Hôm qua (10/3), Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổng kết việc thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2006 - 2010.
Sau 5 năm thực hiện, tình trạng các công trình giao thông, công trình xây dựng gây trở ngại, thậm chí gây mất an toàn cho người khuyết tật khi tiếp cận vẫn chưa được cải thiện là bao.
Tiếp cận chưa đồng bộ
Đề án trợ giúp người khuyết tật (2006 - 2010) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đặt ra mục tiêu: Đến năm 2010, đảm bảo 100% các công trình xây dựng và giao thông công cộng thiết kế và xây dựng mới phải theo quy định hiện hành; 20-30% công trình cũ được cải tạo phù hợp với việc tiếp cận của người khuyết tật. Nhưng đến nay mục tiêu đó không đạt được.
Các công trình xây dựng hiện nay vẫn gây nhiều trở ngại cho việc tiếp cận của người khuyết tật. Ông Phạm Gia Lộc, Chủ tịch Hội người khuyết tật Thái Nguyên bày tỏ: "Nhiều lúc đến liên hệ làm việc với các cơ quan rất khó bởi trụ sở nhiều cơ quan không có lối đi dành riêng cho những người đi xe lăn như chúng tôi".
Thừa nhận thực tế đó, TS Trần Hữu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường của Bộ Xây dựng dẫn chứng: Một số đường dành cho người khuyết tật thì độ dốc quá lớn, không có tay vịn hai bên, không có gờ chắn, không có biển báo, biển chỉ dẫn. Hoặc, ở một số công trình khác, cửa phòng vệ sinh quá hẹp, hình thức đóng ở cửa, bố trí tay nắm cửa chưa được chú ý gây bất tiện trong sử dụng; sử dụng vật liệu lát nền có độ trơn trượt cao, không có lối đi trên vỉa hè, điểm chờ xe buýt không được đảm bảo...
Điểm đỗ xe buýt có nhà chờ vẫn gây nhiều trở ngại cho việc tiếp cận của người khuyết tật. |
Những thiết kế như vậy rất dễ gây tổn thương cho những người dùng nạng, gậy chống hoặc chân giả... Ông Hà khẳng định: “Mới chỉ một số đô thị lớn áp dụng quy chuẩn xây dựng công trình đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận và mới dừng ở mức độ tiếp cận tối thiểu. Một số công trình khác không tuân thủ đầy đủ theo các quy định hiện hành, đôi khi lại gây mất an toàn cho người khuyết tật”.
Mặt khác, theo Bộ Xây dựng, các điểm chờ xe buýt, ghế nghỉ, biển báo, hòm thư, cột thẻ rút tiền tự động, quầy bán vé, cửa kiểm soát vé, quầy giải khát... hiện đều chưa tính đến hoặc chưa xây dựng tiếp cận cho người khuyết tật một cách hoàn chỉnh, đồng bộ. Việc xây dựng các công trình tiếp cận cũng chỉ mới chủ yếu tập trung đến đối tượng người khuyết tật vận động.
Bên cạnh đó, các công trình giao thông công cộng, các phương tiện giao thông công cộng đều chưa đảm bảo tính tiếp cận với người khuyết tật. Theo ông Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải), các bến tàu hỏa, bến xe ô tô với quy hoạch hiện nay rất khó có thể bố trí điểm chờ cho người khuyết tật.
Nhiều điểm chờ xe buýt không có điểm dành riêng cho người khuyết tật đã đành, lại còn bị một số đối tượng chiếm dụng để bán hàng. Hệ thống xe buýt hầu hết đều có thiết kế sàn cao, cửa hẹp, tay vịn không có hoặc có thì không sơn sáng màu, gây cản trở cho người khuyết tật. Xe taxi và xe khách liên tỉnh thì chưa thể đáp ứng các yêu cầu giúp cho người khuyết tật tiếp cận dễ dàng.
Theo TS Trần Hữu Hà, hiện chỉ có 22,6% số công trình y tế, 20,8% số công trình giáo dục, 13,2% số nhà triển lãm, nhà trưng bày, 11,3% trung tâm hội nghị, trụ sở cơ quan... đáp ứng yêu cầu tiếp cận đối với người khuyết tật.
Cần cơ chế khuyến khích
Một số tuyến xe buýt tiếp cận với người khuyết tật đã được triển khai thí điểm ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Để sản xuất thử nghiệm xe buýt tiếp cận theo tiêu chuẩn ban hành, ngân sách đã hỗ trợ 400 triệu đồng. Nhưng Nhà máy sản xuất ô tô 1-5 vẫn phải bỏ thêm 720 triệu đồng để hoàn thiện 1 xe buýt tiếp cận với sức chở 45 hành khách, trên xe có thang nâng, thiết kế phù hợp để người khuyết tật có thể sử dụng xe lăn.
Tất nhiên, xe buýt như vậy có giá cao hơn nhiều các loại xe thông thường, nên các doanh nghiệp vận tải ngại đầu tư. Với những thách thức hiện nay, theo ông Hùng, cần có một cơ chế khuyến khích doanh nghiệp vận tải đầu tư phương tiện tiếp cận cho người khuyết tật.
Theo TS Trần Hữu Hà, Bộ Xây dựng đặt chỉ tiêu đến năm 2025, toàn bộ các công trình: Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, nhà ga, nhà xe, bến tàu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, chung cư, các công trình văn hóa - thể dục - thể thao phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Trước mắt, Bộ Xây dựng cho rằng mỗi địa phương cần chọn một vài trụ sở làm thí điểm cải tạo công trình theo hướng tiếp cận cho người khuyết tật. Tuy nhiên, bên cạnh hạn chế về nhận thức và trình độ kỹ thuật triển khai, thì vẫn còn cái khó là nguồn kinh phí để đầu tư những công trình này.
"Pháp lệnh về người tàn tật đã được thông qua từ năm 1998. Luật Người khuyết tật mới có hiệu lực. Mong rằng việc xây dựng các công trình tiếp cận cho người khuyết tật nhanh chóng được thực hiện", ông Phạm Gia Lộc bày tỏ. Nguyện vọng của ông Lộc cũng là mong muốn chung của hơn 6,3 triệu người khuyết tật ở nước ta hiện nay.
Mạnh Minh