Hiện nay, đa số lao động làm việc tại các Khu công nghiệp- Khu chế xuất (KCN-KCX) trọng điểm phía Nam là người ngoại tỉnh. Số lao động này lên đến hàng chục ngàn, do đó nhu cầu về nhà ở và các công trình xã hội như trường học, bệnh viện... là rất lớn.
Tuy nhiên, do không có quỹ đất, không có người chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng… nên người lao động bị mất những quyền lợi đáng ra họ phải được hưởng.
Thiếu nhà ở, nhà trẻ
Theo khảo sát của các ban quản lý KCN-KCX vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đa số cơ sở hạ tầng xã hội như nhà ở, nhà trẻ, bệnh viện, nhà văn hóa… vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân. Cụ thể, tại các KCN Bình Dương hiện có 63 doanh nghiệp (DN) tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân, với tổng diện tích xây dựng 167.007 m2, tổng số vốn đầu tư xây dựng trên 25 triệu USD.
Tuy nhiên, toàn bộ công trình xây dựng trên mới chỉ đáp ứng được 12,6% nhu cầu của người lao động. Số công nhân còn lại phải đi thuê nhà ở tại các nhà trọ tự phát, gây rất nhiều khó khăn cho người lao động trong khi giá điện, nước sinh hoạt, xăng... đã tăng giá.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh Bình Dương có 24 KCN, 92% lao động là người ngoại tỉnh, trong đó có hàng trăm công nhân có con nhỏ, tuy nhiên số nhà trẻ cho con em công nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đơn cử, chỉ có 1 trường mẫu giáo chuyên phục vụ con em công nhân làm việc tại KCN Mỹ Phước do công ty Yazakai bỏ vốn xây dựng và 1 nhà trẻ tại KCN Sóng Thần II do chi hội Thương gia Đài Loan xây dựng.
Khác với Bình Dương, TP.HCM có 15 KCN- KCX, trong đó có 12 KCX-KCN đã đi vào hoạt động từ năm 1997, thu hút khoảng 250.000 lao động (70% lao động từ các tỉnh khác đến). Tuy nhiên, theo một đại diện của Ban quản lý các KCN- KCX TP.HCM, đa số các công trình cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ công nhân bên ngoài cũng như bên trong KCN-KCX chưa được quy hoạch đầu tư xây dựng đúng mức.
Sau những giờ làm việc vất vả, công nhân rất mong được học tập ở những nhà sinh hoạt cộng đồng trong các KCN-KCX (ảnh chụp tại một lớp học tiếng Anh trong KCX Tân Thuận, quận 7). |
Sở dĩ “cung” chưa đáp ứng được “cầu” về nhà ở, nhà trẻ, bệnh viện… của công nhân là do vướng mắc trong các quy định. Cụ thể, từ Nghị định 36/CP của Chính phủ ngày 24/4/1997 đến nghị định 29/2008NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ về KCN-KCX đều quy định không có dân cư sinh sống trong KCN-KCX, cho nên các khu này không lập quy hoạch chung xây dựng bao gồm một tổ hợp KCN và khu dân cư, khu dịch vụ để phục vụ những nhu cầu bức thiết của công nhân.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 1007/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng lại lưu ý phải triển khai đồng bộ và kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển KCN- KCX với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội phục vụ công nhân trong KCN-KCX. Vì vậy, ban quản lý KCN- KCX trên địa bàn TP vẫn loay hoay không biết thực hiện theo quyết định nào, còn người lao động thì phải chịu thiệt thòi.
Thực tế cũng cho thấy, một số công ty đã chủ động xây dựng các công trình phục vụ công nhân trên địa bàn TP.HCM, như: Nhà văn hóa công nhân- Trung tâm thể dục thể thao tại KCX Tân Thuận, KCN Hiệp Phước; trạm y tế tại KCN Tân Tạo, KCN Lê Minh Xuân, Tân Thuận; bếp ăn công nghiệp tại KCX Linh Trrung I và II, KCN Bình Chiểu…
Tuy nhiên, những nơi này chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của hàng ngàn công nhân. Riêng về nhà trẻ, do công trình nhà trẻ mầm non không có trong dự án đầu tư xây dựng KCN cho nên hiện vẫn chưa công trình nhà trẻ nào được đầu tư xây dựng có quy mô dành cho con em công nhân. Vì vậy, hầu hết công nhân làm việc trong các KCN-KCX này đều phải gửi con tại nhà trẻ tư thục, tự phát… bên ngoài KCN- KCX.
Loay hoay tìm quỹ đất
Đa số đại diện các Ban quản lý các KCN vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều cho rằng việc để có được quỹ đất xây dựng các công trình trên là rất khó. Theo đại diện Ban quản lý KCN TP.HCM, trong 5 loại công trình phục vụ cho công nhân thì có tới 4 công trình không có trong dự án, đồng nghĩa với việc không có quỹ đất xây dựng. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này, trước mắt Ban quản lý KCN-KCX TP.HCM đã quyết định lấy phần đất cây xanh của KCN làm đất xây dựng các công trình, số diện tích này chiếm tỷ lệ 15% tổng diện tích cây xanh của 12 KCN-KCX.
Ông Nguyễn Mạnh Văn, Phó Ban quản lý KCN Đồng Nai, cho rằng nhu cầu ăn, ở là thiết yếu, do vậy phải xây dựng nhà ở trước. Tuy nhiên, theo ông, nhà ở dành cho công nhân phải đáp ứng các tiêu chí: Rẻ, gần nơi làm việc và tiếp cận được với các dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, thủ tục xây dựng khu nhà ở khá phức tạp, mất rất nhiều thời gian và chi phí cũng khá tốn kém. Điều đó lý giải tại sao trong hai năm trở lại đây, tại Đồng Nai có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh nhà ở, nhà trẻ cho công nhân.
Để giải quyết những vướng mắc trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ công nhân, ông Ngô Mạnh Hợp, Vụ trưởng-Văn phòng Chính phủ, cho rằng: “Qua quá trình hoạt động của các KCN nếu cần thiết phải đổi lại định nghĩa KCN thì nên đổi, nghĩa là KCN bây giờ đổi thành KCN bao gồm khu sản xuất và khu dịch vụ, để ngay từ đầu có thể đảm bảo quỹ đất cho cả khu vực này.
Khi xây dựng các khu này nhất thiết phải chia ra KCN và khu dân cư riêng biệt (chẳng hạn như KCX Tân Thuận với mô hình KCN ở phía trong khu sinh hoạt cộng đồng của công nhân). Những KCN chuẩn bị quy hoạch nhất thiết phải yêu cầu DN dành quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ công nhân. Riêng những KCN nào đã quy hoạch xong nhưng không có quỹ đất cho các công trình xã hội thì cần điều chỉnh lại và phải đảm bảo vệ sinh môi trường.
Hoàng Tuyết