Chung tay chăm lo, bảo vệ trẻ em - Bài 1: Cần thêm nhiều sân chơi cho trẻ em

TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và đạt nhiều kết quả tích cực. Dù vậy, trước những thay đổi của thực tiễn cuộc sống ngày nay, công tác này còn nhiều vấn đề đặt ra, vẫn còn tình trạng trẻ bị xâm hại, bạo hành hay thiếu môi trường, sân chơi để trẻ vui chơi giải trí.

Chú thích ảnh
Trẻ nhỏ tham gia sân chơi tìm hiểu Công ước về quyền trẻ em. Ảnh tư liệu: Thành Đạt/TTXVN

Nhân Tháng Hành động Vì trẻ em 2023, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 3 bài viết ghi nhận, phản ánh thực tế vấn đề nêu trên và những đề xuất giải pháp bảo đảm cho trẻ em thực sự được lớn lên trong môi trường an toàn.

Bài 1: Cần thêm nhiều sân chơi cho trẻ em

Với nhiều giải pháp được triển khai, công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em của TP Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Dù vậy vẫn còn mặt hạn chế cần được khắc phục, nhất là trong việc tạo môi trường, sân chơi để trẻ vui chơi giải trí một cách an toàn, lành mạnh.

Còn những sự việc đáng tiếc

TP Hồ Chí Minh hiện có gần 1,9 triệu trẻ em (chiếm khoảng 19% dân số thành phố), trong đó, có hơn 10.000 em là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là hơn 19.500 em. Số trẻ được chăm sóc thay thế trong các cơ sở bảo trợ xã hội là gần 2.600 em.

Tại Thành phố, nhiều vụ bạo hành trẻ nghiêm trọng đã xảy ra, thậm chí dẫn đến tử vong. Mới đây, vào tháng 4/2023, bé K (2 tuổi, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) được Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 với chẩn đoán đa tổn thương, gãy thân xương cánh tay, đa xây xát, bỏng da độ 1-2, chấn thương đầu. Tại cơ quan Công an, mẹ bé K thừa nhận việc đánh con mình. Xa hơn, năm 2022, vụ việc bé N.T.V.A. (8 tuổi, tạm trú Phường 22) bị “dì ghẻ” bạo hành dẫn đến tử vong khiến dư luận phẫn nộ. Những vụ việc này đặt ra nhiều vấn đề trong việc tiếp cận, nắm bắt tình hình và hỗ trợ trẻ em.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, trước đây, các vụ xâm hại trẻ em thường tập trung ở những địa điểm vắng vẻ, khu vực ngoại thành, khách sạn, nhà trọ lưu trú của người dân lao động. Thời gian gần đây, nơi xảy ra vụ xâm hại trẻ là khu vực công cộng thuộc chung cư, trường học, công viên. Trong đó, trẻ em sống ở khu vực nhà trọ, nông thôn, chung cư cao cấp, sống với cha dượng hoặc sống trong gia đình có bạo hành, ly hôn, thất nghiệp, lạm dụng bia rượu và các chất kích thích có nguy cơ bị xâm hại, xâm hại tình dục cao. Nhận diện được vấn đề này, Thành phố tiếp tục tập trung tới các giải pháp phòng ngừa.

Báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh cho thấy, số trẻ bị xâm hại tăng mỗi năm. Năm 2021 có 114 trẻ bị xâm hại, năm 2022 có 147 trẻ bị xâm hại; riêng trong 4 tháng đầu năm 2023 có 65 trẻ bị xâm hại. Tại Thành phố, dù số vụ xâm hại trẻ em có chiều hướng giảm nhưng tính chất của các vụ ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, hình thức xâm hại chủ yếu là hành vi xâm hại tình dục, bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần; độ tuổi trẻ trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ. 

Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ ngày càng mở rộng, không chỉ là người lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp mà đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên. Phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới và hầu hết trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết. Một số trường hợp xâm hại diễn ra trong thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng. 

Cân bằng giữa học và chơi

Dù đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư nhưng thực tế, sân chơi cho trẻ em tại TP Hồ Chí Minh còn thiếu so với nhu cầu. Ông Hà Tài Sáu, Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi TP Hồ Chí Minh cho rằng, môi trường, điều kiện để trẻ vui chơi giải trí tại Thành phố còn hạn chế. Nhà thiếu nhi Thành phố (Quận 3) là một trong những công trình lớn dành cho thiếu nhi nằm ngay ở trung tâm Thành phố, được đầu tư gần 200 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp với khuôn viên 5.000 m2 và 12.000 m2 sàn sử dụng. Tuy nhiên, so với nhu cầu của thiếu nhi, công trình này chưa đáp ứng nhu cầu về sức tiếp nhận lẫn các hoạt động bên trong. Vào mùa cao điểm, Nhà thiếu nhi thường kín chỗ. Mặt khác, nơi đây, bao năm vẫn từng ấy hoạt động cũ, chưa có hồ bơi, khu thiên văn học, tìm hiểu robot hay bãi đất cắm trại... phục vụ đa dạng nhu cầu của trẻ.

Theo ông Hà Tài Sáu, vui chơi cho trẻ em không chỉ đơn thuần có các môn thể thao, nghệ thuật phổ biến hiện nay mà cần thêm sân chơi sáng tạo như robot, thiên văn học, vũ trụ và các kỹ năng như cứu hộ cứu nạn, tham gia giao thông, thoát hiểm, chống xâm hại...

Trong các buổi đối thoại với lãnh đạo Thành phố hằng năm, bên cạnh việc học tập, tạo ra sân chơi phù hợp với trẻ là vấn đề nhiều thiếu nhi quan tâm. Em Lý Nguyên Trân (Trường Trung học Cơ sở Bạch Đằng, quận Bình Thạnh) mong muốn, công trình cung thiếu nhi ở Thủ Thiêm được xây dựng nhanh hơn để các bạn huyện vùng xa như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ… có thể đến vui chơi, tham gia sinh hoạt và học tập.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cùng với dạy và học kiến thức, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa luôn được các trường, đơn vị tập trung xây dựng kết hợp hoạt động của câu lạc bộ thể dục, thể thao, Robotics, câu lạc bộ năng khiếu, câu lạc bộ học thuật. Các câu lạc bộ này đang phát huy hiệu quả, giúp các em tự tin tham gia cuộc thi cấp thành phố và cuộc thi quốc tế. TP Hồ Chí Minh đã có hơn 85% đơn vị trường học có câu lạc bộ thể thao dành cho học sinh. Trong đó, 68,7% học sinh thường xuyên tham gia hoạt động thể thao ngoại khóa của nhà trường.

Bên cạnh đó, việc dạy học theo hướng trải nghiệm, dạy học ngoài lớp học, ngoài nhà trường, lớp học mở... là xu hướng nhiều nhà trường tiếp cận. Trong đó, nhiều hoạt động học tập được tổ chức gắn với hoạt động thực hành, trải nghiệm như học lịch sử tại các điểm di tích, giao lưu với nhà văn, nhà thơ có tác phẩm được chọn đưa vào sách giáo khoa… Nhiều buổi sinh hoạt lắng nghe ý kiến học sinh được tổ chức để các em có cơ hội bày tỏ suy nghĩ.

Cùng với các giải pháp triển khai trong trường học, Thành phố tập trung nhiều giải pháp để xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em. Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần tiếp tục tập trung xây dựng chính sách ưu tiên đối với vấn đề trẻ em, chú trọng y tế, dinh dưỡng, vệ sinh cho thanh thiếu niên và học sinh.

Các hoạt động cần bảo đảm để trẻ em Thành phố được sống và phát triển, tiếp cận giáo dục có chất lượng và điều kiện vui chơi, giải trí...

Bài 2: Lan tỏa yêu thương

Thu Hoài - Thu Hương (TTXVN)
Chung tay chăm lo, bảo vệ trẻ em - Bài cuối: Để trẻ có kỳ nghỉ ý nghĩa
Chung tay chăm lo, bảo vệ trẻ em - Bài cuối: Để trẻ có kỳ nghỉ ý nghĩa

Các cấp, ngành đã và đang nỗ lực thay đổi tư duy, nhận thức của người lớn, phụ huynh bằng nhiều quy định, chính sách cụ thể đồng thời tổ chức các hoạt động nhằm tạo ra một mùa Hè đúng nghĩa, an toàn cho trẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN