Người dân xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) xưa nay có thói quen sử dụng
nguồn nước sông Đáy làm nước sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây dòng
nước này đã bị ô nhiễm, có thời điểm nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, cá chết
hàng loạt nhưng người dân vẫn phải sử dụng vì nguồn nước khác như nước giếng,
nước mưa cũng bị ô nhiễm. Cách đây một vài năm, họ vui mừng được đón một công
trình cung cấp nước sạch với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng. Đáng tiếc là cho
đến nay công trình này vẫn chưa được đưa vào hoạt động vì thiếu... đường ống
cấp nước đến các thôn, xóm.
Khi tìm hiểu vấn đề này tại địa phương, chúng tôi đã chứng kiến cảnh người dân
phải "gạn đục khơi trong" để gánh về từng thùng nước sinh hoạt từ
sông Đáy, họ cho biết đây là thời điểm nước sông đang bị ô nhiễm nặng. Chị Lê
Thị Tám là người sinh ra và lớn lên tại xã Thanh Nghị cho biết, bây giờ nước
sạch ai cũng cần, gia đình lại làm đậu phụ để bán, rửa ráy suốt ngày mà phải sử
dụng nguồn nước sông ô nhiễm, nên rất mong sớm có nước sạch, ai cũng vậy thôi.
Tâm sự của chị Tám cũng giống như của đông đảo người dân tại địa phương, khi họ
mong mỏi có được nguồn nước sạch để sinh hoạt và sản xuất.
Ông Đinh Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Nghị phụ trách kinh tế cho
biết, nhà máy nước đã xây dựng xong với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Tuy nhiên
ông chỉ nhớ mang máng nhà máy nước được xây dựng khoảng năm 2006, đến năm 2008
bỏ dở cho đến nay chưa 1 lần hoạt động. Vớng mắc khiến cho nhà máy không hoạt
động là không làm được đường ống cấp nước đến các thôn, xóm. Ông Phương cũng
cho biết, dự án trước khi xây đã được bàn bạc trước dân theo tinh thần “Nhà
nước và nhân dân cùng làm” với nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ 60%, nhân dân
trong xã đóng góp 40%. Nhà máy phải xây dựng gấp vì tranh thủ nguồn vốn của Nhà
nước. Còn nguyên nhân nhà máy không tiếp tục triển khai do nhân dân “không nộp tiền”
nên không có kinh phí. Nhưng khi tìm hiểu về vấn đề ông Phương nói, đông đảo
người dân cho rằng họ sẵn sàng đóng góp tiền để cùng chính quyền địa phương làm
đường ống dẫn nước, miễn sao được sử dụng nước máy. Nhiều người còn bức xúc
phản ánh, khi dự án được xây dựng họ không hề biết về dự án, họ không được bàn
cũng như không được tham gia vào xây dựng dự án. Ông Hoàng Xuân Thưởng, Bí thư
Chi bộ thôn Kênh, xã Thanh Nghị cho biết, để xây dựng công trình cung cấp nước
sạch, nhiều hộ dân đã phải bàn giao đất cho dự án, nhưng đến nay khi xây dựng
xong thì không hoạt động đã gây nhiều bức xúc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Thanh Nghị có địa thế rất thuận tiện cho giao
thông đường thuỷ, lại có hệ thống núi đá vôi đồ sộ nên đã được các doanh nghiệp
sản xuất xi măng, doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng đầu tư nhiều công
trình, nhà máy. Hoạt động của các doanh nghiệp này đã khiến cho môi trường
không khí, môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Môi trường bị
ô nhiễm, kết hợp với nhiều yếu tố khác nên trong nhiều năm trở lại đây, dòng
sông Đáy không còn trong xanh như xưa, thay vào đó là những đợt ô nhiễm kéo dài
nhiều ngày, nước giếng khoan, giếng khơi bị nhiễm asen, nước mưa cũng không
dùng được do ô nhiễm khói bụi của các nhà máy xi măng và các mỏ đá trên địa bàn
đã làm "cạn kiệt" nguồn nước sạch của người dân.
Trước thực trạng này, trong thời gian chờ đợi dòng nước hợp vệ sinh từ công
trình cung cấp nước sạch, nhiều hộ dân ven sông đành lắp máy bơm nước từ sông
Đáy lên để dùng trong sinh hoạt và sử dụng nguồn nước mưa để ăn, uống. Tuy nhiên,
theo họ nguồn nước mưa hiện nay cũng không đảm bảo vệ sinh, bởi khói, bụi luôn
đọng trắng trên mái nhà, bất kể là mái ngói hay mái bê tông. Có nhiều trận mưa,
người dân không dám hứng nước vào bể. Ông Lê Đức Hoà, một người dân cho biết,
trên phương tiện thông tin đại chúng đã tuyên truyền, các nhà khoa học đã phân
tích về nguồn nước sông Đáy chảy qua địa bàn huyện chúng tôi rất ô nhiễm. Người
dân địa phương rất mong muốn nguồn nước sạch từ nhà nước hay tổ chức, cá nhân
nào đó cung cấp, bán cho người dân để người dân sớm có nước sạch sử dụng.
Nhiều lần người dân trong xã đã phản ánh ý kiến, gửi đơn tới chính quyền và các
ngành chức năng, mong sớm được giải quyết để có nguồn nước sạch sinh hoạt. Trả
lời về vấn đề này, ông Đinh Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, địa
phương đã họp bàn nhưng có một số hộ dân lại không dự họp nên người ta không
được nghe. Bỏ tiền ra làm cả 1 hệ thống nước chung mà nhân dân địa phương đó
lại ít người nên không đáp ứng được yêu cầu xây dựng thì làm sao người ta làm
được. Khi phóng viên hỏi với tỷ lệ 60/40 thì số tiền người dân phải đóng góp là
bao nhiêu, thì nhận được câu trả lời từ phía ông Phương là: Tôi không nắm được.
Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, vừa qua Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh
môi trường nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Nam
đã tập huấn cho đội ngũ cán bộ của 3 xã: Thanh nghị, Thanh Nguyên và Liêm Sơn
(huyện Thanh Liêm) về nước sạch, vệ sinh môi trường. Tới đây 3 xã này sẽ được
đầu tư xây dựng một nhà máy nước sạch để cung cấp nước cho nhân dân. Đối với
việc này, nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh việc có nên tiếp tục đầu tư hoàn
thiện đường ống nước và duy trì hoạt động của nhà máy nước đã được xây dựng hay
cải tạo, thiết kế xây dựng lại nhà máy này... Và liệu có cần thiết xây dựng
thêm nhà máy nước cho xã Thanh Nghị khi đã có nhà máy nước mà không khai thác? Trong
khi chính quyền vẫn đang loay hoay tìm câu trả lời thì trên 2.000 hộ dân của xã
Thanh Nghị vẫn phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh và ngửa cổ chờ nguồn
nước sạch./.
Đức Phương