Đẩy nhanh chuyển đổi phương thức hỗ trợ hộ nghèo từ cho không sang có điều kiện

Giai đoạn 2016-2020, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả tích cực nhưng với những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nên thời gian tới, công tác giảm nghèo cần chương trình hành động cụ thể ở từng cấp, từng ngành và địa phương.

Những nỗ lực từ địa phương

Xã Mường Kim là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Than Uyên (Lai Châu). Giai đoạn 2016 – 2020, xã Mường Kim được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn theo Chương trình 30a, 135, 755 của Chính phủ, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển giao thương hàng hóa của người dân. Các công trình thuỷ lợi được xây dựng sửa chữa.

Chú thích ảnh
Nhiều hộ nghèo ở xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà (Điện Biên) được hỗ trợ trâu bò giống để nhân đàn, phát triển kinh tế. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Cùng với hệ thống hạ tầng cơ sở, xã Mường Kim hình thành vùng nguyên liệu chè với 249 ha; vùng cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao trên 200 ha. “Chính quyền các cấp hỗ trợ máy móc, cây con giống cho các hộ đồng bào thuộc các thôn bản đặc biệt khó khăn giúp người dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô trang trại, gia trại theo hình thức tập trung, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và giảm nghèo nhanh và bền vững”, ông Lò Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Kim chia sẻ.

Nhờ đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo hàng năm đều giảm. Đầu năm 2016, hộ nghèo của xã là 46,22% và đến cuối năm 2020 chỉ còn 9,10%; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trung bình giảm 7%/năm. “Nhờ giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Tuy nhiên, có thể thấy tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa bền vững. Một bộ phận người dân chưa nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, còn trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước”, Lò Quyết Thắng chia sẻ.

Còn bà Tăng Thị Thắm, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú (Trà Vinh) cho biết: Huyện quan tâm đầu tư xây dựng 85 dự án phát triển sản xuất và 6 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp 178 công trình công cộng phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, tổng kinh phí trên 123 tỷ đồng. Huyện tạo điều kiện cho trên 50.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, tổng số tiền trên 278 tỷ đồng; vận động hộ có nhiều đất cho hộ nghèo mượn đất sản xuất; định kỳ hằng năm phân công đảng viên kèm cặp, hỗ trợ hộ thoát nghèo, thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo; chủ động thành lập 65 tổ tự quản giảm nghèo...

Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Trà Cú đã kéo giảm được 6.266 hộ nghèo (bình quân giảm 3,12% hộ nghèo/năm); trong đó có 4.213 hộ nghèo Khmer (tương đương 7%); thúc đẩy kinh tế huyện nhà tăng trưởng bình quân 15,2%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,33 triệu đồng/người/năm (tăng 2,03 lần so năm 2015).

Đó là những địa phương đã nỗ lực giảm nghèo trong thời gian vừa qua. Bên cạnh sự hỗ trợ hạ tầng, vốn vay thì người dân và chính quyền đã đồng lòng thực hiện phát triển kinh tế để giảm nghèo.

Ưu tiên nguồn lực giảm nghèo

Việt Nam là một trong 30 nước áp dụng chuẩn nghèo đa chiều để thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo. Việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều để người dân tiếp cận các dịch vụ cơ bản xã hội và góp phần giảm nghèo bền vững.

Đối với giảm nghèo đa chiều, bên cạnh chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cập 5 dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 58,1%; năm 2015 còn 9,88%; năm 2020 còn khoảng 2,75%. Chỉ tính riêng 2016-2019, cả nước giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo.

Một số địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong giai đoạn 2015-2019 như huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) giảm 40,66%, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) giảm 34,51%, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) giảm 33,52%....

Chú thích ảnh
Một buổi làm thủ tục cho hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tại điểm giao dịch phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Trong 5 năm qua, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo đạt cao. Theo thống kê, nguồn lực đã huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là hơn 93.000 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm vốn ngân sách Trung ương chiếm 45%; vốn ngân sách địa phương 11%; vốn xã hội hóa 23,5%; vốn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chiếm 20%; vốn viện trợ là 0,5%.

Trong giai đoạn 2016-2020, tại địa bàn các huyện, xã nghèo, đặc biệt khó khăn đã có khoảng 18.000 công trình hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15.000 công trình; khoảng 7.000 công trình được duy tu bảo dưỡng. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 32.000 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng kết nối vùng được đầu tư như điện, đường, trường, trạm và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, dân sinh.

Các chính sách thường xuyên hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, hộ cận nghèo (hỗ trợ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý, tiền điện…) khoảng 25.000 tỷ/năm.

Người nghèo có khả năng lao động được hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Các địa phương triển khai hỗ trợ hơn 13.000 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi từ Chương trình 135 với hơn 8.000 tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người nghèo tăng 1,6 lần giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, có thể thấy kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Tỉ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016-2019) bình quân 4,09%/năm. Chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nhiều nơi tỉ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; tỉ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2019)”.

Chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, hiện nay chỉ còn bằng khoảng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu. Việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai còn chậm; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương vào cuối năm 2020, Bộ LĐTBXH và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thống nhất sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Nghị định điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2026, dự kiến với mức 1,5 triệu đồng/người/tháng tại khu vực nông thôn, mức 2 triệu đồng/người/tháng tại khu vực thành thị và đáp ứng được khoảng 80% mức sống tối thiểu, thời gian áp dụng sẽ điều chỉnh cùng với cải cách chính sách tiền lương.

Trước mắt, năm 2021, theo quyết định của Bộ Chính trị và Quốc hội, Việt Nam chưa điều chỉnh chuẩn nghèo. “Do đó, cả nước tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn 2,75%; trong khi đó, chỉ tiêu quyết định giảm 1,1-1,5%. Đây là việc khó khăn do phần lớn số này khó có thể thoát nghèo, tuyệt đại bộ phận 2,75% này nằm ở lõi nghèo là vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Để giải quyết tận gốc đói nghèo là phải tăng trưởng kinh tế, vì tăng trưởng kinh tế là chìa khoá để thoát nghèo. Các địa phương căn cứ vào tiêu chí phân loại hộ nghèo cần rà soát, tách toàn bộ số người không thể thoát nghèo do tật nguyền, già cả, neo đơn, không nơi nương tựa, nghèo kinh niên sang hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Chính phủ sẽ sớm sửa đổi Nghị định 136/2013 để nâng dần mức trợ cấp xã hội.

Các địa phương sớm triển khai chương trình phân công vùng kinh tế giàu, người giàu giúp đỡ vùng nghèo, người nghèo, phân công đảng viên giúp đỡ cụ thể người nghèo. Đồng thời, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng lao động, đào tạo và đào tạo lại người học gắn nhu cầu thị trường; phát triển thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ và phát triển. “Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ phối hợp với Tập đoàn Dệt may giày da thí điểm đào tạo lao động bằng quĩ kết dư của Bảo hiểm thất nghiệp”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: “Mỗi xã, mỗi huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp địa phương mình”, với cách làm sáng tạo hơn nữa, giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người. Các địa phương có điều kiện, phát triển khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Chính quyền phải sát dân hơn, nắm vững từng hộ để có biện pháp hỗ trợ cụ thể.

 

Xuân Cường/Báo Tin tức
Thanh tra giao thông Hà Nội triển khai kế hoạch cao điểm Tết
Thanh tra giao thông Hà Nội triển khai kế hoạch cao điểm Tết

Lực lượng Thanh tra giao thông - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội bố trí 100% quân số triển khai đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN