Vẫn lơ là vê quy trình an toàn lao động
Ngay trong tháng 4, liên tiếp xảy ra một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trên cả nước. Vào ngày 3/4/2024, vụ cháy khí metan trong hầm lò ở Quảng Ninh đã làm 4 công nhân tử vong. Tiếp đó, ngày 9/4, vụ nổ tại cụm công nghiệp Phú Lâm, tỉnh Bắc Ninh làm 1 người chết, 2 người bị thương.
Gần đây nhất là vụ tai nạn lao động, tại Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm chết 7 công nhân và 3 người bị thương. Hiện, cơ quan công an đang vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ việc và đã khởi tố, bắt tạm giam 1 nhân viên cân băng liệu tại công ty này.
Theo lời kể của anh Nông Văn Tuấn (29 tuổi), công nhân bị thương trong vụ tai nạn lao động này, nhóm của anh Tuấn đang tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng dây chuyền đã được 15 ngày. Ngày 22/4, sau giờ ăn trưa, các anh bắt đầu thực hiện công việc. Kíp 3 công nhân của anh Tuấn làm công việc sửa chữa bên ngoài máy nghiền, còn 7 công nhân vào bên trong máy nghiền (hình trụ dài 7m, cao 5m) để thay các tấm lát bị mòn. Công việc không đòi hỏi kỹ thuật cao, chủ yếu cần người bên ngoài phối hợp bên trong bắt vít cố định tấm lát. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, quá trình bảo dưỡng máy nghiền diễn ra bình thường. Nhưng sau đó khoảng 30 phút, máy nghiền đang dừng hoạt động bỗng quay mạnh, hất văng 3 người ở bên ngoài xuống đất và làm tử vong 7 người ở bên trong máy nghiền.
TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) phân tích: Qua vụ việc này có thể thấy rằng, công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cần phải được kiểm tra, làm rõ. Yếu tố lỗi do con người cần được xem xét từ chủ doanh nghiệp đến đơn vị huấn luyện, người lao động...
Đồng quan điểm này, TS Đặng Xuân Trọng, chuyên gia về kiểm định và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho rằng: Các cơ quan chức năng cần tổ chức điều tra, phân tích diễn biến, nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức hoặc cá nhân (nếu có) trong việc tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị xảy ra tai nạn, nhanh chóng ổn định tình hình sản xuất, tâm lý của người lao động. Đặc biệt, sau vụ việc này cần rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra các sự cố tương tự ở các cơ sở lao động.
“Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật An toàn vệ sinh lao động, các nghị định, thông tư… cơ bản đầy đủ, đồng bộ. Tuy nhiên, để áp dụng trong đời sống, quy định pháp luật này là cả khoảng cách. Hàng năm, Nhà nước có phát động Tháng Hành động an toàn, vệ sinh lao động gắn với Tháng Công nhân để nâng cao nhận thức nhưng các doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm, chú trọng trong công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động. Việc huấn luyện còn hình thức, chưa sát với thực tiễn, chưa tập trung vào người lao động, công việc họ làm, kỹ năng xử lý, thao tác đúng, quy trình, biện pháp làm việc an toàn cụ thể”, TS Đặng Xuân Trọng nhận định.
Nâng cao nhận thức, kiểm soát, phòng ngừa
Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá, hiện nay, công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn những tồn tại. Số vụ tai nạn lao động có giảm nhưng số vụ nghiêm trọng vẫn ở mức cao. Diễn biến tình hình tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng về số vụ, số người bị nạn.
Lý giải nguyên nhân số vụ lao động nghiêm trọng ở mức cao, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực.
Do đó, về giải pháp, việc nâng cao nhận thức để phòng ngừa vẫn là chủ đạo, đặc biệt là tăng cường tuyên truyền phòng ngừa, hỗ trợ tập huấn từ Quỹ Bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hướng đến nhóm đối tượng lao động tự do.
Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.
Ngày 19/3/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới, nêu rõ: Phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỷ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.
Triển khai thực hiện Chỉ thị 31-CT/TW, Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 cùng với Tháng Công nhân đã được xác định Chủ đề: “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.
“Lý do năm nay chọn chủ đề này là công nhân, lao động thường xuyên tiếp xúc với các máy móc, thiết bị theo chuỗi nên môi trường làm việc cần được tăng cường, cải thiện, đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động. Đây là yếu tố liên quan đến sức khỏe, tính mạng của họ”, Cục trưởng Cục An toàn lao động nhấn mạnh.