Chuyện những người lính ở đội K: Bài 2 - Chắt chiu từng thông tin

Trong quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ trên đất nước bạn, cùng với những thông tin có mộ liệt sỹ từ trong nước thì những nguồn tin, manh mối có được từ người dân địa phương có ý nghĩa quan trọng.

Chính vì vậy, một trong những công việc quan trọng của các đội K là làm tốt công tác dân vận để có thông tin về các liệt sỹ.

Một thông tin và 124 bộ hài cốt

Chuyện Đội K70 phát hiện và quy tập được 124 bộ hài cốt tại 3 hố chôn tập thể tại khu vực lô cao su 61 thuộc phum Veal Mlu, xã Veal Mlu, huyện Ponhea Kraek, tỉnh Tboung Khmum Campuchia vào đầu năm 2017 vừa qua xuất phát từ tin báo của người dân địa phương.

 Bộ tư lệnh Quân khu V, Quân đoàn 3, Binh đoàn 15 cùng các đại biểu đến từ Vương quốc Campuchia long trọng tổ chức Lễ đón, truy điệu và an táng 29 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Đức Cơ, huyện Đức Cơ, Gia Lai hôm 11/5/2017. Ảnh:Hoài Nam/TTXVN

Sau khi nắm được thông tin ông Som Khem (74 tuổi), Trưởng phum Veal Mlu, xã Veal Mlu có biết thông tin về mộ liệt sỹ bộ đội Việt Nam. Ngày 20/2/2017, Thượng tá Đào Minh Tâm, Chính trị viên Đội K70 đã tiếp xúc ngay với ông Som Khem và được kể lại: Vào khoảng năm 1971-1972, bộ đội Việt Nam về đóng chân tại khu vực Kpal Boonghoi (nay là lô cao su 61). Lúc đó chỉ biết vậy chứ không rõ tên đơn vị vì bộ đội Việt Nam không cho vào, nhưng nghe nói chuẩn bị đánh hai đồn địch ở khu vực Kraek thì bị địch phát hiện. Khoảng 6,7 giờ tối ( không nhớ rõ ngày, tháng – Đội K70) có 3 máy bay, trong đó có một máy bay ném bom vào khu vực bộ đội đóng quân. Sáng hôm sau, bộ đội chạy ra phum nhờ người vào dân (ông Som Khem, ông Thu, ông Mau) khiêng xác bộ đội đã hy sinh xuống 2 hố bom để chôn. Ba ngày sau ông Khem quay lại, đơn vị bộ đội Việt Nam đã đi khỏi và mùi hôi thối từ các tử thi còn nồng nặc. Đến nay, trong ba người phụ chôn xác chỉ còn ông Som Kem.

Qua xác minh thêm của Đội K70, ông Koung Buon Thoun, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn cảnh vệ 203 ( từng là đội trưởng đội bảo vệ cho Đội K71 từ 2001-2009) cho biết, năm 2005 đã từng cùng Đội K71 tìm kiếm tại khu vực này, nhưng không tìm thấy, do người cung cấp thông tin chỉ được nghe kể lại nên không xác định được chính xác nơi chôn bộ đội Việt Nam.

Thượng tá Đào Minh Tâm cho biết: Sau khi xác minh thông tin, đến ngày 21/2, chỉ huy đội và lực lượng bảo vệ Campuchia đã đến gặp ông Tuk, chủ rẫy cao su xin đào kiếm hài cốt. Ông Tuk đồng ý và cho biết thêm là khu vực này có chôn nhiều người chết trong chiến tranh. Đến ngày 22/2, Đội K70 đào tìm thấy nhiều sọ người đã mục, xương tay chân, di vật chứng minh là vật dụng bộ đội Việt Nam thường dùng như cúc áo bộ đôi, mặt thắt lưng bằng đồng, dây thắt lưng bằng vải, nhựa... Từ đó, Đội K70 kết luận thông tin ông Som Khem là chính xác và đánh giá đây là một nguồn tin “quý như vàng” khi số mộ quy tập lên đến hàng trăm.

Từ 22/2 đến 8/3, toàn Đội K70 đã tìm đào được 79 bộ hài cốt liệt sỹ, trong đó có 7 bộ tập thể gồm 207 răng, 20 kg xương vụn và các vật dụng kèm theo. Sau đó, tiếp tục mở rộng tìm kiếm, phát hiện 2 hố bom khác có xương cốt xác định là của liệt sỹ Việt Nam cách hố thứ nhất khoảng 20 m và 15 m.

Kết quả tìm kiếm quy tập tại 3 hố chôn liệt sỹ (từ ngày 22/2-2/4/2017), Đội K70 đã quy tập, cất bốc được 124 bộ hài cốt liệt sỹ, trong đó có 113 bộ riêng, 11 bộ tập thể, 2.677 răng. Riêng 11 bộ tập thể có 207 răng và 20 kg xương vụn cùng nhiều di vật kèm theo. Thượng tá Đào Minh Tâm, cho biết: Qua xác minh tài liệu do Phòng chính sách Quân khu 7 cung cấp, xác định đây là số hài cốt liệt sỹ thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân khu 4. Hiện đã thống kê được danh sách 53 liệt sỹ.

Dân vận khéo để có thông tin

Quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, thông qua các hoạt động giúp dân sản xuất, khám chữa bệnh cho người dân địa phương, cùng nhân dân địa phương dọn dẹp, tu sửa nhà cửa, chùa chiền, các địa điểm văn hóa công cộng, các chiến sỹ đội K đã gây dựng tình đoàn kết với người dân Campuchia, qua đó thu thập được nhiều thông tin hữu quý giá về mộ liệt sỹ.

Trong giai đoạn 14 (đầu năm 2015), Đội K72 triển khai công tác tìm kiếm tại tỉnh Kampong Thom. Tuy nhiên, do thời gian lâu ngày và địa hình thay đổi nên công tác gặp nhiều khó khăn. Đã qua hơn 1 tháng tìm kiếm vất vả với hàng trăm hố đào dò mà vẫn không tìm thấy được mộ liệt sỹ nào.

Lễ truy điệu và an táng hài cốt 29 liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Đức Cơ, huyện Đức Cơ, Gia Lai hôm 11/5/2017. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Đến ngày 27/3/2015, trong lúc anh em cán bộ chiến sỹ ghé vào nhà nhà dân ở thôn Svay Kokchum, xã Crakapo, huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom để nghỉ trưa. Thấy ông Prum Sala, chủ nhà bị đau chân nhiễm trùng, bác sỹ của Đội đã khám, điều trị và cho thuốc chữa. Biết được công việc của đội đang đi tìm mộ của chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia, ông Prum Sala kể: Vào năm 1979, có một đơn vị bộ đội Việt Nam chiến đấu ở đây, có một số người hy sinh và được đưa đi chôn. Tôi có đứng xem, vị trí chôn ở một cái gò rộng khoảng 1.000m2, trên đó có một cái cây cổ thụ.


Theo Trung tá Nguyễn Quang Trung, Chính trị viên Đội K72, sau khi nắm được thông tin, Đội đã tiến hành tìm kiếm, đào đến 11 giờ 40 ngày hôm sau đã phát hiện được mộ đầu tiên, đầu quay hướng Bắc, hài cốt bó trong một tấm vải chăn, hoa văn màu xanh. Bên trong có dây thắt lưng bị cháy, có tấm áo mưa bộ đội, có giấy tờ tùy thân nhưng đã bị phân hủy, cúc áo, đạn mục... Sau đó, Đội tìm đào thêm 3 mộ liệt sỹ Việt Nam, nằm xen kẽ với mộ thứ nhất, ngay gần nơi mà trước đó các chiến sỹ đã đào dò nhiều hố trong suốt thời gian dài mà không thấy.

Cũng nhờ làm tốt công tác dân vận, khám chữa bệnh, phát thuốc cho một cụ ông 80 tuổi bị thương do lợn rừng húc, Đội K71 có được thông tin tìm được 8 hài cốt liệt sỹ tại phum Kantuot, huyện Memot, tỉnh Kampong Cham (nay thuộc tỉnh Tboung Khmum). Đại tá Lê Văn Mỹ, Chính trị viên đội K 71 chia sẻ: Trước đó, tại khu vực này, anh em tìm ròng rã nhiều ngày, đào đi đào lại cả chục lần với cả trăm mét khối đất mà vẫn không tìm được hài cốt liệt sỹ bởi địa hình khu vực thay đổi rất nhiều so với thông tin nắm được.

Trước ngày chuẩn bị rút quân, nước sinh hoạt hết, mấy anh em trong đội đi bộ gần 10 km tìm nhà dân để xin nước. Khi ghé vào nhà một hộ dân, thấy có cụ ông khoảng 80 tuổi đang bị thương nằm trong nhà. “Sau khi chiến sĩ quân y của đội khám, cho ông cụ thuốc điều trị, anh em kể chuyện đang tìm hài cốt bộ đội Việt Nam tại khu vực này. Nghe xong, ông cụ nói có biết nơi an táng các liệt sỹ và đồng ý để anh em khiêng cụ đi tìm. Tìm kiếm đúng vị trí ông cụ chỉ, đội đã cất bốc được 8 bộ hài cốt liệt sỹ chỉ trong vòng 5 tiếng đồng hồ, đặc biệt tất cả hài cốt đều có họ tên rõ ràng”, Đại tá Lê Văn Mỹ nhớ lại.

Theo chỉ huy các đội K, nhờ làm tốt công tác dân vận, người dân địa phương đã cung cấp thông tin chính xác giúp các chiến sỹ đội K tìm được hài cốt đồng đội. Trong những năm gần đây, khoảng 80% các hài cốt liệt sỹ được tìm thấy tại Campuchia là nhờ các thông tin trực tiếp hay gián tiếp có từ người dân Campuchia.

Bằng tình cảm nhân hậu, sự chân thành và từ những việc làm mang tính nhân văn cao cả, những người lính các đội K đi qua các vùng quê của mảnh đất Chùa Tháp đã để lại những tình cảm cảm phục cho những người dân Campuchia về những người bộ đội Việt Nam dũng cảm trong chiến đấu, tốt bụng hiền hòa lúc thời bình và luôn hết mình tri ân hướng về đồng đội.

Bài 3: Hóa giải nhiều tình huống khó

Anh Tuấn – Xuân Khu (TTXVN)
Truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia
Truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia

Ngày 18/7, tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức lễ truy điệu, an táng 51 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN