Đào tạo lao động chất lượng cao ở 'thủ phủ' công nghiệp Đồng Nai - Bài 2: Những mô hình đào tạo hiệu quả

Với việc chú trọng nâng cao kỹ năng, cập nhật các kiến thức mới bên cạnh những kiến thức nền tảng, tập trung đào tạo những nghề mà thị trường lao động đã và sẽ có nhu cầu, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo từ trung cấp cho đến cao đẳng, đại học tại Đồng Nai đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động không chỉ cho các địa phương cùng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn góp phần phát triển nguồn nhân lực của cả nước theo hướng đảm bảo chất lượng quốc tế, tham gia thị trường lao động toàn cầu.

Chú thích ảnh
 Sinh viên Khoa cơ, điện, điện tử, Trường Đại học Lạc Hồng, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) nghiên cứu chương trình máy tính điều khiển động cơ xe ô tô. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Chú trọng kỹ năng thực hành, sáng tạo

Trường Đại học Lạc Hồng đóng trên địa bàn thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) là một trong những cơ sở giáo dục nhiều năm qua đã đặc biệt chú trọng giảng dạy, cập nhật cho sinh viên những kỹ năng mang tính thực hành, ứng dụng, sáng tạo, cung ứng nhân lực chất lượng cao cho nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía Nam cũng như ngay tại tỉnh công nghiệp Đồng Nai.

Tiến sỹ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết: Đến nay, trường đã có khoảng 40.000 sinh viên tốt nghiệp, đang làm việc trong các khu công nghiệp của Đồng Nai cũng như các tỉnh thành lân cận và trong cả nước. Đứng chân ở địa phương có hoạt động sản xuất công nghiệp rất sôi động, nhà trường xác định thế mạnh là đào tạo các nhóm ngành thuộc khối kỹ thuật. Vì vậy, trường coi trọng việc trang bị cho sinh viên kỹ năng thực hành bên cạnh nền tảng lý thuyết vững với phương châm không để nhà tuyển dụng “chê” là thiếu kỹ năng thực hành.

Hàng năm nhà trường đều tổ chức các cuộc họp với cựu sinh viên và đại diện các doanh nghiệp để đóng góp ý kiến về chương trình đào tạo, về các quy định chuẩn “đầu ra” và các kỹ năng mà các bạn sinh viên cần phải có trong thời gian đi thực tập. Các ý kiến đóng góp đều được hội đồng khoa học của từng khoa phân tích và sắp xếp đưa vào cập nhật trong chương trình đào tạo. Trường cũng thường xuyên gửi sinh viên vào các doanh nghiệp để thực tập, trong đó riêng các sinh viên năm cuối sẽ vào các nhà máy, công ty để thực tập trong khoảng nửa năm, làm việc như một lao động thực thụ trong doanh nghiệp. Kỳ thực tập với sinh viên không chỉ là đi lấy số liệu, không phải là “cưỡi ngựa xem hoa” mà nhà trường luôn lưu ý và  phối hợp với doanh nghiệp có những chế độ khuyến khích, tạo điều kiện để những sinh viên có năng lực được doanh  nghiệp trả lương ngay trong thời gian thực tập. Thống kê của nhà trường cho thấy có nhiều ngành do trường đào tạo tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt tỷ lệ lên đến 100%.

Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Vũ Quỳnh, tất cả các ngành đào tạo của nhà trường đều có sân chơi khoa học, tạo thuận lợi cho sinh viên phát huy các kỹ năng mang tính ứng dụng, sáng tạo liên quan đến ngành nghề được đào tạo. Các đội tuyển của sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng đã 9 năm đại diện cho Việt Nam đi thi đấu tại Giải vô địch Sáng tạo Robot Châu Á - Thái Bình Dương, 5 năm đại diện cho các đội tuyển trong nước tham dự "Cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á" và giành vị trí vô địch ở thể loại xe mô hình đô thị. Đây là những ví dụ cho thấy trường đặc biệt coi trọng việc trang bị và tạo điều kiện để sinh viên được thực hành, sáng tạo ở từng ngành nghề được đào tạo, qua đó giúp các em hình thành và rèn luyện tư duy, kỹ năng thao tác, thiết kế, vận hành đối với nhiều loại máy móc sau khi ra trường, làm việc trong các nhà máy.

Ngay tại phòng thực hành mô hình động cơ phun xăng điện tử kết hợp số tự động dành cho sinh viên chuyên ngành ô tô, em Nguyễn Hồng Phúc - sinh viên năm thứ tư ngành ô tô - Khoa Cơ điện - Điện tử (trường Đại học Lạc Hồng) chia sẻ: Học chuyên ngành này tại trường Đại học Lạc Hồng, em đã được các thầy cô tạo điều kiện cho tham dự rất nhiều cuộc thi, sân chơi sáng tạo như tham gia cuộc thi thiết kế xe tiết kiệm nhiên liệu; tham quan, thực tập tại Công ty Toyota ở thành phố Biên Hòa, nên những thao tác kỹ thuật liên quan đến chuyên ngành ô tô em đã nắm khá vững. Em có định hướng sau khi tốt nghiệp sẽ vào làm việc tại bộ phận kỹ thuật của Công ty Toyota ở Biên Hòa.

Đào tạo nghề trọng điểm theo chuẩn quốc tế

Cũng là một trường đóng tại Đồng Nai, trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai là một trong những trường nghề được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chọn tham gia thực hiện Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận với chuẩn chất lượng của khu vực ASEAN và thế giới. Đến thời điểm này, trường đã có đủ khả năng đào tạo 9 ngành nghề đào tạo đạt chuẩn trình độ theo tiêu chuẩn của các nước như Đức, Pháp, ở các nghề như: Điện tử công nghiệp, cơ điện tử, chế tạo thiết bị cơ khí, cơ khí xây dựng, lắp đặt thiết bị cơ khí, cắt gọt kim loại, công nghệ hàn…

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, Thạc sỹ Nguyễn Khánh Cường cho biết: Đồng Nai có nhiều lợi thế về về phát triển công nghiệp, dịch vụ. Do đó, nhu cầu tuyển dụng các lao động, nhất là lao động lành nghề trong các ngành kỹ thuật của doanh nghiệp rất lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập, nhiều dự án lớn sẽ được triển khai trên địa bàn. Điều này vừa là thuận lợi đáng kể song cũng là yêu cầu đặt ra để trường phải liên tục  đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo với mục tiêu cung ứng cho thị trường lao động những lao động chất lượng cao, có thể làm việc ở bất cứ nơi nào trên thế giới trên cơ sở trình độ, kỹ năng nghề và khả năng sử dụng ngoại ngữ… mà các em được đào tạo tại trường.

Tại Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, doanh nghiệp tham gia vào Ban tư vấn nghề nghiệp, xây dựng điều chỉnh các chương trình để phù hợp hơn với nhu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên được học trên các thiết bị thực hành của trường và trên các thiết bị trong các nhà xưởng, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Hiện nay, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã được trao chứng nhận Tổ chức thực hiện kỳ thi tốt nghiệp tương đương tiêu chuẩn Đức, có đủ điều kiện tự tổ chức kỳ thi và cấp bằng nghề theo tiêu chuẩn Đức. Mỗi năm, trường có khoảng 900 sinh viên tốt nghiệp, bước vào thị trường lao động. Tỷ lệ sinh viên có việc làm gần như đạt 100%, nhất là đối với các sinh viên học các nghề theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bài cuối: Tháo gỡ khó khăn

Thanh Trà - Minh Hưng - Lê Xuân - Hồng Nhung (TTXVN)
Đào tạo lao động chất lượng cao ở 'thủ phủ' công nghiệp Đồng Nai - Bài 1: Phát huy thế mạnh nguồn lao động
Đào tạo lao động chất lượng cao ở 'thủ phủ' công nghiệp Đồng Nai - Bài 1: Phát huy thế mạnh nguồn lao động

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đạt chất lượng cao thể hiện qua trình độ tay nghề, kỹ năng lao động, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng là một trong những “bí quyết” để trong những năm gần đây tỉnh Đồng Nai luôn nằm trong nhóm các địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp trong cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN