Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Chương trình “Tết vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” mang đậm tính nhân văn, thể hiện đạo lý, truyền thống “Tương thân tương ái”, "Uống nước nhớ nguồn"… của dân tộc Việt Nam.
Chương trình cũng là dịp để mỗi người thể hiện ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc về sự hy sinh, cống hiến đối với người có công với cách mạng. Sự hy sinh, cống hiến của họ cho nền độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con cháu mai sau. Vì vậy, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang cho biết, nhiều năm qua, tỉnh Bạc Liêu luôn đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Trong 10 năm gần đây, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh Bạc Liêu đã vận động ủng hộ được hơn 12,5 tỷ đồng; trong đó xây dựng 107 căn nhà “Mái ấm da cam”, tặng phương tiện và hỗ trợ vốn sản xuất cho 86 hộ gia đình, trao tặng gần 600 xe lăn, 9 xe lắc, 47 xe đạp, khám cấp thuốc điều trị hơn 500 nạn nhân, tặng quà gần 12.100 lượt gia đình, góp vốn cùng Trung tâm Bảo trợ xã hội xây nhà nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam và hỗ trợ điều trị bệnh nặng... Bạc Liêu cũng đã xây dựng 2 dãy nhà tiếp nhận nạn nhân hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc tại gia đình, tập trung vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nuôi dưỡng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu mong muốn nhận được sự chung tay, góp sức nhiều hơn nữa của toàn xã hội, góp phần chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, hành động vì mục tiêu chung là đấu tranh chống chiến tranh hóa học, bảo vệ hòa bình, bảo vệ môi trường sống, trả lại sự công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 10.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó mới có gần 2.000 người được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam, cuộc sống của hầu hết nạn nhân và người bị phơi nhiễm còn gặp rất nhiều khó khăn. Với tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu đã tham mưu, đề xuất đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách đối với nạn nhân; vận động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ, khảo sát nắm thực trạng nạn nhân đặc biệt khó khăn về nhà ở, vốn sản xuất, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm, tạo việc làm cho nạn nhân chất độc da cam; kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước giúp đỡ nạn nhân đặc biệt khó khăn... Với sự quan tâm của các cấp hội, nạn nhân chất độc da cam ở Bạc Liêu đã từng bước ổn định đời sống và có động lực vươn lên hòa nhập cộng đồng.