Bài hát ra đời từ sự trùng hợp ý tưởng
Nhạc sỹ Nguyễn Xuân Ngọc, sinh năm 1984, quê Thái Nguyên nhưng hiện sống ở Hà Nội. Anh từng học lý luận sáng tác tại Học viện Âm nhạc quốc gia và đang làm việc tại trung tâm âm nhạc Music Land.
Khi con tàu lướt sóng trên biển, Xuân Ngọc thường lên boong, tì tay vào lan can, mắt nhìn xa xăm và thả hồn vào những nốt nhạc hào hùng của bài hát mới về Trường Sa đang dần định hình.
Còn trong các chương trình giao lưu văn nghệ giữa đoàn thân nhân với các chiến sỹ hải quân trên các đảo thì Xuân Ngọc thể hiện là một nghệ sỹ đa năng – lĩnh xướng, đơn ca, song ca, múa, điều chỉnh âm thanh, đạo diễn chương trình…
Tiết mục được dàn dựng công phu và để lại ấn tượng sâu đậm cho những người lính đảo là tốp ca bài “Tự hào người chiến sỹ Hải quân Việt Nam” do nhạc sỹ Xuân Ngọc sáng tác và tham gia biểu diễn. Bài hát được viết dưới thể loại hành khúc hào hùng với lời ca thấm đẫm tình yêu Tổ quốc, yêu biển đảo quê hương: “Chúng tôi là bộ đội hải quân Việt Nam, là người lính bộ đội Cụ Hồ vĩ đại. Trong chúng tôi mang một dòng máu Vua Hùng, dòng máu Việt Nam, từ trận đánh Bạch Đằng. Gian nan đâu bằng bộ đội Hải quân Việt Nam. Ngày ngày đè sóng, miệt mài canh giữ biển trời. Lúc bão dông, lúc biển lặng sóng êm đềm. Tổ quốc Việt Nam nguyện giữ nguyên chủ quyền…”.
Bài hát ra đời năm 2016, là kết quả của sự trùng hợp ý tưởng giữa nhạc sỹ Xuân Ngọc và Đại tá Nguyễn Viết Thuận, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Trong một lần gặp gỡ Đại tá Nguyễn Viết Thuận tặng Xuân Ngọc bài thơ “Tự hào người chiến sỹ Hải quân Việt Nam”. Đọc thơ, cảm nhận sâu sắc sự đồng cảm, những nốt nhạc vang lên hùng tráng. Xuân Ngọc lấy nguyên khổ đầu bài thơ làm lời bài hát và sáng tác thêm lời những khổ sau. Bài hát được hoàn thành chỉ trong một ngày.
Nhạc sỹ Xuân Ngọc tâm sự: “Từng được nghe bộ đội hát, được xem một nhóm nhạc chuyên nghiệp thể hiện, cũng đã tự hát bài của mình ở nhiều sự kiện. Song hát cho lính đảo nghe bài hát tâm huyết của mình về Trường Sa mang lại cảm xúc rất riêng. Có cái gì đó vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, cảm nhận mình là chiến sỹ hải quân thực thụ. Không bao giờ tôi quên được những thời khắc quý báu này trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình”.
Lần đầu đặt chân đến những hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, Xuân Ngọc có đôi chút ngỡ ngàng. Nhiều điều anh đã thấy qua ảnh, truyền hình, đã đọc qua sách báo. Nhiều điều anh lần đầu được chứng kiến và thấy không hoàn toàn trùng khớp với sự hình dung khi ở đất liền.
Nhạc sỹ Xuân Ngọc cho biết, trước đây anh có khái niệm chưa thật đầy đủ về công việc của các chiến sỹ hải quân. Bởi thế, trong lời bài hát mới có câu “ngày ngày đè sóng”. Trên thực tế, phần đông các chiến sỹ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời trên các đảo, họ chỉ một lần đã “đè sóng” ra khơi và sẽ một lần “đè sóng” để trở về đất liền trong suốt thời gian quân ngũ.
Chuyến đi biển 18 ngày và các cuộc gặp gỡ, giao lưu với các chiến sỹ hải quân trên các hòn đảo đem lại cho Xuân Ngọc nhiều cảm xúc và sự hiểu biết thực tế về Trường Sa, về sự hy sinh cao cả mà thầm lặng của người lính đảo, những người đang “gìn giữ biển trời quê hương, từng hạt cát, từng cành san hô, từng nhành cây bàng vuông, cây phong ba trên Trường Sa”.
Nhạc sỹ Xuân Ngọc khẳng định: “Cảm xúc trong bài hát mới của tôi về Trường Sa sẽ đầy đặn hơn, mang đậm hơi thở của cuộc sống hơn so với tác phẩm ra đời trước khi lần đầu ra đảo”.
Hát về Trường Sa giữa trái tim Trường Sa
Trong buổi giao lưu văn nghệ ở đảo Đá Nam, người trở thành “ngôi sao sáng” không phải là các nghệ sỹ mà là chiến sỹ Nguyễn Đức Quang. Anh vừa tròn 20 tuổi, quê ở xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Ngãi.
Đức Quang mới ra Đá Nam được mấy tháng, nước da sạm nắng gió, mang đậm dáng vẻ hồn nhiên của một chàng trai gốc gác nông thôn. Đá Nam là một trong những hòn đảo nhỏ nhất, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhất ở Trường Sa. Nhưng tinh thần lạc quan vẫn ngời sáng trong đôi mắt đen láy của chàng chiến sỹ trẻ.
Những người có mặt tại đảo Đá Nam chiều mưa hôm ấy hẳn đã nhiều lần nghe các ca sỹ tên tuổi thể hiện ca khúc nổi bật nhất của nhạc sỹ Huỳnh Phước Long. Thế nhưng, khi giọng ca mộc mạc của chiến sỹ Đức Quang cất lên thì mọi người lặng đi trong giây lát, rồi sau đó là những giọt nước mắt rưng rưng. Có vẻ như không ở đâu phù hợp hơn để nghe bài hát này như ở đảo Đá Nam. Có vẻ như tác giả Huỳnh Phước Long đã đặt chân đến đây, viết ra ca từ và những nốt nhạc lay động lòng người chính là về Đức Quang và những đồng đội của anh: “Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ. Bên đồng đội yêu thương vẫn có loài chim biển. Sóng vỗ ngàn trùng quanh đảo trúc san hô…”.
Nguyễn Đức Quang tâm sự: “Em học xong lớp 12 là đi bộ đội và xung phong ra đảo. Hồi còn ở nhà em nhút nhát, không biết hát hò gì cả. Nhưng ra đảo thì em mạnh dạn hơn, tham gia văn nghệ trong các buổi sinh hoạt chung của đơn vị, của Đoàn thanh niên. Em thích hát bài “Gần lắm Trường Sa” vì phù hợp với tâm trạng của em, giai điệu lại da diết, tình cảm”.
Rời Đá Nam, trong ký ức của phóng viên TTXVN vẫn vang mãi điệp khúc về Trường Sa được cất lên từ giữa trái tim Trường Sa: “Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi. Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”.
Bài 5: Bảo vệ "dải lụa xanh" Nam Yết