theo số liệu thống kê, đã có hơn 1.000 cụm tuyến dân cư với diện tích 3.129 ha, giúp cho khoảng 200.000 hộ thuộc 8 tỉnh, thành vùng ngập lũ thường xuyên được an cư. Khảo sát tại các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Long An…, nơi đã cơ bản hoàn thành chương trình này, các cụm tuyến dân cư thu hút đông đảo người dân vào ở và nhiều tỉnh đang chuyển sang giai đoạn 2 khi chú trọng giúp người dân vùng sạt lở ổn định cuộc sống.
Ông Trần Hồng Lạc, Trưởng trạm khuyến nông huyện Tam Nông (Đồng Tháp), cho biết: “Lũ về mang theo nhiều nguồn lợi thủy sản như cá, cua, ốc… và huyện đã tận dụng nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh trên nền đất lúa”. Phát huy lợi thế, tiềm năng về đất đai, mặt nước trong mùa nước nổi, năm nay huyện phát triển diện tích nuôi tôm lên hơn 1.000 ha, sản lượng đạt 1.700 tấn, trong đó 50% dành cho xuất khẩu với lợi nhuận trung bình 20 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi tôm càng xanh mùa lũ không chỉ ở huyện Tam Nông, mà do hiệu quả nên hiện đang được nhiều nông dân ở vùng lũ trên địa bàn tỉnh học tập làm theo. Tại các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Dương… thuộc huyện Lai Vung, nhiều hộ đã phát triển mô hình này. Với giá bán hiện dao động từ 160.000 - 250.000 đồng/kg, bà con nông dân nuôi tôm đang hy vọng vụ tôm mùa lũ năm nay sẽ lại trúng mùa, trúng giá.
Mô hình nuôi cá bè trên sông tận dụng thức ăn mùa lũ ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đang cho hiệu quả cao. |
Tại tỉnh An Giang, theo ông Đỗ Văn Hùng – PGĐ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh, nhờ xây dựng những đề án về “Sản xuất trong mùa lũ” mà đời sống của bà con vùng lũ đã giảm bớt khó khăn. Theo đó, tùy điều kiện từng khu vực cụ thể, tỉnh khuyến khích người dân trồng hoa màu thay lúa, bán được giá cao. Ngoài ra là nuôi cá lồng bè ven sông Tiền, sông Hậu; nuôi tôm đăng quầng; phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp… Hiện tỉnh đang triển khai thực hiện rộng rãi mô hình “làm ăn mùa lũ” qua việc chọn lọc hơn 50 mô hình làm ăn hiệu quả cao để áp dụng rộng rãi đến người dân, đặc biệt là người dân khu vực vùng lũ. Theo khảo sát của tỉnh, những mô hình trên đã đem lại kết quả ngoài mong đợi với giá trị sản xuất đạt hàng ngàn tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 100.000 lao động khi lũ về.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Lý giải hiện tượng lũ năm nay về sớm, tần suất lũ cao, tốc độ ngập nhanh tại ĐBSCL, nhiều chuyên gia trong ngành cho biết: Do đường lũ vào thì không thay đổi, trong khi vùng đất để lũ thoát ra bị thu hẹp, những đường lũ thoát ra biển nhiều đoạn bị bãi bồi từ nhiều năm hình thành, cửa sông ngày càng cạn. Ngoài ra còn do tốc độ phù sa bồi nhanh vì rừng đầu nguồn bị phá, nước mưa đem theo nhiều đất cát, nồng độ phù sa trong nước sông cao gần 1,5 lần những năm trước đây… Về lâu về dài với những hạn chế trên sẽ dễ dẫn đến nguy cơ diện tích ngập lụt rộng hơn, độ sâu ngập lụt cao và thời gian ngập lụt dài.
“Để ĐBSCL thật sự sống chung với lũ một cách bền vững vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Trước nhất, tình trạng xây dựng đê bao ngăn lũ tràn lan, không theo quy hoạch ở nhiều địa phương dễ ảnh hưởng đến dòng chảy của nước, tốc độ đô thị hóa nhanh làm cản trở dòng chảy tự nhiên của nước… Tình trạng sạt lở sông rạch đang ngày càng gia tăng là do nước lũ về ít tràn đồng mà hầu hết chảy vào dòng chính với gia tốc nhanh, mạnh dễ gây sạt lở, xói mòn hai bên bờ. Đã đến lúc chúng ta phải làm tốt công tác quy hoạch, trong đó chú ý cân đối, tính toán để phát triển bền vững”, ông Lê Văn Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp phân tích.
Vướng mắc hiện nay là nhiều địa phương đang chủ trương tăng nhanh diện tích lúa vụ 3, từ đó đê bao cũng tăng theo. Trong khi đó, quan điểm của các nhà khoa học là phát triển nền nông nghiệp bền vững không nên sản xuất đại trà lúa vụ 3 mà nên để cho đất nghỉ, xả lũ lấy phù sa và tiêu diệt mầm bệnh, tháo chua rửa phèn… Trong lúc chưa có ý kiến thống nhất về vấn đề trên, các địa phương cần thận trọng trong việc xây dựng đê bao phát triển diện tích lúa vụ 3 khi chưa có sự tính toán cũng như cân nhắc kỹ càng thiệt hại. Ngoài ra về lâu về dài cần nghiên cứu tổng thể lượng nước mùa lũ thoát ra biển, từ đó có kế hoạch đầu tư nạo vét làm thông thoáng các cửa sông Cửu Long và các cửa kênh đổ ra vịnh Thái Lan giúp gia tăng khả năng thoát nước khi mùa lũ đến. Riêng việc khai hoang khu vực Đồng Tháp Mười không nên làm “quảng canh”, “đại trà” mà có những bước đi thận trọng, tính toán cẩn thận hơn trong tinh thần sống chung với lũ, không làm giảm diện tích các điểm “dừng chân” của nước mỗi khi lũ về.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa