Chung kết hội thi giảm nghèo bền vững

Ngày 12/12, tại Hà Nội, vòng chung kết “Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng” đã diễn ra với 10 đội xuất sắc nhất.

Ban tổ chức tặng hoa 10 đội tham gia vòng chung kết hội thi

Hội thi do Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động Thương binh Xã hội) và Dự án hỗ trợ giảm nghèo PRPP tổ chức từ tháng 7/2016. Hội thi nhận được đơn đăng ký của 60 tổ đội nhóm từ 16 tỉnh thành và sự hỗ trợ của 20 tổ chức kết nối và 10 doanh nghiệp.


Sau vòng sơ tuyển, Ban giám khảo đã lựa chọn ra 10 đội xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Chị Thào Sung, trưởng nhóm trồng lanh và dệt thổ cẩm (xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai) cho biết: “Tổ hợp tác được thành lập nhằm sản xuất ra các sản phẩm thổ cẩm truyền thống, giúp đỡ phụ nữ, em nhỏ không phải đi ăn xin, chèo kéo khách để bán hàng. Được sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhóm đã đổi mới mẫu mã theo hướng ứng dụng hơn, phù hợp với gu của khách du lịch. Đồng thời, nhóm xây dựng thương hiệu riêng. Tổ hợp tác có kế hoạch mở rộng thêm khu vực sản xuất qua việc mở thêm xưởng vừa may vừa thêu, vừa bán hàng, phát triển tập trung khoảng 2 ha trồng lanh để du khách có thêm điều kiện trải nghiệm”.


Theo Ban tổ chức, khi tham gia hội thi, 4/10 nhóm đã thay đổi từ nhóm lên “tổ hợp tác” hoặc hoàn thiện hồ sơ lên hợp tác xã. Hội thi đã góp phần phát huy vai trò và nỗ lực của cộng đồng, đặc biệt là nhóm phụ nữ dân tộc trong xây dựng và triển khai sáng kiến phát triển sinh kế với việc tôn vinh giá trị sản phẩm bản địa, đảm bảo sự bên vững môi trường.


Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Một trong những nội dung quan trọng mà Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đề ra là đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở, cộng đồng, phát huy tinh thần tự lực của người dân trong quá trình thực hiện giảm nghèo tại địa phương. Thực tế cho thấy, ở đâu có sự tham gia của cộng đồng thì ở đó người dân được cải thiện đời sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.


“Qua Hội thi này, mong muốn sẽ tìm được các sáng kiến giảm nghèo bền vững của các tổ,đội,nhóm để làm mô hình điểm nhân rộng trên khắp cả nước. Làm thế nào thông qua các mô hình sử dụng hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo”, ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết thêm.


Trải qua hai vòng thi, nhóm "Tín dụng vi mô Đồng Tâm" đến từ tỉnh Sóc Trăng đã giành giải Nhất chung cuộc. Bên cạnh 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích, Ban tổ chức còn trao 1 giải Bình chọn qua fanpage và giải thưởng do chuyên gia cố vấn, tổ chức, doanh nghiệp tự chọn.


Xuân Cường
Giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số
Giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số

Với phương châm “Cho cần câu hơn cho xâu cá”, bên cạnh việc thực hiện các chính sách giảm nghèo chung của cả nước, Quảng Ninh đã lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN