Tại buổi xin lỗi, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an hai tỉnh An Giang và Long An đã gửi lời xin lỗi đến ông Lâm Hồng Sơn cùng gia đình ông về việc khởi tố bị can và tạm giam đối với ông Sơn không đúng quy định pháp luật. Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra cùng Viện Kiểm sát nhân dân hai tỉnh An Giang và Long An đã xác định không đủ cơ sở để buộc tội đối với ông Sơn.
Từ vụ việc trên, Viện Kiểm sát nhân dân hai tỉnh An Giang, Long An nhận thấy: Đây là sai sót của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng hai địa phương. Những thiệt hại về sức khỏe và tinh thần từ việc khởi tố, bắt giam oan đối với ông Lâm Hồng Sơn khó có thể bù đắp được. Để khắc phục phần nào hậu quả và sự mất mát từ việc làm oan sai, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân hai tỉnh gửi lời xin lỗi đến ông Lâm Hồng Sơn và gia đình. Thông qua vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng hai tỉnh An Giang và Long An cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm và nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc, thận trọng hơn nữa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không để xảy ra vụ việc tương tự.
Tại buổi xin lỗi, ông Lâm Hồng Sơn yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân hai tỉnh An Giang và Long An sớm giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trước mắt, giải quyết khoản tạm ứng bồi thường theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Ông Sơn yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang bồi thường hơn 3,1 tỉ đồng, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An bồi thường 2,7 tỉ đồng; đồng thời đăng báo xin lỗi 3 kỳ liên tục báo Trung ương và báo địa phương. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân hai tỉnh cam kết sẽ sớm bồi thường thiệt hại cho ông Sơn theo đúng quy định.
Theo hồ sơ vụ án: Khoảng tháng 4/1988, Ban Chỉ huy Cảnh sát An Giang ký hợp đồng với ông Lâm Hồng Sơn để mở cơ sở chế biến thức ăn gia súc. Ban Chỉ huy Cảnh sát An Giang chịu trách nhiệm về mặt bằng và pháp lý nên đã giao khoán trại cải tạo cũ ở Châu Đốc cho ông Sơn để xây dựng xí nghiệp. Vốn, nguyên liệu, trang bị máy và tiêu thụ sản phẩm ông Sơn tự lo. Mỗi tháng ông Sơn phải nộp cho Ban Chỉ huy 1,5 triệu đồng. Sau khi thành lập xí nghiệp, ông Sơn giữ chức vụ Giám đốc. Để tạo điều kiện cho xí nghiệp hoạt động, Ban Chỉ huy Cảnh sát tỉnh An Giang hỗ trợ vốn ban đầu là 2 triệu đồng.
Hơn một năm sau, năm 1989, lãnh đạo Ban Chỉ huy Cảnh sát An Giang tiếp tục dùng mặt bằng này liên doanh với đối tác Thái Lan, lập Công ty Ancresdo kinh doanh dịch vụ. Ông Sơn được bổ nhiệm làm Giám đốc do có kinh nghiệm trong việc làm ăn, với nhiệm vụ giao dịch với các đơn vị trong, ngoài nước, được phép mở tài khoản nội địa và ngoại thương tại các ngân hàng thích hợp.
Đầu năm 1990, khi ông Sơn đang thực hiện hợp đồng mua bán sắt trị giá 200 triệu đồng giữa Công ty Ancresdo và Công ty kinh doanh tổng hợp huyện Thủ Thừa (Long An), thì Công an tỉnh An Giang thông báo ông Sơn không phải là người của Công ty Ancresdo.
Tháng 1/1990, Công an tỉnh Long An có quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Sơn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng điều tra, ngày 16/5/1990, Công an tỉnh Long An ra quyết định trả tự do và đình chỉ điều tra bị can đối với ông Sơn với lý do hành vi của ông "không cấu thành tội phạm". Sau khi được Công an tỉnh Long An trả tự do, ông Sơn làm đơn kiện Công an tỉnh An Giang ra Tòa án nhân dân tỉnh để đòi bồi thường. Cuối tháng 11/1990, tòa ra quyết định thụ lý vụ kiện.
Trong lúc ông Sơn đang khởi kiện thì ngày 14/12/1990, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang lại ra quyết định khởi tố bị can, bắt giam ông Sơn về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho rằng để tạo điều kiện cho xí nghiệp hoạt động, Ban Chỉ huy Cảnh sát tỉnh An Giang hỗ trợ vốn ban đầu là 2 triệu đồng. Tiếp đến, tháng 6 và tháng 12/1988, ông Sơn nhận vay của Ban Chỉ huy hai đợt là 5 lượng vàng 24K, với lãi suất 6%/tháng. Toàn bộ số tiền, vàng này ông Sơn sử dụng vào việc cải tạo nhà xưởng và làm vốn mua nguyên liệu sản xuất.
Trong thời gian hoạt động, ông Sơn đã nộp khoán và hoàn trả vốn, lãi cho Ban Chỉ huy tổng cộng 21,605 triệu đồng. Quý đầu ông Sơn đóng tiền đúng quy định, nhưng các quý sau ông không nộp và còn nợ 13,5 triệu đồng; nợ vốn, lãi vay 5 lượng 8 chỉ vàng và 13 triệu đồng.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn cho rằng tổng cộng ông Sơn nợ các đơn vị 32,6 triệu đồng và trên 12 lượng vàng 24K; tháng 4/1989, ông Sơn nhận 13 xe du lịch, còn nợ thuế với Hải quan tỉnh An Giang hơn 36 triệu đồng chưa thanh toán và xác định ông Sơn trốn thuế.
Sau gần 1 năm điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang xác định ông Sơn không có dấu hiệu chiếm đoạt, số nợ trên là quan hệ dân sự và số tiền nợ thuế chưa đủ căn cứ để xử lý ông về tội trốn thuế. Ngày 19/11/1991, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã ra quyết định đình chỉ chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Lâm Hồng Sơn.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang cho rằng: Căn cứ kết quả điều tra xác định Sơn không có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền trên 32,6 triệu đồng và trên 12 lượng vàng 24K. Số nợ này là quan hệ dân sự. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh yêu cầu cơ quan chủ quản hoặc UBND địa phương phục hồi các quyền lợi hợp pháp cho Lâm Hồng Sơn đã bị tạm đình chỉ trong thời gian khởi tố.