Chuyển dịch năng lượng được hiểu là sự chuyển dịch các dạng năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch, năng lượng hạt nhân… sang các dạng năng lượng sạch và giảm các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.
Là xu thế tất yếu trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, gây tác động không tốt đến môi trường, Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới trong chuyển dịch năng lượng. Với cam kết cụ thể nhất được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đưa mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và việc tham gia Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP), Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách chuyển dịch năng lượng, trong đó có xu hướng chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo và nghiên cứu các công nghệ mới.
Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng” nhằm phân tích rõ hơn về hướng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam để có bước đi phù hợp với bối cảnh thế giới.
Bài 1: Hướng tới nền kinh tế xanh
Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế trong đầu tư, khai thác các loại năng lượng tái tạo; đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Mặt khác, nước ta đã và đang thực hiện quá trình đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch, bền vững, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Thiên nhiên ưu đãi
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam có nhiều khu vực có bức xạ mặt trời cao, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Những năm gần đây, nhiều dự án năng lượng mặt trời đã được triển khai. Lượng bức xạ mặt trời trung bình hằng năm ở Việt Nam là khoảng 4-5 kWh/m²/ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn. Với năng lượng gió, các khu vực ven biển miền Trung và miền Nam có tiềm năng gió rất lớn. Việt Nam có tổng tiềm năng năng lượng gió khoảng 513,360 MW, trong đó tiềm năng gió trên đất liền là khoảng 42,000 MW và ngoài khơi là khoảng 471,360 MW.
Thủy điện vẫn là nguồn năng lượng chính tại Việt Nam, đóng góp khoảng 30-40% tổng sản lượng điện quốc gia. Tuy nhiên, các dự án thủy điện lớn đã gần hết tiềm năng phát triển. Thủy điện nhỏ và vừa vẫn còn tiềm năng phát triển thêm, đặc biệt là ở các khu vực miền núi.
Đối với năng lượng sinh khối, Việt Nam có nguồn sinh khối phong phú từ các hoạt động nông nghiệp và chế biến gỗ. Một số dự án năng lượng sinh khối đã được triển khai, chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với sản lượng lúa gạo và các loại cây trồng cao, sinh khối từ rơm rạ, bã mía và các loại cây trồng khác có thể cung cấp một nguồn năng lượng đáng kể.
Trong lĩnh vực năng lượng địa nhiệt, hiện nước ta chưa có dự án phát điện nào, tuy nhiên Việt Nam có tiềm năng đáng kể và có thể phát triển các nhà máy điện địa nhiệt. Các dạng năng lượng mới từ đại dương như thủy triều, sóng biển bắt đầu được nghiên cứu tại Việt Nam. Nước ta có lợi thế về bờ biển dài, nhiều đảo nên việc phát triển được nguồn năng lượng từ đại dương là rất hữu ích.
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá, chuyển dịch cơ cấu năng lượng sẽ giúp Việt Nam giảm tải được áp lực về môi trường. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất.
Trong thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Văn Vy cho biết, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên cho xu hướng này. Hiện điện mặt trời và điện gió đã cạnh tranh được với nhiệt điện than nhờ lợi thế về tiến bộ công nghệ và số lượng các dự án đầu tư lớn. Từ công suất không đáng kể trước năm 2017, đến nay, hệ thống điện Việt Nam đã có trên 16.500 MW công suất điện mặt trời (trong đó 50% là điện mặt trời mái nhà) và trên 4.500 MW công suất điện gió, bằng 30% tổng công suất nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Dự kiến các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục giảm chi phí đáng kể trong những thập kỷ tới. Trong khi đó, chi phí của nguồn nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có xu hướng tăng do các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều vấn đề do nhiên liệu hóa thạch gây ra như ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu trên diện rộng… khiến Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân nhận thấy sự cần thiết phải giảm phát thải khí nhà kính trong nền kinh tế. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong cân đối năng lượng chung, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng từ 31% vào năm 2020 lên mức trên 90% vào năm 2050. Đặc biệt, tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ ngày càng giúp đẩy nhanh quá trình thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo.
Ông Vương Quốc Thắng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, xu thế chuyển dịch năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo đang diễn ra nhanh chóng, gắn với yêu cầu về phát triển bền vững, bảo đảm an toàn môi trường. Năng lượng sạch và tái tạo đang được tăng cường sử dụng gắn với chuyển đổi cơ cấu năng lượng đang là xu thế lớn và tất yếu trên thế giới, nhất là sau COP26.
Do đó, Việt Nam cần khai thác nhanh, an toàn và hiệu quả các nguồn năng lượng gió và mặt trời. Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo cần tập trung giải quyết một số nội dung trọng tâm liên quan đến khung pháp lý, cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, nhân lực, công nghệ cũng như đánh giá tác động môi trường... Theo ông Vương Quốc Thắng, cần xây dựng chính sách cụ thể để khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư các dự án năng lượng, nhất là đối với hệ thống truyền tải điện.
Hướng tới nền kinh tế xanh
Là một trong những quốc gia châu Á đưa ra cam kết mạnh mẽ tại COP26, chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.
Mới đây, tại Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 chủ đề: “Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì soạn thảo, công bố, một số nội dung liên quan đến vấn đề năng lượng đã được đề cập. Theo đó, Việt Nam đang khai thác gần như tối đa tiềm năng các nguồn tài nguyên hóa thạch nội địa và sẽ phải nhập khẩu thêm nhiên liệu than, khí. Việt Nam trở thành một quốc gia nhập khẩu năng lượng ròng với xu hướng giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu năng lượng. Than đá là nguồn đầu vào được sử dụng nhiều nhất (tạo ra 33% sản lượng điện), thủy điện chiếm 29%, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió... chiếm 26%, khí - dầu chiếm 9%...
Báo cáo đưa ra khuyến nghị về nguồn cung cho năng lượng trong nước. Cụ thể, cần đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch mà còn tận dụng tối đa tiềm năng tự nhiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm là một giải pháp thiết thực, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các dự án năng lượng tái tạo cần được đẩy mạnh với sự hỗ trợ của các chính sách khuyến khích và cơ chế tài chính phù hợp, nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và quốc tế. Việt Nam cần phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng để đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong năng lượng sơ cấp lên 11% vào năm 2050, bao gồm việc phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; thực hiện các chính sách hỗ trợ để đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định và bền vững. Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích và cơ chế tài chính phù hợp để thúc đẩy các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường; cung cấp các khoản vay ưu đãi, giảm thuế cho các dự án năng lượng sạch và khuyến khích đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam có chủ đề: “Đường đến phát thải ròng bằng không” do Chính phủ Đan Mạch phối hợp Bộ Công Thương thực hiện vừa phát hành vào tháng 6/2024 cũng đưa ra thông điệp: Cần sớm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam để tránh những chi phí lớn không cần thiết. Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể về cách Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050 và đảm bảo đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030. Theo Báo cáo trên, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 một cách hiệu quả về mặt chi phí, Việt Nam nên tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo từ trước năm 2030. Từ đó, nhu cầu điện tăng thêm sẽ được đáp ứng chủ yếu bằng nguồn điện từ năng lượng tái tạo kể từ năm 2025. Đồng thời, cần đưa ra các mục tiêu tham vọng cho phát triển năng lượng tái tạo trong ngắn hạn, đồng thời giảm thiểu rủi ro và chậm trễ trong việc phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh nguồn tài chính khí hậu ngày càng eo hẹp do khó khăn kinh tế toàn cầu, việc xây dựng và triển khai hiệu quả các lộ trình phát triển carbon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, trong nỗ lực chung chuyển đổi năng lượng toàn cầu vẫn được Chính phủ Việt Nam chú trọng, triển khai. Điều này cho thấy nhận thức mạnh mẽ của Chính phủ về tầm quan trọng của chuyển dịch năng lượng hướng tới kinh tế xanh cũng như quyết tâm đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.
Bài cuối: Khoa học công nghệ là giải pháp cốt lõi