Một trong hai vị tướng đặc công hải quân tài ba tháo vát nhiều lần chết hụt trong lòng địch là Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình, nguyên Chính ủy Hải quân. Cuộc đời và tên ông gắn liền với nhiều trận đánh tàu thủy địch ở Cửa Việt, Đông Hà (Quảng Trị). Dân Quảng Trị gọi ông là “rái biển” bởi khả năng “xuất quỉ nhập thần” giữa vòng vây địch của ông.
4 lần “chạm trán” địch
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình là một trong những người lính đặc công hải quân đầu tiên gắn bó suốt thời trai trẻ của mình với những trận chiến đấu tiêu diệt tàu địch ở cửa biển Đông Hà (Quảng Trị). Vào những năm 1967-1969, cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở giai đoạn quyết liệt, lúc đó ông Tình là chiến sĩ trinh sát có nhiệm vụ chỉ huy tổ trinh sát nắm tình hình địch, thu thập tin tức về xây dựng kế hoạch tác chiến, lên phương án đánh tàu địch.
Tướng Tình nói chuyện với người dân Gio Linh Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu |
Lần thứ nhất, trong một đêm, tổ trinh sát của ông gồm 5 người sau khi ngâm mình dưới sông theo dõi địch, ông chỉ huy tổ áp sát địch. Ai dè chạm phải trán tên lính ngụy đi tuần. Chúng ráo riết đuổi theo. Trời tối đen như mực, ông không biết chạy về hướng nào. Bỗng phía trước có một ngôi nhà tranh còn đỏ lửa, ông kéo đồng đội chạy xộc vào. Người phụ nữ đang nhóm lửa hoảng hồn mặt tái mét, miệng la ú ớ. Ông cùng đồng đội chui vào đống rơm trong bếp và lấy mẹt đậy lên. Vừa lúc đó tên trung úy ngụy cũng lao tới. Hắn đá cái mẹt chỗ ông nấp, miệng gầm gừ. Qua hành động của tên trung úy ông đoán hắn là chồng của người phụ nữ kia.
Trong phút giây sống chết, ông bật dậy nhìn thẳng vào mặt hắn nói nhỏ đanh thép “chúng tôi là quân giải phóng bị lính các anh đuổi nên chạy vào đây. Anh đuổi bọn lính đi rồi chúng ta nói chuyện”. Bị giọng nói có lửa của ông thu phục, tên trung úy định thần giây lát rồi hắn quay ra đuổi bọn lính về. Sau đó ông và tên trung úy ngồi xuống đống rơm và nói chuyện với nhau. Ông lấy chân lý lòng nhân ái khuyên nhủ tên trung úy buông súng, không tàn sát dân lành vô tội nữa. Nghe ra, hắn đã để ông đi.
Lần thứ 2, trong một đêm cùng tổ trinh sát vào nhà dân nắm tình hình địch. Thấy trong nhà có đèn, theo ám hiệu địch đang ở quanh đây. Ông ra lệnh cho tổ quay trở ra. Đang lần mò trong bóng đêm, bỗng tay ông chạm vào khẩu súng đặt trên bụng tên lính đang ngủ. Tên ngụy chụp tay ông cứng ngắc. Ông nhanh trí đổi giọng lạnh lùng “đù mẹ, gác đêm lạnh quá xá, chiến hữu cho xin điếu thuốc đỡ lạnh coi”. Tên lính ngái ngủ tưởng người của mình, lấy thuốc móc hộp quẹt ném vào ông: “hút đi rồi bỏ lại dưới võng cho tao, để tao ngủ một lát, mệt thấy bà”. Ông nhặt bao thuốc châm lửa hút và chia cho mỗi người một điếu rồi lặn hút vào bóng đêm.
Lần thứ 3, một buổi chiều tối tháng 6/1968, tổ trinh sát của ông bị lộ, địch rượt đuổi. Ông chạy vào nhà một bà già để tẩu thoát. Hiểu tình thế, bà già đã lôi ông ra chuồng lợn và đẩy ông nằm xuống rồi lấy cào cào phân lợn, rác rưởi lên người ông. Lính ngụy ào tới sục sạo chửi bới, bà già vẫn thản nhiên cào phân lợn vun thành đống, lắc đầu không biết. Ông thoát chết.
Lần 4, bị địch rượt đuổi từ dưới sông, ông chạy lao thẳng lên gác xép nhà bà già bữa trước, nước chảy xuống ướt đẫm. Bọn địch ập tới, bà già nhanh trí đổ chậu nước ra nền nhà cầm chổi quét, vừa kéo cô con gái nhỏ tuổi, quật chổi lia lịa, mắng “Tổ cha mi, từng này mà mi vẫn dầm ra thế à” để đánh lạc hướng chúng. Bọn địch chủi bới một hồi, bắn loạn xạ và bỏ đi.
Bộ đội Hải quân ơn dân Quảng Trị
Người “vùi” ông Tình xuống chuồng lợn cào phân lên người và đổ nước ra nhà đánh con gái, bà là Nguyễn Thị Láo ở huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị. Cô con gái nhỏ tuổi ấy là Nguyễn Thị Lài, con gái bà Láo. Bà Láo đã nhiều lần cứu giúp bộ đội Hải quân bị địch truy đuổi. Ông Tình luôn coi gia đình bà Láo là ân nhân, coi người dân Quảng Trị là bà con thân thiết, còn bà con thị xã Đông Hà gọi ông Tình thân mật là “Eng Hữu” (gọi theo tiếng địa phương).
Ông Tình bảo “Cả đời tôi đội ơn dân Quảng Trị. Nếu không có bà con đùm bọc chở che, tôi đâu còn sống và khỏe như bây giờ. Nhiều lần thoát chết khỏi vòng vây địch là nhờ bà con cứu giúp. Lính đặc công nước, ngoài trình độ chiến thuật điêu luyện linh hoạt sáng tạo, phải có bản lĩnh vững vàng. Bởi lúc nguy nan chỉ có bản lĩnh vững vàng mới bình tĩnh mưu trí đối phó với kẻ thù được”.
Trải lòng mình, ông vô cùng xúc động khi nhắc đến những trận đánh, những lần ông chết hụt được bà con Gio Linh, Quảng Trị giúp đỡ. Chính mảnh đất nóng bỏng ấy đã thấm đẫm bao máu xương đồng đội ông. Họ đã chết để ông được sống, để mỗi lần về thăm Quảng Trị, ông như về chính quê hương của mình. Ông bảo “Danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được Đảng và Nhà nước phong tặng, trong đó có máu đồng đội, có nghĩa nặng tình sâu người dân Quảng Trị”.
Mai Thắng