Tính toán nguồn lực ưu tiên khi tăng lương tối thiểu vùng 2021

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, vấn đề tăng lương tối thiểu vùng cần phải được nhìn trong bối cảnh chung, đặc biệt có xem xét kỹ về nguồn lực.

Chú thích ảnh
Lao động dệt may sử dụng nhiều lao động trong thời gian qua. Ảnh: TTXVN.

Liên quan đến đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây, trả lời câu hỏi của báo chí về tác động của việc tăng lương tối thiểu vùng tới thu nhập và việc làm, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội cũng như lao động, việc làm cuối năm 2020 có những khởi sắc, nhưng doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Xét đến số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, nếu tính chung cả năm 2020 so với năm 2019, số lượng này cũng tăng lên đáng kể.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020 có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019. Trung bình mỗi tháng có gần 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

"Các thống kê này cho thấy các doanh nghiệp đang còn rất khó khăn, tình hình lao động việc làm có chuyển biến, nhưng vẫn chưa thể khôi phục lại như trước. Do đó,  Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", ông Vinh cho biết.

Về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021 của Tổng Liên đoàn lao động, ông Vinh cho rằng, Chính phủ sẽ có những ưu tiên chung, mục tiêu trước mắt là làm sao phát huy được tốc độ tăng trưởng như quý 4/2020 để tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2021; tiếp đến là tính đến các đối tượng, doanh nghiệp cụ thể. Trong đó, hướng đến doanh nghiệp ở những lĩnh vực, ngành nghề bị giảm sút doanh thu nhiều, đồng thời quan tâm đến những doanh nghiệp lớn, mang tính dẫn dắt tạo động lực phát triển và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

“Đối với người lao động, có thể ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 thứ hai so với lần 1 thì mức độ không lớn bằng. Vì vậy, chính sách hỗ trợ nên tập trung vào những đối tượng bị giảm thu nhập sâu, bị mất việc làm và nhóm lao động phi chính thức. Bài toán có tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2021 cần được nhìn nhận trong tổng thể chung, cũng như xem xét về mặt nguồn lực, thứ tự ưu tiên để có chiến lược và kế hoạch phù hợp. Chắc chắn Chính phủ sẽ cân nhắc kỹ để đưa ra các chính sách nhằm đảm bảo tính bền vững chung cho toàn xã hội", ông Phạm Quang Vinh đánh giá.

Trước đó, liên quan đến đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ cũng chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu, kiến nghị về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng 2021.

Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ để đề xuất, báo cáo Chính phủ trước quý II/2021.

XM/Báo Tin tức
Hơn 32 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19
Hơn 32 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19

Ngày 6/1, Tổng cục Thống kê họp báo thông tin tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020. Theo đó, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN