Dạy bơi an toàn để phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Ngày 7/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo: Phòng, chống đuối nước trẻ em.

Chú thích ảnh
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ đối với những vấn đề cử tri, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Đồng thời, việc này cũng thực hiện hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, đánh giá quá trình thực hiện các quy định về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế đối với công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế, công tác này còn nhiều khó khăn, thách thức. Trẻ em tử vong do đuối nước tuy đã giảm nhưng tốc độ giảm chậm, trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Điều đó cho thấy, những việc đã và đang thực hiện chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em vẫn chưa đủ.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết: Năm 2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tiến hành khảo sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em", nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan liên quan; phát hiện tồn tại, hạn chế; chỉ ra nguyên nhân; đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Theo kết quả khảo sát, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2020 có 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, tuy đã giảm dần qua các năm nhưng đuối nước luôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên. Tỷ suất tử vong do đuối nước ở trẻ em từ 0-14 tuổi tại Việt Nam cao hơn so với tỷ suất tử vong ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu; thấp hơn các nước thu nhập thấp và cao gần gấp 10 lần các nước phát triển. Tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm khoảng 50% các ca tử vong do tai nạn, thương tích; xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (76,6%), tại gia đình (22,4%), tại trường học (1%). Trong đó, nhóm 0 - 4 tuổi có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất và trẻ em trai cao gấp đôi trẻ em gái. Trẻ em ở khu vực nông thôn có nguy cơ bị đuối nước cao gấp 2 lần trẻ em ở khu vực thành thị và 55% trẻ em tử vong do đuối nước thuộc các hộ gia đình nghèo ở nông thôn.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, công tác phòng, chống đuối nước trẻ em còn nhiều tồn tại, hạn chế. Một số văn bản pháp luật chưa có quy định riêng về công tác này. Việc dạy bơi cho trẻ em các địa phương, đặc biệt dạy bơi trong các trường học còn gặp nhiều khó khăn. Công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em chưa được các cấp thực hiện thường xuyên, kịp thời; chưa gắn kết và huy động được sức mạnh, sự tham gia của người dân trong cộng đồng; chưa xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm gây tai nạn đuối nước trẻ em...

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương, cơ sở; giới thiệu các kinh nghiệm hay, đề xuất các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, nhất là về bố trí, huy động các nguồn lực thỏa đáng cho công tác này.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế Công cộng, cho tới nay, dạy bơi cho trẻ là biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống đuối nước, từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Do vậy, để phòng, chống đuối nước một cách có hiệu quả, cần triển khai chương trình dạy bơi an toàn và độ bao phủ lớn hơn cho trẻ em Việt Nam. Chính phủ, chính quyền địa phương cần cân nhắc, nghiên cứu áp dụng dạy bơi an toàn cho trẻ; ưu tiên đầu tư, phân bổ kinh phí cho các hoạt động dạy bơi. Có thể nghiên cứu, gắn việc dạy bơi an toàn vào chương trình giáo dục thể chất cho học sinh tại từng khối lớp, bao gồm dạy bơi ban đầu và bổ sung thêm các kỹ năng khi trẻ lớn theo từng độ tuổi.

Trưởng ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Lê Hải Long cho biết, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trang bị kỹ năng trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em thông qua các hình thức như: truyền thông trên báo, đài, truyền hình, tờ rơi, poster, hệ thống các bảng tin, infographic..; đẩy mạnh tuyên truyền đến từng đối tượng trẻ em, phụ huynh và cán bộ phụ trách công tác thiếu nhi tại các địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo nâng cao chất lượng tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao nhi đồng, sinh hoạt chi đội, liên đội, giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo theo hướng tăng cường các nội dung tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích trẻ em với các hình thức phong phú, đa dạng.

Các đại biểu cho rằng, phòng, chống đuối nước trẻ em cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và triển khai đồng bộ. Các chương trình, kế hoạch đề ra phải lượng hóa được các chỉ tiêu phấn đấu và phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các bên liên quan. Công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện cần được coi trọng; thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả các mô hình thí điểm, phát hiện những mô hình hiệu quả, những cách làm hay của các ngành, địa phương, cơ sở và có phương án giới thiệu, nhân rộng.

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa mong muốn các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện tốt những quy định pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em, trong đó có phòng, chống đuối nước. Cụ thể là Luật Trẻ em 2016, Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030… "Hành động phải cụ thể, thiết thực. Những giải pháp đưa ra phải được cụ thể hóa bằng kế hoạch hàng năm, ở từng việc làm, ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương", bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về các lĩnh vực liên quan đến công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em tiếp thu các kiến nghị trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; từ đó cụ thể hóa bằng hành động.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cần tham mưu lãnh đạo địa phương để thu hút, bố trí nguồn lực để công tác phòng, chống đuối nước trẻ em được thực hiện đồng bộ, lâu dài.

Phan Phương (TTXVN)
Đà Nẵng: Tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em
Đà Nẵng: Tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em

Sáng 12/7, Thành Đoàn, Hội đồng Đội thành phố Đà Nẵng phối hợp với Cung thiếu nhi và trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng khai mạc lớp tập huấn bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em và các lớp dạy bơi miễn phí cho thanh thiếu nhi trên địa bàn thành phố năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN