Đăng ký xe máy điện: Bài 2 - Người gấp rút, kẻ hững hờ

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, từ năm 2010 - 2015, tổng số lượng xe máy điện sản xuất, lắp ráp trong nước là 16.722 chiếc, số nhập khẩu chỉ 2.091 chiếc.

Hầu hết các cơ sở bán xe máy điện đều không có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của xe.
Trong đó, tổng số lượng xe máy điện kinh doanh (gồm kinh doanh thương mại và hộ kinh doanh) là 20.381 chiếc. Nhìn vào số lượng xe máy điện thực tế đang lưu hành, có thể thấy, con số nhập khẩu chính ngạch và lắp ráp quá nhỏ. Điều này lý giải hiện tượng vì sao hầu hết các cơ sở bán xe máy điện đều không có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của xe.
 
Thông tư 54/2015/TT-BCA ra đời với những quy định “cởi trói” cho xe không có nguồn gốc hợp pháp được đăng ký trước ngày 1/7/2016 đã tạo thuận lợi hết mức cho người dân, trước khi việc đăng ký xe máy điện thực hiện theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định về đăng ký xe. Thế nhưng, không phải người dân nào cũng chú ý nắm bắt và tận dụng cơ hội đó.
 
Giai đoạn “nước rút”
 
Theo nhận định của cơ quan chức năng, khi Thông tư 54 mới có hiệu lực, do tâm lý chủ quan, thấy thời gian miễn phí đăng ký xe còn dài và chưa bị xử phạt nên lượng người đi đăng ký xe máy điện chưa đông. Nhưng càng gần đến thời điểm “nước rút”, số lượng xe được đăng ký càng tăng. Con số đăng ký xe máy điện tại Hải Phòng là một ví dụ.
 
Tính đến hết tháng 3/2016, thành phố này mới thực hiện cấp đăng ký cho trên 13.000 xe máy điện nhưng đến giữa tháng 4/2016 đã tăng lên trên 16.800 xe và chỉ hơn một tháng sau, con số này đã lên đến trên 24.800 xe. Theo ước tính của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an thành phố Hải Phòng, trên địa bàn có khoảng 30.000 xe máy điện và như vậy, Hải Phòng sắp “cán đích” trong việc đăng ký cho phương tiện này.
 
Tuy nhiên, có một thực tế là không phải địa phương nào cũng làm nhanh, mạnh như Hải Phòng. Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng đăng ký xe máy điện nhưng so với số lượng xe máy điện đang lưu hành hiện nay, con số đã được đăng ký vẫn không thấm tháp là bao.
 
Thiếu tá Ngô Trọng Quyết, Đội phó Đội cảnh sát giao thông - Trật tự - Phản ứng nhanh (Công an quận Long Biên) cho biết: Mặc dù Đội đã tổ chức tuyên truyền phổ biến đến nhân dân có xe máy điện chưa đăng ký, còn thiếu thủ tục giấy tờ nhanh chóng đến Công an quận Long Biên để được đăng ký tiếp. Người dân đã nắm được tinh thần từ 1/7/2016, đăng ký xe máy điện sẽ thu lệ phí trước bạ, lệ phí biển và số lượng người đến đăng ký xe trong các tháng gần đây đã tăng lên nhưng vẫn chưa nhiều. Hiện trên địa bàn quận mới đăng ký được khoảng 1.000 xe máy điện. Trong khi đó, theo điều tra cơ bản, trên địa bàn còn khoảng 3.000 - 3.500 xe nghĩa là mới có khoảng 1/4 số xe được đăng ký.
 
Hòa Bình cũng là địa phương được Cục Cảnh sát giao thông đánh giá có số lượng đăng ký xe máy điện cao, với số lượng xe đã đăng ký tính đến thời điểm 18/5 là 3.500 xe. Song, Thượng tá Bùi Mạnh Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hòa Bình cho hay: Bên cạnh các điểm có số lượng đăng ký lớn, tại một số địa bàn như Công an huyện Mai Châu, Công an huyện Đà Bắc…, kết quả đăng ký chưa cao so với thực tế.
 
Tuy đã làm tốt công tác tuyên truyền và tiếp nhận giải quyết đăng ký xe máy điện nhưng hiện vẫn còn một số lượng xe không nhỏ chưa đến đăng ký, cấp biển số theo đúng quy định. Có thể thấy rõ điều này khi khảo sát trên các tuyến đường tại thành phố Hòa Bình và các thị trấn trong tỉnh. Lý giải của Thượng tá Bùi Mạnh Thắng, có nhiều nguyên nhân, song, nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ phía chủ quan của các chủ phương tiện như: Xe được sử dụng thường xuyên và những nguyên nhân khác mà chủ xe chưa thể mang xe đến để đăng ký, nhất là xe do học sinh, sinh viên sử dụng (học sinh đi học từ thứ 2 đến thứ 7).
 
Bên cạnh một số địa phương có số lượng xe máy điện đăng ký cao như Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, cũng còn không ít địa phương số lượng xe máy điện đăng ký quá thấp, điển hình là Đà Nẵng 1.100 xe, Thành phố Hồ Chí Minh gần 500 xe.
 
Tạo thuận lợi cho người dân
 
Gỡ vướng và khó cho nhân dân trong việc đăng ký xe máy điện cũng đồng nghĩa với việc cảnh sát giao thông nhận phần khó về mình. Dưới cái nắng hè 33 - 34 độ C, phải làm việc dưới gầm cầu, đây là nỗi vất vả của cán bộ Tổ đăng ký xe Công an quận Hoàn Kiếm.
 
Theo Trung tá Đào Văn Xuyến, Tổ trưởng, khu vực làm việc chật hẹp, lượng người đăng ký đông lại không có chỗ dành cho kiểm tra xe nên cán bộ của Tổ phải làm nhiệm vụ kiểm tra xe dưới gầm cầu Chương Dương, cách Tổ trên 100m. Song, việc đăng ký xe máy điện không chỉ đơn thuần là kiểm tra số khung, số máy, hướng dẫn thủ tục. Khó khăn cơ bản trong công tác đăng ký xe máy điện so với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khác, đó là mô hình đóng số của xe máy điện không đồng nhất, số đóng bị mờ qua quá trình sử dụng, hoen rỉ, thậm chí có xe không có số khung, số máy nên phải thực hiện thao tác đóng số.
 
Bởi, theo quy định, trường hợp xe máy điện chỉ có số máy hoặc số khung, xe không có số máy và số khung, xe có số máy và số khung nhưng bị mờ, hoen rỉ sẽ phải đóng số máy (nếu đóng được), số khung theo số biển số xe. Cơ quan đăng ký xe phải thực hiện việc đóng số máy, số khung và không thu lệ phí. Công việc phát sinh thêm, chi phí phát sinh thêm, mỗi tuần vài trường hợp nhưng không ai nề hà.
 
Với những xe không có số khung, số máy, để nhập được dữ liệu vào máy tính, Tổ đăng ký xe Công an quận Hoàn Kiếm phải cấp tạm số khung, số máy để tiến hành đăng ký và cấp biển số. Sau khi xe có biển số, Tổ phải đề xuất lên cấp trên đóng số theo biển số đó để quản lý, mời nhân dân đem xe đến để đóng số và thực hiện theo đúng quy trình - Trung tá Đào Văn Xuyến cho hay.
 
Như vậy, với mỗi chiếc xe phải đóng số khung, số máy là một lần Tổ đăng ký xe phải đề xuất với Công an quận và người dân cũng phải thêm một lần đi lại. Giải đáp băn khoăn của chúng tôi về việc tạo thuận lợi cho người dân, khi nhận được biển số xe cũng được đóng số khung, số máy ngay, Trung tá Đào Văn Xuyến bày tỏ “nếu quy trình thông tư hướng dẫn cho phép cũng là điều kiện thuận lợi cho chúng tôi, nhưng không cho phép thì vẫn phải tiến hành”.

Khác với cách làm của Hà Nội, tại Hải Phòng, người dân mang xe đến làm thủ tục đăng ký, nhận biển số và xe được đục số khung, số máy ngay sau đó. Thiếu tá Lê Đức Hiệp, Phó Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an thành phố Hải Phòng cho biết: Hải Phòng hiện có 11 điểm đăng ký xe máy điện, có lúc cao điểm, 2 cán bộ phải đóng tới 204 số khung, số máy cho các phương tiện. Có những ngày người dân đến xếp hàng đăng ký cho phương tiện từ gần 6h sáng. Để tạo điều kiện cho người dân được đăng ký xe máy điện, cán bộ của phòng phải làm tăng cường cả giờ nghỉ buổi trưa.
 
Thời điểm 30/6 đang cận kề, những cơ chế mở của Thông tư 54 sẽ khép lại kể từ ngày 1/7. Chủ tài sản làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng xe máy điện khi đó sẽ phải đến cơ quan thuế làm thủ tục kê khai lệ phí trước bạ, biển số và nộp lệ phí trước bạ, biển số theo quy định. Cơ quan chức năng khuyến nghị người dân sớm đến làm thủ tục đăng ký xe máy điện để được hưởng chính sách miễn lệ phí trước bạ và cấp biển số cũng như được tạo thuận lợi về thủ tục đăng ký xe.
Chu Thanh Vân (TTXVN)
Đăng ký xe máy điện: Bài 1 - Đảm bảo quyền lợi của người dân
Đăng ký xe máy điện: Bài 1 - Đảm bảo quyền lợi của người dân

Qua hơn 5 tháng kể từ khi Thông tư 54/2015/TT-BCA quy định về đăng ký xe có hiệu lực, đến nay cả nước có gần 235.500 nghìn xe máy điện đã được cấp đăng ký.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN