Tạo sự quan tâm cộng đồng
Theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH), TNTT là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em nước ta. Năm 2010, cả nước có 7.460 trẻ em và trẻ vị thành niên từ 0 - 19 tuổi bị tử vong do TNTT, trung bình mỗi ngày có 20 em bị tử vong do TNTT. Năm 2013, cả nước có 6.498 em bị tử vong, trung bình mỗi ngày còn có khoảng 18 em bị tử vong do TNTT.
Để giảm TNTT, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em với sự hỗ trợ UNICEF đã phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động phòng chống TNTT trẻ em, trong đó việc đẩy mạnh xây dựng “Trường học an toàn”, “Ngôi nhà an toàn” và “Cộng đồng an toàn”. Giai đoạn năm 2013 - 2015, chương trình phòng chống TNTT đã đưa ra nhiều giải pháp xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ tại gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Nhiều khóa học kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em đã được mở. |
Sau 3 năm thực hiện chương trình phòng chống TNTT, nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đã được nâng cao hơn. “Tuy nhiên, chương trình cần thực hiện liên tục và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương. Thực tế các vụ TNTT gần đây cho thấy sự thiếu ý thức trong bảo vệ chăm sóc trẻ em, đặc biệt là ở cộng đồng, gia đình. Nhiều vụ tai nạn là do sự bất cẩn của người lớn. Do đó, để giảm TNTT trẻ em cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, đặc biệt là chính quyền cơ sở”, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết.
Cần sự vào cuộc mạnh hơn
Theo bà Đào Hồng Lan, phân tích các vụ TNTT trẻ em gần đây cho thấy, hầu hết các trường hợp liên quan đến TNTT đều phòng tránh được, nếu người lớn, mỗi cơ quan, gia đình quan tâm nhiều hơn nữa tới trẻ em.
Do đó, chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 hướng tới kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông. Mục tiêu cụ thể của Chương trình là giảm tỷ suất trẻ em bị TNTT xuống còn 600/100.000 trẻ em; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do TNTT xuống còn 17/100.000 trẻ em.
Chương trình phấn đấu đạt 5 triệu ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn; 10.000 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn; 300 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn; giảm 25% số trẻ em tử vong do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2015.
Bên cạnh đó, chương trình hướng tới giảm 6% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015; 90% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết các quy định về an toàn giao thông; 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy. “Đây là mục tiêu khá nặng nề với những người làm nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ trẻ em. Để thực hiện cần nguồn kinh phí cũng như sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương, cộng đồng. Trong đó, công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội có vai trò quan trọng nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, hộ gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Phòng, chống tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho biết.
Theo bà Đào Hồng Lan, đầu tháng 4/2016, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Trẻ em, nhằm tạo khung pháp lý với những quy định đổi mới về quyền, bổn phận của trẻ em. Đây là bước ngoặt lớn trong huy động các nguồn lực chăm sóc bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành, cả cộng đồng xã hội để triển khai các giải pháp đồng bộ. “Không để tình trạng giải pháp thì hay, nhưng chỉ trên giấy tờ; còn thực tế thì sự liên kết giữa các bộ, ngành, đơn vị trong việc giảm TNTT lại hời hợt, thiếu hiệu quả”, bà Đào Hồng Lan khẳng định.
Trong số 7 loại TNTT chủ yếu với trẻ em (đuối nước, tai nạn giao thông, ngã, ngộ độc, bỏng, động vật cắn, vật sắc nhọn đâm vào người) thì đuối nước và tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ nhiều nhất và gây tử vong cao nhất. Mỗi năm, chi phí khắc phục hậu quả do TNTT ở Việt Nam lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng nghiêm trọng hơn, TNTT ở trẻ em để lại hậu quả nặng nề về tinh thần và là nỗi ám ảnh suốt đời cho các bậc cha mẹ. |