Giảm thời gian chờ đợi
Hiện nay, các dịch vụ công trực tuyến đã phục vụ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Từ đăng ký kinh doanh đầu tư, đăng ký doanh nghiệp tại nhà, cấp phép trang thông tin điện tử, cấp phép họp báo, hội thảo có yếu tố nước ngoài cho đến thủ tục cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, cấp phép văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài… đều đã được đơn giản hóa.
Anh Nguyễn Văn Huynh, đại diện Công ty TNHH Thế giới số (quận Tân Bình) cho biết: “Từ khi Sở triển khai dịch vụ công trực tuyến, việc đăng ký kinh doanh có thể thực hiện tại nhà, không phải tới tận Sở Kế hoạch - Đầu tư chờ bốc số và ngồi chờ hàng giờ để làm thủ tục đăng ký kinh doanh như trước. Chỉ cần một chiếc máy tính và vài lần clik chuột là mọi thủ tục đăng ký kinh doanh của tôi được thực hiện ngay và có kết quả trong ngày. Khi cần hồ sơ, tôi chỉ cần đăng ký thêm dịch vụ trả hồ sơ qua bưu điện là sẽ có nhân viên bưu điện mang hồ sơ tới tận nhà mà không cần mất công đi lên tận Sở để lấy”.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp doanh nghiệp giảm được thời gian đi lại để hoàn thiện hồ sơ đăng ký kinh doanh. |
Sở Kế hoạch và Đầu tư là những đơn vị triển khai dịch vụ công trực tuyến khá hiệu quả. Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở kế hoạch - Đầu tư, nhờ triển khai dịch vụ công đăng ký kinh doanh tại nhà mà lượng hồ sơ nộp vào Sở không còn quá tải như trước và người dân, doanh nghiệp cũng không mất nhiều thời gian chờ đợi. Trước đây nếu số lượng hồ sơ nộp vào phòng đăng ký kinh doanh khoảng 1.300 hồ sơ/ngày thì hiện nay số hồ sơ nộp vào chỉ còn 900 hồ sơ (giảm hơn 30%). Số hồ sơ phải nộp bổ sung cũng giảm từ 30% xuống còn 3% so với tổng hồ sơ nộp vào. Hồ sơ của người dân được giải quyết đúng hẹn luôn đạt hơn 96%.
Có thể nói, việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến đã góp phần giúp Thành phố thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho người dân. Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đã tăng từ 65% lên 98%. Thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm từ 537 giờ xuống còn 167 giờ/năm. Hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa đã giảm thời gian thông quan hàng hóa bình quân từ 21 ngày xuống 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm được 10-20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp…
Tránh tệ nạn quan liêu
Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố cho biết, việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến giúp cơ quan quản lý giảm tải được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn. Trong khi đó, người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các thủ tục hành chính. Đặc biệt là tránh được tệ nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà… từ những cán bộ công quyền.
Khó khăn hiện nay trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến là tình trạng nghẽn mạng, các thao tác thực hiện văn bản trực tuyến còn phức tạp khiến người dân vẫn chưa “mặn mà”. Nguyên nhân của tình trạng này là do một bộ phận cư dân là người lao động nông thôn, vùng sâu vùng xa không có máy vi tính, không biết sử dụng Internet. Ngoài ra, tại các quận huyện ngoại thành, vùng ven, hệ thống mạng đôi khi còn gặp trục trặc khi truyền tải dữ liệu cho nên việc đăng ký hay cập nhật cũng khó khăn. Đó là chưa kể đến tâm lý lo ngại về mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cho nên nhiều người vẫn lựa chọn cách truyền thống là đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện các thủ tục hành chính công.
Để giải quyết những khó khăn trên, ông Trương Văn Lắm cho rằng, với mục tiêu không ngừng hoàn thiện và cung cấp mới các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là dịch vụ trực tuyến mức độ cao để người dân, doanh nghiệp và tổ chức dễ dàng tiếp cận và sử dụng nhiều hơn. Từ nay đến cuối năm, các cơ quan hành chính tại TP cần tiếp tục nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin. Tập trung tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ 1, 2, 3, 4 tới tận từng người dân, doanh nghiệp, để họ hiểu rõ và thực hiện. Thành phố sẽ tiếp tục ban hành các chính sách mới để khuyến khích việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, intentet tại các khu vực quận, huyện ngoại thành để tạo môi trường phát triển các dịch vụ công trực tuyến.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, phát triển dịch vụ công trực tuyến là xu hướng chung trong tiến trình hiện đại hóa quản lý hành chính nhà nước và là một nội dung quan trọng trong công tác cải cách hành chính của thành phố. Nếu áp dụng hiệu quả, dịch vụ công trực tuyến sẽ đem lại sự thuận tiện, minh bạch, hiệu quả trong giao dịch giữa công dân với tổ chức với chính quyền. Tuy nhiên, để dịch vụ công trực tuyến phát triển, các đơn vị cần chú trọng giải pháp đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (công chức, viên chức) thực thi nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Bốn mức độ phát triển của các dịch vụ hành chính công trực tuyến đang được triển khai gồm: Mức độ 1: Cổng thông tin điện tử có đầy đủ thông tin về quy trình thủ tục thực hiện dịch vụ, các giấy tờ cần thiết, các bước tiến hành, thời gian thực hiện, chi phí thực hiện dịch vụ. Mức độ 2: Ngoài thông tin đầy đủ như mức độ 1, cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng tải về các mẫu đơn, hồ sơ để người sử dụng có thể in ra giấy, hoặc điền vào các mẫu đơn. Mức độ 3: Ngoài thông tin đầy đủ như mức độ 1, các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng điền trực tuyến với các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại trực tuyến các mẫu đơn. Hồ sơ sau khi điền xong gởi tới các cơ quan và người thụ lý hồ sơ. Các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng. Mức độ 4: Ngoài thông tin đầy đủ như mức độ 1, các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, gửi trực tuyến hồ sơ và thực hiện các giao dịch qua mạng như ở mức độ 3, việc thanh toán chi phí sẽ được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện. |