Cơ hội giảm nghèo ở huyện 30a

Nghị quyết số số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đối với các huyện miền núi, đông đồng bào dân tộc, khó khăn nhất cả nước. Nghị quyết đã tạo sự đồng thuận cao trong các cấp quản lý, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đã huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội tham gia với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao.

Giảm 6%/năm

Theo thường trực Ban chỉ đạo Tây Bắc, các mục tiêu giảm nghèo nhanh đã cơ bản đạt được, đời sống của người dân được cải thiện, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được bổ sung đáng kể, khoảng cách chênh lệch về mức sống từng bước thu hẹp so với các vùng khác, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc và đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội trao tặng kỷ niệm chương cho các nhà tài trợ chương trình “Chung tay cùng đồng bào Tây Bắc”. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Nguồn lực phân bổ và huy động hỗ trợ các huyện nghèo trên phạm vi cả nước theo Chương trình 30a trong 6 năm (chưa kể kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo chung như mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ nhà ở v.v…) là 20.189 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 17.051 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2.000 tỷ đồng, hỗ trợ của các doanh nghiệp là 3.138 tỷ đồng.

Bình quân mỗi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a được hỗ trợ từ 35-40 tỷ đồng/năm (cả vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn sự nghiệp); mỗi huyện nghèo hưởng cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết 30a được hỗ trợ khoảng 18-20 tỷ đồng/năm. Các tỉnh cũng đã bố trí từ ngân sách địa phương để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn các huyện nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, với tổng số khoảng 2.000 tỷ đồng, tiêu biểu là Hà Giang, Điện Biên, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An...

Cùng với các chính sách giảm nghèo chung, Chính phủ đã ban hành 4 nhóm chính sách đặc thù hỗ trợ các huyện nghèo: chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nghèo; chính sách hỗ trợ trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; chính sách thu hút, tăng cường cán bộ cho các xã nghèo, huyện nghèo; chính sách và cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng đối với huyện nghèo và các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, giải pháp cụ thể, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao, thu hút được các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến tại chỗ trên địa bàn. Cụ thể là, các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang; huyện Ba Bể (Bắc Kạn), huyện Tân Uyên, Than Uyên (Lai Châu), huyện Bá Thước, Thường Xuân (Thanh Hóa)… đạt được nhiều chỉ tiêu theo Nghị quyết 30a đề ra. Công ty Cổ phần thương mại công nghệ Bình Minh đã đầu tư cơ sở trồng và chế biến cây dược liệu trên địa bàn sáu huyện nghèo tỉnh Hà Giang; Công ty TNHH một thành viên Nông trường chè Thanh Bình đầu tư vùng chuyên canh cây chè shan tuyết tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai; Công ty cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp Napaga đã đầu tư vùng chuyên canh trồng và bao tiêu cây chanh leo tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An; Tổng Công ty Thuốc lá đầu tư phát triển cây thuốc lá tại các huyện nghèo ở tỉnh Cao Bằng…

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã làm nổi bật kết quả giảm nghèo: Đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 62 huyện nghèo đã giảm xuống còn 35% theo chuẩn nghèo cũ (bình quân giảm 5%/năm), đạt mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức dưới 40%. 40/62 huyện đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2010 xuống dưới 40%; chỉ còn 22 huyện thuộc 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%, trong đó có Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An. Giai đoạn 2011-2014, các huyện nghèo cơ bản đều đạt mức giảm bình quân khoảng 6%/năm, cao hơn mục tiêu 4% của Nghị quyết 30a. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo tại 57 huyện nghèo vùng Tây Bắc còn 32,22%, giảm 5,36% so với năm 2013.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 có 10% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Đến nay theo đánh giá sơ bộ, đã có 8/64 huyện (chiếm tỷ lệ hơn 12%) có tỷ lệ hộ nghèo ngang bằng hoặc thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh, trong đó có huyện Tân Uyên (20,09%), huyện Than Uyên (19,00%) thuộc tỉnh Lai Châu; huyện Quỳnh Nhai (25,88%), huyện Phù Yên (20,38%) thuộc tỉnh Sơn La; huyện Ba Bể (18,04%) thuộc tỉnh Bắc Kạn; huyện Bá Thước (18,29%) và huyện Thường Xuân (22,89%) thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Vẫn còn những bất cập

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, nhưng đến cuối năm 2014, tỷ lệ nghèo bình quân của 64 huyện nghèo còn cao gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước. Một số huyện, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao trên 50%, cá biệt có huyện cao trên 60-70%; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo chung tại các huyện nghèo; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và địa phương, cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm... Đến nay, cả nước tuy có 8 huyện tỷ lệ hộ nghèo đã đạt mức ngang bằng với tỷ lệ nghèo chung của tỉnh, nhưng hạ tầng cơ sở nhất là giao thông đi lại, sản xuất và đời sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Một trong những nguyên nhân chính là các huyện nghèo đều có điểm xuất phát thấp, điều kiện tự nhiên hết sức khó khăn, khắc nghiệt, hạ tầng sản xuất, đời sống yếu kém, công nghiệp dịch vụ chậm phát triển, năng suất lao động, chất lượng việc làm và thu nhập thấp. Nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho các huyện nghèo được Chính phủ ưu tiên bố trí, nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu. Nguồn lực trong cộng đồng chưa được huy động tốt; chưa nhân rộng được các mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Một số chính sách còn chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, nội dung, địa bàn (như Chương trình 135, Chương trình 30a đều có các chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã thuộc các huyện nghèo, nội dung đầu tư cho cấp xã của Chương trình 30a và Chương trình xây dựng nông thôn mới), mặc dù không trùng về nguồn lực nhưng do định mức, cơ chế, cách thức thực hiện khác nhau nên khó khăn cho công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện của các địa phương, cơ sở, làm phân tán nguồn lực, làm giảm hiệu quả của chương trình. Do có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, người nghèo nên một bộ phận người nghèo phát sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn ra khỏi diện nghèo; công tác đánh giá, rà soát, bình xét hộ nghèo hàng năm ở một số địa phương, cơ sở còn nhiều sai sót.

Công tác lập kế hoạch, lựa chọn đầu tư, giám sát đầu tư ở một số địa phương thực hiện còn chưa tốt, dàn trải: Một số công trình đầu tư chưa thực sự phù hợp với các nhu cầu cấp thiết về phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn; cá biệt có địa phương còn sử dụng sai mục đích (sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình để xây trụ sở hoặc công trình ngoài hệ thống danh mục đã được quy định), phân bổ cho các huyện nghèo thấp hơn mức Trung ương hỗ trợ hoặc không sử dụng hết nguồn vốn do chậm hướng dẫn và tổ chức triển khai, phải xin chuyển nguồn sang năm sau...

Cách thức hỗ trợ sản xuất tại một số huyện chưa căn cứ vào quy hoạch sản xuất và theo nhu cầu của người dân trên địa bàn, còn ít dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho cả vùng; chủ yếu tổ chức mua giống, vật tư cấp phát cho người dân, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là ở những xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, cán bộ là người tại chỗ còn có những hạn chế nhất định về năng lực quản lý, tổ chức thực hiện chương trình nên cũng hạn chế đến hiệu quả của chính sách.

Hồng Thanh Tâm
“Áo mới” nhờ 30a
“Áo mới” nhờ 30a

Từ quốc lộ 70, rẽ ngang quốc lộ 4D chừng hơn 50 km là đến với Mường Khương - một trong ba huyện nghèo của tỉnh Lào Cai được thụ hưởng Chương trình 30a của Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN