Cử tri chất vấn việc ô nhiễm sông Cầu kéo dài vẫn chưa được giải quyết hiệu quả

Trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6/11, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình trạng nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của cử tri và nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chất vấn Bộ trưởng về vấn đề này tại một số kỳ họp Quốc hội khóa XIV. Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND tỉnh đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đến Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT).

“Bộ đã có chỉ đạo xem xét, xử lý, đưa ra một số giải pháp song đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục, giải quyết. Đề nghị Bộ trưởng cho biết: Tình hình thực hiện các nội dung đã trả lời công văn và các giải pháp như thế nào? Vì sao qua nhiều năm rồi mà tình trạng này chưa được giải quyết? Theo Bộ trưởng, tình trạng ô nhiễm này có giải quyết được không? Nếu có, Bộ trưởng có những giải pháp căn cơ nào để trong thời gian sớm nhất giải quyết được dứt điểm tình trạng trên?”, Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà chất vấn.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đặng Quốc Khánh cho biết: Ô nhiễm của Sông Cầu có nguyên nhân từ nguồn ô nhiễm thuộc sông Ngũ Huyện Khê (một ngày, sông xả thải 15.000 m3 từ các cụm công nghiệp chưa được xử lý). 

Vừa qua, Bộ TN-MT đã thành lập Tổ giám sát bảo vệ môi trường, giám sát hoạt động của Làng giấy Phong Khê, trong đó lựa chọn 22 cơ sở giám sát trực tiếp. Bộ đã đôn đốc tỉnh Bắc Ninh phối hợp tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các sở TN-MT để xử lý dứt điểm vấn đề liên quan đến làng giấy nghề này.

"Thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ đề xuất tập trung rà soát xây dựng khu xử lý nước thải cho các Khu Phong Khê 1-2, Khu Phú Lâm… Do đó, tôi đề nghị tỉnh Bắc Ninh quan tâm vấn đề này, tập trung giám sát xử lý nước thải ở đây. Bộ TN-MT sẽ tiếp tục quan trắc, phối hợp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang xử lý nghiêm vi phạm; tăng cường tuyên truyền vận động các tổ chức cá nhân làng nghề chung tay với cộng đồng cũng như huy động ngân sách và xã hội hóa trong thu gom xử lý nước thải”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết. 

Bộ trưởng TN-MT cho biết thêm: Với làng nghề truyền thống, các tỉnh phải có quy hoạch để di chuyển, phải có khu để xử lý rác thải làng nghề thì mới dứt điểm; cần có ngân sách Trung ương, địa phương mới thực hiện được và các địa phương phải phối hợp với nhau. Trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã đưa ra quản lý lưu vực sông.

Minh Phương/Báo Tin tức
Vụ khai thác cát gây ô nhiễm sông Đa Nhim: Xác định nhiều vi phạm của doanh nghiệp
Vụ khai thác cát gây ô nhiễm sông Đa Nhim: Xác định nhiều vi phạm của doanh nghiệp

Ngày 12/4, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng có báo cáo số 179/BC-STNMT về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin vụ việc doanh nghiệp tự ý chặn dòng Đa Nhim (huyện Đơn Dương) gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN