Đại tá Nguyễn Trọng Hàm kể về Hà Nội những ngày toàn quốc kháng chiến

Nhân kỷ niệm 70 năm toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2016), nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô - Đại tá Nguyễn Trọng Hàm đã chia sẻ cảm xúc về những ngày Hà Nội sục sôi khí thế “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".

Năm nay đã 95 tuổi, nhưng Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) vẫn còn rất minh mẫn. Ký ức về 60 ngày đêm (19/12/1946-17/2/1947) Hà Nội sục sôi khí thế “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của 70 năm trước vẫn còn in đậm trong tâm trí người chiến sỹ Thủ đô năm xưa.

 “Sống chết với Thủ đô”

Trong căn nhà nằm trên con ngõ nhỏ đường Hồng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm say sưa kể lại những trận chiến đấu, chiến thuật tấn công quân Pháp của Trung đoàn Thủ đô chiến đấu tại Liên khu I (trung tâm thành phố Hà Nội) trong điều kiện không tương quan về lực lượng, vũ khí. 

Năm 1946 thực dân Pháp phản lại Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946, sau khi đổ bộ trái phép lên Đà Nẵng, Đồ Sơn, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn; tiến hành gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội. Chuẩn bị chiến đấu, quân và dân Hà Nội trả lời đanh thép bằng khẩu hiệu “Sống chết với Thủ đô” giăng khắp các đường phố, giữ trọn ý chí quyết tâm giữ vững độc lập. Sáng 19/12/1946, cuộc họp nhận chỉ thị của Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội đối với cán bộ Tự vệ trở thành lễ tuyên thệ “Thề quyết tử bảo vệ Thủ đô”.

Đại đoàn quân ta từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. Nguồn: TTXVN

Để bảo vệ thành quả cách mạng, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tiếp có những chủ trương thích hợp đối phó với thù trong giặc ngoài, đặc biệt là quân Pháp. Tuy nhiên, âm mưu xâm lược nước ta của thực dân Pháp ngày càng lộ rõ. Nguy cơ của một cuộc chiến tranh với Pháp là khó tránh khỏi.

Để chủ động đối phó với địch, Bộ Tổng chỉ huy đã xây dựng kế hoạch tác chiến quy mô cả nước; trong đó mặt trận Hà Nội được coi là chiến trường chính trong trận tổng giao chiến đầu tiên. Hà Nội cần giam chân địch một thời gian, càng lâu càng tốt tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang chiến tranh…

“20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946, đèn điện Hà Nội phụt tắt. Đại bác từ pháo đài Láng gầm lên, bắn những phát đầu tiên vào quân địch tập trung trong thành cổ. Thủ đô Hà Nội rền vang tiếng súng, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Công nhân phá nhà máy điện Yên Phụ, cả thành phố chìm trong bóng tối. Cột điện, cây cối đổ rầm rầm. Tiếng cuốc đào đường, tiếng xe bò chở đất, cát, gạch đắp ụ hối hả. Xe điện bị lật nhào ở các ngã ba, ngã tư thành phố, bàn ghế, sập gụ, tủ chè, hòm xiểng được đưa ra làm chướng ngại vật… thể hiện tấm lòng người dân Thủ đô với kháng chiến. 

Cả Hà Nội bắt đầu cuộc toàn quốc kháng chiến tình nguyện kiên định. Sau các vụ súng, dưới giao thông hào các chiến sỹ đọc cho nhau nghe Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vững thêm chí khí giết giặc, cứu nước. Bất kỳ chỗ nào, giặc Pháp cũng vấp phải sức chiến đấu quyết liệt của quân và dân Hà Nội. Ở Bắc Bộ Phủ, chiến sỹ của ta vừa chặn giặc vừa hát bài “Diệt Phát Xít”. Chính trị viên Lê Gia Đỉnh anh dũng chiến đấu đến cuối cùng và đã hy sinh. 20 công nhân bưu điện kiên cường chiến đấu hy sinh tới người cuối cùng giữ nhà Bưu điện Bờ Hồ. Rất nhiều gương anh dũng như thế khắp mặt trận Hà Nội…” - Đại tá Hàm nhớ lại.

Tự hào là người chiến sỹ bảo vệ Thủ đô, Đại tá Hàm kể: Hồi ấy, trong chiến đấu, quân dân Thủ đô đã phát huy nhiều sáng kiến giết giặc. Các đường phố chính địch cơ động, đều được ta bố trí mìn thật xen kẽ mìn giả để nghi binh, diệt địch, ngăn chặn bước tiến của chúng. Trên các hướng tiến công của địch nơi nào cũng xuất hiện các tổ bắn tỉa của ta. Ta đã biến các lỗ tường nối liền xuyên qua từng nhà dọc và các dãy phố thành “trận đồ bát quái” đánh địch. 

Cùng với đó, mỗi người dân là một người lính; mỗi nhà dân là một pháo đài; mỗi khu phố là một chiến tuyến. Đội quyết tử quân đâm bom ba càng của ta luôn túc trực trên các đường cơ giới địch và sẵn sàng lao đâm vào xe tăng, bọc thép của địch. Các công nhân, thanh niên, học sinh, viên chức, tiểu thương… đều trở thành lực lượng tự vệ cùng nhân dân các đường phố hăng hái, sôi nổi và sẵn sàng chiến đấu. Đường giao thông từ Hà Nội đi các nơi bị triệt phá, giữa các căn cứ đóng trong nội thành cũng bị tê liệt.

Lực lượng của ta ở Liên khu I lúc đó có 2 Đại đội Vệ quốc đoàn, 1 Trung đội Tự vệ chiến đấu, hơn 2.000 thanh niên nam nữ Tự vệ và Công an xung phong… Từ đêm 23/12, các lực lượng vũ trang chiến đấu trong Liên khu I kiên quyết bám trụ, kìm chân địch ở trung tâm thành phố. Địa bàn Liên khu I có nhà máy điện, nhà máy nước, đầu mối giao thông nối với sân bay Gia Lâm, tập trung các cơ quan chủ yếu của lãnh đạo và chính quyền cách mạng, được xác định là khu vực trọng yếu. 

Địa hình phức tạp, đường phố hẹp nhiều ngõ ngách sâu, nhà cửa nông sâu, cao thấp tạo thành khối kiến trúc liên kết thuận lợi cho chiến thuật phòng ngự và đánh du kích trong thành phố, nên địa bàn này trở thành “chốt thép” thu hút các lực lượng và giữ chân địch. Ta và địch giằng co nhau từng căn nhà, góc phố, đối diện nhau ngay trên hai dãy số chẵn, số lẻ đường phố… Sau 10 ngày chiến đấu, ta đã giành quyền kiểm soát nhiều tuyến đường, phố. Trận địa bám trụ của Liên khu I được tiếp tục củng cố và ngày càng vững chắc, tạo thêm khó khăn cho địch.

Tuy nhiên, tại thời điểm này để thống nhất lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang, ngày 6/1/1947, Trung đoàn Liên khu I được thành lập. Đây là Trung đoàn đầu tiên ở Thủ đô được thành lập trong lửa đạn của cuộc kháng chiến. Trận địa Liên khu I với những đường phố, ngõ ngách chật hẹp; với các ngôi nhà cao thấp, sâu nông xen nhau đã kết thành một khối, tạo thành trận địa phòng ngự kiên cố. Trận địa này tuy địch bao vây tứ phía, nhưng ta không bị cô lập. 

Để tiết kiệm đạn dược của ta và tiêu hao đạn dược của địch trong các trận nghi binh, quấy rối địch, các chiến sỹ đã dùng pháo ném, pháo đùng thay tiếng nổ lựu đạn. Mỗi lần như thế địch bắn trọng liên như đổ đạn nhưng chẳng sát thương được chiến sỹ của ta. Qua những trận đánh nhỏ, các chiến sỹ của ta được thử thách, gan dạ, đoàn kết gắn bó chiến đấu. Lực lượng của ta được bảo toàn. Một bộ phận lực lượng địch đã bị ghìm chân.

Đại tá Hàm bộc bạch: "Trải qua hơn 1 tháng với biết bao gian nan, thiếu thốn, hiểm nghèo, để chiến đấu giam chân địch giữa lòng Thủ đô, ngày 27/1/1947, Trung đoàn Liên khu I đã được Bác Hồ gửi thư động viên. Chúng tôi vô cùng xúc động, vui mừng phấn khởi khi được Bác Hồ gọi là “các em”. Điều này nói lên lòng thương yêu quý mến sâu sắc của Bác Hồ đối với các chiến sỹ. Lời thư Bác Hồ viết: Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Bức thư của Bác đã đem lại cho các chiến sỹ, cán bộ Trung đoàn chúng tôi nhiều tình cảm, suy nghĩ và nghị lực mới".

Cuộc lui quân “thần kỳ”

Một kỷ niệm nữa trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội mà đến nay Đại tá Nguyễn Trọng Hàm vẫn còn nhớ mãi, đó là cuộc rút lui khỏi nội thành Hà Nội.

Sau Tết Ngyên đán Đinh Hợi, cuộc chiến đấu ở Liên khu I đi vào giai đoạn gay go quyết liệt nhất. Địch đã được tiếp viện thêm lực lượng, vũ khí đạn dược và phương tiện chiến tranh. Những trận đánh dữ dội đã diễn ra tại nhà Sôva (nay là trường Nguyễn Huệ), Trường Ke (nay là trường Trần Nhật Duật). Đây là hai chốt bảo đảm cửa ngõ ra vào liên lạc, tiếp tế giữa Liên khu I với bên ngoài. 

Cuộc chiến đấu mang tính chất sống còn đã diễn ra ác liệt, giằng co, nhưng kết quả ta vẫn giữ được. Sau các đợt tấn công của địch, địa bàn Liên khu I bị thu hẹp. Trong các khu phố quân ta còn giữ, bom đạn địch không ngừng dội vào. Tuy nhiên, các chiến sỹ của ta không rời trận địa và chờ cơ hội phản công đánh chiếm lại nhưng khu vực mới bị mất.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm hồi tưởng lại: Cuộc chiến đang ở giai đoạn quyết liệt, thì ngày 16/2/1947, Hoa kiều nhờ ta giúp đỡ họ về lương thực; đồng thời đề nghị ngừng bắn vào ngày 18/2/1947 để họ rút khỏi Hà Nội. Nhận thấy rằng đây là âm mưu, thủ đoạn của địch muốn thăm dò ta xem còn lương thực chiến đấu kéo dài không? 

Trước tình hình đó, mặc dù số lương thực còn ít nhưng ta vẫn giúp Hoa kiều lương thực. Cùng với đó, ta có hai vấn đề rất nghiêm trọng là số đạn cho mỗi khẩu súng trường chỉ còn vài viên và số lượng lương thực còn lại cho Trung đoàn chỉ ăn được vài ngày. Để bảo toàn lực lượng, bảo đảm phục vụ kháng chiến lâu dài, cấp trên đã ra lệnh cho Trung đoàn chúng tôi rút khỏi Hà Nội. 

Nhận lệnh cấp trên, anh em đều thắc mắc: Bác giao nhiệm vụ quyết tử thì phải giữ Hà Nội đến hơi thở cuối cùng, sao lại rút. Chúng tôi đã phải giải thích, Bác giao nhiệm vụ kìm chân địch chứ không phải là cố thủ, phải bảo toàn lực lượng đã được tôi rèn trong chiến đấu để trường kỳ kháng chiến, lúc đó anh em mới thông. 

Đêm 17/2/1947, nhờ sự yểm trợ của Đội du kích Hồng Hà, toàn Trung đoàn chúng tôi đã vượt vòng vây của địch qua sông Hồng ra khỏi trung tâm Thủ đô an toàn, không thiếu một người, không thiếu một cây súng. Cuộc rút lui đó được gọi là cuộc lui quân "thần kỳ" trong lịch sử chiến đấu chống Pháp. Cuộc rút lui an toàn, Trung đoàn Thủ đô đã được Bác Hồ khen: Các chú giam chân địch một tháng đã là thắng lợi, mà kéo dài hai tháng là đại thắng lợi...

“60 ngày đêm chiến đấu” mở đầu toàn quốc kháng chiến của quân dân Hà Nội kết thúc thắng lợi, góp phần quan trọng bảo vệ cơ quan Trung ương, Chính phủ và các cơ quan của thành phố rút lên Chiến khu an toàn, làm thất bại âm mưu chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp. Cuộc chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí của quân dân Thủ đô Hà Nội là bức tranh hoành tráng khắc họa đậm nét cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện.



Nguyễn Cường (TTXVN)
Tranh cổ động tuyên truyền 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến
Tranh cổ động tuyên truyền 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến

Diễn ra từ nay đến hết ngày 30/11, tại tỉnh Hà Giang, “Triển lãm tranh cổ động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến và Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội”, do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch- VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang tổ chức, được đánh giá như một “cuộc ra quân” của tranh cổ động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN