Ngày 24/8, Chương trình đào tạo “Nhận thức tiểu chuẩn Halal” cho các doanh nghiệp đã diễn ra thành công tại Hà Nội. Theo bà Bá Thị Nguyệt Thu, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Hà Nội Xanh, đây là lần đầu tiên một chương trình đào tạo liên quan đến tiêu chuẩn Halal tổ chức ở Hà Nội, cũng như miền Bắc.
Halal là những sản phẩm "được cho phép" và "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển. Việt Nam được đánh giá có tiềm năng sản xuất các sản phẩm Halal trị giá khoảng 34 tỷ USD cho các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhờ cơ sở nông nghiệp đa dạng và ngành Công nghiệp chế biến thực phẩm đang phát triển.
Chia sẻ về triển vọng của thị trường Việt Nam, bà Nguyệt Thu cho rằng, thị trường các nước Hồi giáo hiện có hơn 2 tỷ người và dự kiến sẽ tăng lên 2,8 tỷ người vào năm 2030, chiếm 30% dân số thế giới. Theo đó, ngành công nghiệp Halal (cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn cho người Hồi giáo) có quy mô lớn và tiềm năng tăng trưởng cao.
Tổng giá trị trao đổi thương mại sản phẩm Halal toàn cầu lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi năm, tập trung vào các lĩnh vực: Thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, du lịch, truyền thông và giải trí.
Trong khi đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu nông, thủy sản với tiêu chuẩn cao sang thị trường Halal toàn cầu. Cơ cấu hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam mang tính bổ sung đối với thị trường các nước Hồi giáo; có điều kiện tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...
Nhằm tiếp cận và khai thác thị trường này, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng và nhiều địa phương trong cả nước đã và đang đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về chính sách thương mại, văn hóa, tập quán tiêu dùng của thị trường Hồi giáo đến doanh nghiệp; đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận, tham gia hiệu quả thị trường tiềm năng này.
Do vậy, việc đào tạo tiêu chuẩn Halal là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp tuân thủ quy định tôn giáo và pháp luật, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và tăng cường danh tiếng. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Hồi giáo, việc hiểu và thực hiện đúng các tiêu chuẩn Halal trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Cũng tại Chương trình đào tạo, ông Abbas, Chủ tịch Halal Việt Nam nhấn mạnh, chứng nhận Halal không chỉ đơn thuần là con dấu trên sản phẩm, mà còn là biểu tượng của sự cam kết với chất lượng và sự tôn trọng đối với nhu cầu của người tiêu dùng. Thời gian qua, sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ Halal trên toàn thế giới không chỉ là một dấu hiệu rõ ràng cho sự phát triển của cộng đồng Hồi giáo, mà còn là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp để mở rộng thị trường.
“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy thách thức, nhưng cũng đầy cơ hội, nơi việc tuân thủ các tiêu chuẩn Halal không chỉ là trách nhiệm tôn trọng các giá trị tôn giáo, mà còn là cơ hội để mở rộng thị trường và phát triển kinh doanh bền vững”, ông Abbas cho biết.
Với sự hướng dẫn chuyên nghiệp và kiến thức chuyên sâu, chương trình đào tạo này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định Halal, mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý chất lượng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Sự hỗ trợ từ HVN là yếu tố quyết định để doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu Halal, khai thác tiềm năng to lớn của thị trường này.
Ông Abbas, Chủ tịch Halal Việt Nam chia sẻ thêm với các chủ doanh nghiệp tại buổi đào tạo: "Điều quan trọng là không chỉ tập trung vào việc cấp chứng nhận, mà còn phải duy trì và nâng cao chất lượng của quy trình chứng nhận. Chúng tôi đang không ngừng nỗ lực để cải thiện quy trình kiểm tra, đào tạo đội ngũ kiểm soát viên và duy trì sự minh bạch trong tất cả các hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi hiểu rằng sự tin cậy của chứng nhận Halal phụ thuộc vào việc chúng tôi có thể đảm bảo rằng mọi sản phẩm và dịch vụ được chứng nhận đều thực sự đáp ứng các tiêu chuẩn Halal một cách nghiêm ngặt".
Halal Việt Nam cũng nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc hợp tác với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng khác để thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn Halal một cách hiệu quả. Việc tạo ra một môi trường hợp tác và chia sẻ thông tin sẽ giúp Halal Việt Nam đối mặt với những thách thức mới và duy trì sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp Halal.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc duy trì và nâng cao chất lượng chứng nhận Halal là trách nhiệm cam kết tiếp tục làm việc với tất cả các bên liên quan để bảo đảm các sản phẩm và dịch vụ Halal đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu.