"Mẹ ơi cái này của Việt Nam sản xuất sao lại lấy tên nước ngoài", tôi đã từng "ngậm tăm" khi nhận được câu hỏi ấy của con mình, chị Vũ Thị Huyền (phường Bắc Cường, Lào Cai) tâm sự. Một biển hiệu quảng cáo sử dụng tiếng nước ngoài sai quy định. Ảnh: Anh Minh |
Trào lưu sính ngoại đang dần trở nên thịnh hành trong một bộ phận người dân. Điều này không chỉ thể hiện ở việc thích hàng ngoại mà chuyện sử dụng tiếng nước ngoài tràn lan còn dễ thấy nhất là ở các biển hiệu trên đường phố tại thành phố Lào Cai đã khiến không ít người cảm thấy xa lạ ngay trên chính mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Một chiếc biển quảng cáo không lớn nhưng chứa đựng trong nó những vấn đề không hề nhỏ.
Tiếng Việt lép vếNhiều năm trở lại đây, thị trường hàng tiêu dùng, thời trang, điện tử... của Việt Nam đang dần lên ngôi và chiếm thị phần không nhỏ trên địa bàn thành phố Lào Cai. Tuy nhiên có một nghịch lý là nhiều người tiêu dùng dù dùng hàng Việt Nam nhưng lại vô tình không để ý và không có ấn tượng đó là hàng Việt Nam vì sản phẩm có những cái tên nghe rất "Tây".
Chỉ khoảng 1km đường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) ước tính có từ 30/50 cửa hàng treo biển tiếng nước ngoài như Eli, Evy, Jubbie, Beauty, Salon, Spa, Fashion, Baby shop... kèm theo số điện thoại, địa chỉ bằng tiếng Việt nằm khiêm tốn ở một góc nhỏ xíu dưới tấm biển quảng cáo rộng.
Thậm chí, nhiều nơi dù là hàng Việt Nam trên biển cũng phải có dòng chữ "made in Viet Nam". Chưa kể đến hàng loạt những biển hiệu bất động sản tiếng nước ngoài như Plaza, Tower, Hotel, Asean hay Center được dùng.
Ngay cả các trung tâm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em cũng đặt tên nước ngoài như Sky, Bibi... dù không phải ai cũng hiểu nghĩa của các từ đó nhưng vẫn phải đọc như thể biết rồi.
Nhiều địa điểm, bảng giới thiệu tìm mãi không ra một từ tiếng Việt, mặc dù quán hàng đó chỉ có người Việt ra vào. Vậy nên, mới có chuyện không ít người địa phương không thể đoán biết những cửa hàng, cửa hiệu ở đây bán buôn cái gì nếu không bước chân vào trong. Bên cạnh đó, có không ít bảng hiệu vào loại "nửa Tây nửa Tàu" và cả những loại "chữ Tây" nhưng cả người nước ngoài và người Việt đều không hiểu nghĩa là gì.
Cụ thể, trong thực đơn của một số nhà hàng, đặc biệt nhất là giá tiền thay vì “50 nghìn đồng”, hay “120.000 đồng”… lại được thay bằng những con số và ký tự “50 k”, “120 k”… đỏ chót.
Lâu nay, không ít người chủ cửa hàng và người làm biển quảng cáo vẫn tồn tại tâm lý viết chữ Tây nghe cho nó sang. "Giờ chữ nước ngoài giăng mắc khắp nơi. Bước chân xuống đường là nhìn thấy nào là cofffe, karaoke, massage, shop...", cụ Nguyễn Thanh Nguyên (phường Cốc Lếu, TP Lào Cai) lắc đầu nói. Không thể phủ nhận yếu tố tích cực của sự biến đổi và hội nhập quốc tế trong ngôn ngữ. Đó là điều cần thiết nhưng những gì đang diễn ra dường như đã vượt quá giới hạn của biến thể thông thường trong văn hóa sử dụng ngôn từ.
Trả lại vị trí cho tiếng Việt
"Tiếng ta còn nước ta còn" (Phạm Quỳnh). Ngôn ngữ của một nước thể hiện chủ quyền quốc gia của nước đó, yêu ngôn ngữ cũng là sự tôn trọng Tổ quốc và tôn trọng chính mình. Cần phải nói đúng, viết đúng tiếng Việt. Người nước ngoài sang Việt Nam buộc phải học cách nói cách viết của ta. Bởi việc khám phá tìm hiểu nét đẹp đặc trưng của nền văn hóa bản địa là nhu cầu phổ biến của du khách nước ngoài khi đến Việt Nam.
Luật Quảng cáo của nước ta quy định rõ tiếng nói và chữ viết thể hiện nội dung quảng cáo phải bằng tiếng Việt. Cũng theo luật, nội dung quảng cáo chỉ được sử dụng tiếng nước ngoài khi thể hiện nhãn hàng hóa, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài cùng những từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt. Nếu các biển hiệu quảng cáo sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài áp dụng vào những trường hợp nêu trên và được phép thì khổ chữ nước ngoài không được lớn hơn 3/4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới tiếng Việt.
Theo ông An Đông Phong, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai, luật dù đã có nhưng chưa có chế tài xử phạt, điều này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng địa phương trong thực hiện thanh tra xử lý vi phạm. Bên cạnh Luật Quảng cáo có hiệu lực từ 1/1/2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013. Tuy nhiên, đến thời điểm này các văn bản quy định chi tiết thi hành cả hai luật này đều đang trong quá trình hoàn thiện.
Bởi vậy, trước mắt đi đôi với việc triển khai thực hiện các biện pháp hành chính, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy công tác vận động, giáo dục, tuyên truyền pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo, đề cao sự tự tôn, tình yêu với chữ viết và văn hóa dân tộc, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Thông qua đó, tạo hiệu ứng xã hội rộng rãi phê bình và lên án các việc làm vi phạm.
Hương Thu