Quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được đảm bảo
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn theo sát diễn biến thực tế, kịp thời triển khai các giải pháp linh hoạt nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia và an toàn phòng chống dịch COVID-19, như: đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chi trả gộp 2 tháng lương hưu, chi trả lương hưu tại nhà, linh hoạt trong chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Trong năm 2021, ước toàn ngành đã giải quyết khoảng 95.762 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; đảm bảo chi trả kịp thời, an toàn cho khoảng 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; chi trả gần 6,7 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; trên 626 nghìn người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; 118,7 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú.
Những kết quả này cho thấy quyết tâm chính trị của toàn ngành trong việc đảm bảo quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách; theo đó, quyền lợi an sinh của người dân tiếp tục được quan tâm đảm bảo tốt hơn trong đại dịch, góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin vững chắc của người dân đối với các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta.
Trăn trở trước những khó khăn kéo dài do đại dịch, với vai trò là cơ quan thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chủ động tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như: Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết số 126/NQ-CP. Đặc biệt là gói hỗ trợ trên 30.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, để triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất gói hỗ trợ đến tận tay người lao động, người sử dụng lao động, ngay sau khi các văn bản trên được ban hành, toàn ngành đã tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ, huy động mọi nguồn lực sẵn có để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; phát huy lợi thế của hệ thống công nghệ thông tin, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian chi trả.
Đối với Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ sau 7 ngày, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; thành lập các Đoàn công tác để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn tại Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía Nam; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 5 ngày xuống còn 1 ngày làm việc. Tính đến ngày 28/12/2021, toàn ngành đã giải quyết cho 846 đơn vị tại 57 tỉnh, thành phố với trên 160,2 nghìn lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.113,7 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho hơn 3 triệu người lao động của 70.804 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách.
Đối với Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ sau 5 ngày, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc thông báo điều chỉnh mức đóng (giảm từ 1% xuống 0%) vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền khoảng 7.595 tỷ đồng. Hiện đã có hơn 12,94 triệu lao động được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền khoảng 30,73 nghìn tỷ đồng.
Việc chi trả nhanh, gọn, dứt điểm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đúng lúc người lao động, người sử dụng lao động đang gặp khó khăn đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống người lao động, nhất là những lúc khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
“Các gói hỗ trợ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đã kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với người lao động và đơn vị sử dụng lao động đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đồng thời, thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo hài hòa nguyên tắc chia sẻ, nguyên tắc đóng - hưởng được kết hợp với nguyên tắc công bằng”, ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay.
Giữ vững tốc độ tăng trưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Trong triển khai các chính sách, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã liên tục có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt trong toàn hệ thống; đặc biệt nêu cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động với phương châm lấy người dân, người lao động, người sử dụng lao động làm trung tâm phục vụ; đồng thời cắt giảm tối đa thời gian giải quyết hồ sơ, có những thủ tục cắt giảm từ 5 ngày xuống còn không quá 1 ngày làm việc… để chính sách hỗ trợ đến được với người lao động, người sử dụng lao động một cách sớm nhất, hiệu quả nhất. Việc ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho người lao động, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, đẩy lùi dịch COVID-19, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Tại buổi làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, năm 2021, toàn ngành đã bám sát chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đặc biệt đã phối hợp trình cấp có thẩm quyền ban hành và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thủ tướng đánh giá cao Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tích cực triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đạt được nhiều mục tiêu đề ra; độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, trong đó người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, bảo hiểm y tế cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân.
Tính đến hết năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội hơn 16,5 triệu người, tăng 2,1% so với năm 2020, đạt 33,75% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so với năm 2020, đạt 27,33% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 88,8 triệu người, tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.
Đáng chú ý là số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh, là một trong những điểm sáng của ngành, được các đại biểu Quốc hội khóa XV ghi nhận, đánh giá cao. Trong năm 2021, có hơn 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,94% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (năm 2021 là 1%).
Việc giữ vững tốc độ tăng trưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện trong điều kiện khó khăn chung cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, đã tích cực, chủ động, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp với các địa bàn, khu vực tương ứng với từng cấp độ dịch; đổi mới nội dung, hình thức truyền thông vận động người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thích ứng linh hoạt trong bối cảnh dịch COVID-19.